10 sự kiện nổi bật ngành Dầu khí năm 2016

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Năm 2016 là một năm nhiều biến động, thách thức và đầy khó khăn với ngành Dầu khí của Việt Nam. Trong thời khắc đầu năm 2017, đây là lúc thích hợp nhất để nhìn lại toàn cảnh 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Dầu Việt Nam ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước đã diễn ra trong năm 2016 do Diễn đàn Dầu khí Việt Nam - www.oilgas.vn bình chọn

1. Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành dầu khí (27/11/1961 - 27/11/2016)

Sau 55 hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng nhân dịp này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức triển lãm ảnh và trao giải cuộc thi viết về "Những kỷ niệm sâu sắc về ngành dầu khí" cho 34 tác giả có tác phẩm xuất sắc thuộc các lĩnh vực được bình chọn.

2. Khởi động chuỗi dự án Lô B-Ô Môn

03/4/2016 chính thức được khởi động. Chuỗi dự án khí Lô B bao gồm các dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B, 48/95 & 52/97 và Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn. Theo đó: Dự án phát triển mỏ Lô B có tổng chi phí đầu tư trong 20 năm: 6,8 tỷ USD.; Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (42.896%); PVEP (26.788%); MOECO (22.575%); PTTEP (7.741%) do Phú Quốc POC – Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm Nhà điều hành; Công trình đưa vào vận hành từ Quý II/2020; gồm các hạng mục công nghệ và thiết bị chính: 01 Giàn Công nghệ trung tâm và 46 giàn khai thác; 01 giàn nhà ở; 01 tầu chứa condensate; khoảng 750 giếng khai thác.

thutuongkhoidongduanlobomon.jpeg

Thứ 2 là Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn với tổng mức đầu tư: 1,2 tỷ USD; Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/PVGas/Nhà thầu MOECO (Nhật) & PTTEP (Thái Lan) làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh; theo kế hoạch, công trình đưa vào vận hành từ Quý II/2020; Tổng chiều dài tuyến ống là 431 km có công suất thiết kế 20,3 triệu m3, trong đó, tuyến ống biển có chiều dài khoảng 295 km, đường kính 28 inch vận chuyển khí từ Lô B đến Trạm tiếp bờ tại An Minh/Kiên Giang, ống nhánh 37 km 18 inch nối từ KP209 về Trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 – Cà Mau; Tuyến ống bờ có chiều dài khoảng 102 km, đường kính 30 inch chạy qua tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ và tuyến để cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Kiên Giang và Trung tâm điện lực Ô Môn tại Cần Thơ; Dọc theo tuyến ống sẽ có Trạm tiếp bờ, Trạm van ngắt tuyến, Trạm phân phối khí Kiên Giang (GDS) và Trung tâm phân phối khí Ô Môn (GDC)

3. Đón dòng dầu đầu tiên ngay sau khi đưa vào hoạt động giàn RC 9

Ngày 6/6/2016, tại mỏ Rồng (Mỏ Rồng nằm trong bể Cửu Long thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách Thành phố Vũng Tàu khoảng 145 km về phía Đông Nam) giàn RC9 đã chính thức dòng dầu đầu tiên tại giếng khoan 904.

Giàn RC9 được chế tạo tại Việt Nam do các nhà thầu trong nước thực hiện và được thiết kế dưới dạng là giàn không người (unmanned platform), kết nối với giàn RC5 hiện hữu qua cầu dẫn có chiều dài 32m. Giàn RC9 có công suất thiết kế để khai thác 2000 tấn chất lỏng/ngày đêm, bao gồm khối kết cấu chân đế với 01 bến cập tàu, sàn chịu lực (sàn MSF), khối thượng tầng và cầu dẫn nối với giàn RC5. Trên giàn RC9 có 12 giếng với 12 lỗ khoan (12 slots), không có sân bay, không có cần xả khí (vent boom), cũng như không có cụm các shelter trên sàn upper deck. Phạm vi công việc của dự án này bao gồm cả phần thiết kế cải hoán giàn RC5 để kết nối và tiếp nhận xử lý sản phẩm từ giàn RC9.

4. Lắp dựng vỏ máy phát tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Ngày 12/4, tại công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí đã lắp đặt thành công cụm máy phát tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Cụm máy phát tổ máy số 2 có tổng trọng lượng 340 tấn. Đây là khối thiết bị nặng nhất và quan trọng của Nhà máy. PVC-MS đã phối hợp với đơn vị Tổng thầu chuẩn bị chu đáo mọi mặt và tiến hành lắp đặt khối thiết bị ở độ cao 18m. Dự kiến tháng 9/2017, PVC-MS sẽ hoàn thành và bàn giao cho Tổng thầu PVC.

