Bài toán cắt giảm sản lượng của “ông vua dầu mỏ”

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
A-rập Xê-út đã thông báo với các khách hàng châu Âu và Mỹ về kế hoạch giảm lượng cung dầu mỏ từ tháng 1-2017, như một phần trong nỗ lực thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được. Như vậy, sau hai năm diễn ra cuộc chiến giá dầu, A-rập Xê-út, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, đã chấp thuận hy sinh những lợi ích riêng để đi đầu trong các nước cắt giảm sản lượng, góp phần bình ổn thị trường. Ðây cũng là bài toán khiến “ông vua dầu mỏ” đau đầu khi đã chịu nhiều thiệt hại kinh tế do giá dầu sụt giảm.

aaeb86b39c879506366e4b04f5f8b52a.jpg

A-rập Xê-út là nước đi đầu trong thực hiện cam kết của các nước thành viên OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ 600 nghìn thùng/ngày, sau khi tổ chức này đạt được thỏa thuận giảm 1,2 triệu thùng/ngày, xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày hồi cuối tháng 11 vừa qua. Ðộng thái này cho thấy cuộc chiến giá dầu đã hạ nhiệt và các nhà sản xuất dầu mỏ buộc phải bắt tay nhau nhằm đẩy giá dầu lên khi đã “nếm trải” những thiệt hại nặng nề do dầu liên tục rớt giá. Cách đây hai năm, OPEC được dẫn đầu bởi A-rập Xê-út, đã có sự thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt về việc từ chối cắt giảm sản lượng với hy vọng rằng giá dầu thấp sẽ không khuyến khích đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, kể từ khi A-rập Xê-út có Bộ trưởng Năng lượng mới là Kh.An Pha-li, đã có những thay đổi trong các bước đi của ngành dầu mỏ nước này. Ông Pha-li nói rằng, thế giới cần duy trì giá dầu ở mức hơn 50 USD/thùng để đạt được một thị trường cân bằng. Ðiều này kéo theo những động thái giúp A-rập Xê-út có thể nối lại vai trò trong việc cân bằng cung cầu. Tại cuộc họp của OPEC hồi tháng 6-2016, tại Viên (Áo), A-rập Xê-út đã làm một số đối tác ngạc nhiên khi đề xuất OPEC thiết lập một trần sản lượng mới. Nước này đã đưa ra một số ý kiến trong các cuộc họp riêng rẽ về cách tốt nhất để quản lý dư thừa nguồn cung, đồng thời đặt câu hỏi cho các nhà phân tích độc lập của OPEC về các tác động đối với giá dầu khi đóng băng hoặc thậm chí cắt giảm sản lượng. Tại cuộc hội đàm riêng với Bộ trưởng Dầu mỏ Ni-giê-ri-a trước khi OPEC nhóm họp, Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út đã bày tỏ sẵn sàng làm sống lại ý tưởng về việc ngừng sản xuất trong khi cũng có thái độ mềm dẻo hơn đối với I-ran, quốc gia đang nâng sản lượng thời hậu cấm vận.

Theo nguồn tin từ OPEC, A-rập Xê-út dường như đã có đủ dầu thô giá rẻ trong bối cảnh áp lực ngân sách, nỗi lo thiếu hụt nguồn cung trong tương lai và nước này đang tìm cách giảm cổ phần tại nhà sản xuất dầu mỏ Aramco thuộc sở hữu nhà nước. Khi tác động tiêu cực của giá dầu rẻ ngày càng lớn, gây áp lực lên vấn đề ngân sách của A-rập Xê-út, Ri-i-át phát đi tín hiệu sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt hơn để cứu vãn giá dầu. Theo đó, Ri-i-át sẵn sàng cắt giảm sản lượng xuống mức tương đương các mức hồi đầu năm.

Giá dầu sụt giảm kể từ giữa năm 2014 đã gây sức ép về tài chính đối với A-rập Xê-út, gây ra mức thâm hụt ngân sách lớn trong năm ngoái và buộc vương quốc này phải tìm kiếm các nguồn thu mới, trong đó có các loại thuế và lệ phí khác, đồng thời cắt giảm chi tiêu. Cũng như các đồng minh vùng Vịnh, Ri-i-át đã thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau một thập kỷ chi tiêu hào phóng nhờ vào các nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ. Chính phủ nước này đang nỗ lực tăng nguồn thu phi dầu mỏ và hiện đại hóa nền kinh tế thông qua kế hoạch cải cách "Tầm nhìn 2030", trong đó trọng tâm là việc bán cổ phần tại công ty dầu mỏ Aramco. A-rập Xê-út muốn giá dầu cao hơn để định giá tốt hơn cho Aramco, có thể lên tới 4.000 tỷ USD. Các quan chức A-rập Xê-út cũng đã thảo luận về khả năng cắt giảm đầu tư nếu giá dầu vẫn ở mức thấp trong thời gian dài. Vì vậy, nhiều dự án dầu mỏ truyền thống ở nước này đã bị hủy bỏ.

Sản lượng dầu mỏ của A-rập Xê-út đã ở gần mức cao kỷ lục 10,7 triệu thùng/ngày, ngang với Nga và Mỹ. Sự thay đổi thái độ của A-rập Xê-út, trong đó sẵn sàng cắt giảm sản lượng đã được các nước không thuộc vùng Vịnh trong OPEC hoan nghênh bởi nhiều nước từng đổ lỗi cho Ri-i-át về sự sụp đổ của giá dầu. Các nước vùng Vịnh trong OPEC là Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Ca-ta và Cô-oét cũng thể hiện thiện chí tham gia đề xuất cắt giảm sản lượng, nhất là khi A-rập Xê-út cam kết mức cắt giảm lớn nhất nhằm vực dậy giá dầu vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Bảo Trân - nhandan.com.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top