Bài học về chỉ định thầu trái luật

Thảo luận trong 'Đấu thầu' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 4/5/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) mới đây ra thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 14 đề nghị xem xét thi hành kỷ luật đối với tập thể, cá nhân tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

    Trong danh sách các cá nhân bị nêu tên, đáng chú ý có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN Đinh La Thăng, người chịu trách nhiệm liên quan đến nhiều vi phạm trong đấu thầu, đặc biệt là việc chỉ định nhiều gói thầu lớn trái Luật Đấu thầu.

    [​IMG]
    Theo thông cáo của UBKTTƯ, những sai phạm tại PVN trong đó có trách nhiệm của ông Đinh La Thăng liên quan đến quyết định đầu tư phân tán, dàn trải, thiếu kiểm tra, giám sát, góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank… Tuy nhiên, nổi cộm nhất lại là vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là chỉ định thầu.

    Thông báo của UBKTTƯ nêu rõ Ủy ban đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và một số cá nhân có liên quan. Trong đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 - 2011.

    Ông Đinh La Thăng phải “chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU ngày 17/3/2009 của Đảng ủy Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật”. Cùng với đó, ông Thăng còn phải “chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật”.

    Ngoài ra, Thông báo còn đề cập đến trách nhiệm của ông Thăng trong việc “Chấp thuận cho Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005”.

    Khoản 2, Điều 20, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 quy định: “Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ quy trình thực hiện chỉ định thầu do Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nhà thầu được PVN chỉ định lại không đáp ứng yêu cầu về năng lực, dẫn đến nhiều hệ lụy và không phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

    Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) được công bố cuối năm 2016, về sai phạm trong chỉ định thầu tại PVN, việc chỉ định Liên danh PVC - Alfa Laval thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhiên liệu sinh học (NLSH) Phú Thọ, Liên danh PTSC - Alfa Laval (Ấn Độ) thực hiện gói thầu EPC Dự án NLSH Dung Quất, trong đó các nhà thầu PVC và PTSC đều đảm trách thực hiện các công việc quan trọng của dự án, nhưng hạn chế năng lực, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án NLSH, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến thi công chậm tiến độ, gây hậu quả cho các chủ đầu tư, đặc biệt nhà thầu PVC đã dừng thi công dự án Phú Thọ gần 5 năm, vi phạm Hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng.

    Kết luận của TTCP cho biết, 3 dự án nhà máy NLSH tại Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước có tổng vốn đầu tư lớn, với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng, chưa có hiệu quả.

    Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, việc UBKTTƯ ra thông báo đề nghị xem xét, kỷ luật các cá nhân, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị cho thấy “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực và vi phạm pháp luật. Nói riêng về các sai phạm được đề cập trên đây, trong việc chỉ định thầu - hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh nhất, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó đáng chú ý là vấn đề khép kín, lợi ích nhóm. Ở đây trách nhiệm của người đứng đầu PVN là phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu, tuy nhiên, trên thực tế, việc chỉ định thầu tại PVN lại trái pháp luật, để xảy ra nhiều hệ lụy.

    Đây là bài học cảnh tỉnh đối với việc chỉ định thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu vốn được nhiều địa phương, đơn vị “thích” áp dụng nhất, với số gói thầu chỉ định vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số gói thầu.

    Hoàng Liên - Trâm Anh/Báo Đấu thầu​
     

Chia sẻ trang này