5. Giàn khoan Tam Đảo 05 tự nâng do Việt Nam chế tạo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào hoạt động

Ngày 6/8, Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã tổ chức nâng thử thành công giàn khoan Tam Đảo 05. Giàn khoan là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia được chế tạo tại Việt Nam do Vietsovpetro làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu, có giá trị 230 triệu USD.

02082016_031120_PM_1.jpg

Giàn Tam Đảo 05 có thể hoạt động ở độ sâu hơn 120m (400ft) nước biển và có khả năng khoan tới độ sâu 9.000m (30.000ft), chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12 với những đợt sóng cao đến 20,7 mét.

6. Hạ thủy và đưa vào hoạt động giàn BK Thiên Ưng

Giàn BK Thiên ưng nằm trong Dự án BK Thiên Ưng thuộc chuỗi dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (NCS2) (chuỗi dự án này có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD). Công trình giàn khai thác khí BK Thiên Ưng nặng hơn 5.000 tấn, được xây dựng để phục vụ khai thác khí từ mỏ Thiên Ưng và khí từ mỏ Đại Hùng với tổng công suất tối đa lên tới hơn 3 triệu m3 khí/ngày. Đây là dự án khai khác khí lớn nhất từ trước đến nay về quy mô. Toàn bộ khối lượng xây dựng công trình do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro thực hiện. Công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 11-2016.

7. Vietsovpetro đón dòng khí và condensate đầu tiên từ mỏ Thiên Ưng

Ngày 06/12, liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã hoàn thành khoan và mở vỉa thành công, đón dòng khí và condensate đầu tiên từ giếng khai thác TU-6, giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng, Lô 04-3.

Giếng hiện cho lưu lượng trung bình mỗi ngày khoảng 540 nghìn mét khối khí và 200 tấn condensate. Hiện nay Vietsovpetro đang khẩn trương thực hiện các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đưa khí và condensate vào hệ thống công nghệ, chuyển qua mỏ Bạch Hổ, đưa về bờ trong thời gian sớm nhất.

8. Phát hiện vỉa dầu mới ở giếng khoan thăm dò mỏ Bạch Hổ

Ngày 30/11, khi tiến hành thử vỉa đối tượng thứ 2 tại giếng khoan thăm dò Bạch Hổ - 47 (BH-47), Vietsovpetro đã nhận được dòng dầu tự phun mạnh, không có nước từ đối tượng Mioxen ở chiều sâu 3178-3277m. Áp suất miệng của giếng khoan khá mạnh. Theo đánh giá ban đầu, loại dầu phun ra có tỷ trọng trung bình 0,83g/cm3, lưu lượng dầu tính toán là 610m3/ngày, khí 110.000m3/ngày.

Vietsovpetro sẽ chính xác lại cấu tạo địa chất tầng chứa dầu để đánh giá phạm vi phân bố cũng như tính toán lại trữ lượng để có thể tiếp tục khoan giếng thẩm lượng cho khu vực này.

9. 5 dự án “tai tiếng” nghỉn tỷ của ngành dầu khí

Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” tới 5 dự án. Đó là dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, dự án nhiên liệu sinh học - ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước, đóng tàu Dung Quất.

Trong số 5 dự án “bê bết” của ngành dầu khí, thì dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất có “lịch sử” đặc biệt hơn. Đây là nhà máy từ Vinashin chuyển về cho Tập đoàn Dầu khí quản lý từ năm 2010 khi Vinashin bên bờ vực phá sản. Cho nên có thể nói, PVN bất đắc dĩ phải “gánh” nhà máy này.

10. Petrotimes bị đình bản

Việc Petrotimes đăng thông tin từ báo nước ngoài liên quan ông Trịnh Xuân Thanh là một trong những lý do dẫn đến quyết định đình bản báo này.

Petrotimes đăng tải nhiều bài viết xa với tôn chỉ mục đích "là cơ quan ngôn luận của Hội dầu khí Việt Nam", "một số thông tin không kiểm chứng, sai sự thật, gây hậu quả xấu trong xã hội".

Theo quyết định số 1702/QĐ-BTTTT của Bộ TTTT, Báo điện tử PetroTimes sẽ tạm thời ngừng hoạt động trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 03/10/2016.

Thông tin Dầu khí​
 
Sửa lần cuối:

Việc làm nổi bật

Top