Bảo vệ an toàn đường ống dẫn khí: Khó khăn mấy cũng phải làm tốt

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Để đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí trải dài hàng ngàn kilômét trên biển và trên bờ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Nguy cơ mất an toàn hiện hữu

Tính riêng trong năm 2016, Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ (KĐN), Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn (NCSP) và Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã phối hợp phát hiện 14 vụ vi phạm an ninh, an toàn trên hành lang an toàn (HLAT) tuyến ống dẫn khí. Cụ thể, có 5 vụ đào xới bằng thủ công và cơ giới; 2 vụ xây dựng, trồng cây lấn chiếm; 3 vụ xe có tải trọng trên 5 tấn sa lầy; 2 vụ tàu thuyền neo đậu; 2 vụ sử dụng mìn, đạn pháo trong HLAT.

Những vụ việc xảy ra đa phần do các chủ phương tiện, người dân từ nơi khác đến, chưa được biết đến các quy định an toàn hành lang tuyến ống. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do kiểm soát an toàn chưa được chặt chẽ, hoặc người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm, không tuân thủ các biển báo cấm của công trình khí.

Trong năm 2016 còn xảy ra vụ xây dựng lấn chiếm, cố tình vi phạm hành lang tuyến ống và một số khiếu nại của các hộ nuôi ngao và trồng lúa tại Tiền Hải (Thái Bình). Các vụ việc này làm tăng nguy cơ mất an toàn cho Hệ thống khí Thái Bình và uy tín của PV GAS, cũng như tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. PV GAS đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình, chính quyền và nhân dân địa phương xử lý dứt điểm các vụ việc, không để xảy ra sự cố đáng tiếc, đồng thời giúp tăng sự đồng thuận của người dân.

Đối với hệ thống đường ống dẫn khí trên biển, công tác bảo vệ cũng không kém phần khó khăn, phức tạp. Trong năm 2016, nhiều vụ vi phạm HLAT tiếp tục được phát hiện và xử lý bởi các lực lượng phối hợp. Cụ thể, lực lượng tuần tra biên phòng đã phát hiện 9 vụ vi phạm trong vùng sát bờ 12 hải lý và 41 vụ ngoài 12 hải lý, Cảnh sát Biển tuần tra phát hiện 59 vụ vi phạm.

Số vụ vi phạm được phát hiện gia tăng so với năm 2015, một phần do tàu tuần tra đã được trang bị radar tích hợp hệ thống đường ống dẫn khí, tăng khả năng quan sát, phát hiện các vi phạm. Nhưng mặt khác do nhiều tàu từ nơi khác đến chưa biết quy định an toàn hành lang tuyến ống. Và vùng biển có các hệ thống đường ống dẫn khí đi qua cũng là những ngư trường lớn, tập trung nhiều tàu đánh cá. Trong điều kiện đánh bắt ngày càng thu hẹp nên một số chủ phương tiện dù đã được truyền thông, biết thông tin tọa độ các tuyến ống và quy định an toàn nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Tuy số vụ việc vi phạm không tăng nhiều và đều chỉ mang tính chất nhỏ lẻ nhưng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ. Trong năm 2016, PV GAS đã phải sửa chữa các điểm móp ống biển của hệ thống khí Cửu Long và PM3 Cà Mau do tác động từ bên ngoài vào, tốn kém hàng chục tỉ đồng.

Coi trọng tuyên truyền, vận động

Để đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí, trong thời gian qua, PV GAS đã duy trì tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Tổng cục Thủy sản trong việc tuần tra, tuyên truyền và xử lý các vụ vi phạm có khả năng gây mất an toàn cho công trình khí và các hệ thống đường ống dẫn khí.

16052017-TinDK2-1.jpg

Đến nay, PV GAS đã tổ chức ký kết và tái ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát phòng cháy chữa cháy nơi có công trình khí đi qua như: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Đồng Nai, TP HCM, Cà Mau, Thái Bình; duy trì họp sơ kết 6 tháng/lần về công tác phối hợp. Đồng thời, PV GAS và các công ty trực thuộc, thành viên cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban về công tác bảo vệ an ninh, an toàn với công an và chính quyền các địa phương.

Tất cả các công trình khí đều đã được xây dựng các phương án bảo vệ an ninh, an toàn một cách chặt chẽ và thường xuyên tổ chức họp, đánh giá tình hình thực hiện. Công tác tuần tra bảo vệ dọc tuyến ống trên bờ được NCSP và KĐN phối hợp thực hiện đúng quy trình tuần tra đã phê duyệt.

Để bảo vệ hệ thống dẫn khí trên biển, PV GAS duy trì công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng BR-VT tuần tra bảo vệ tuyến ống biển trong phạm vi 12 hải lý 10 lần/tháng; với Bộ đội Biên phòng Cà Mau 1 lần/tháng. Ở phạm vi ngoài 12 hải lý, trong năm 2016, NCSP phối hợp Bộ đội Biên phòng BR-VT tổ chức tuần tra 2 lần cho đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; KĐN và KCM phối hợp lực lượng cảnh sát biển tuần tra 18 lần cho đường ống Bạch Hổ và 9 lần cho đường ống PM3-Cà Mau. Mạng lưới công tác viên dọc tuyến ống với 78 người được duy trì hoạt động thường xuyên, góp phần tăng cường cho công tác bảo vệ chung. PV GAS cũng đã tổ chức 2 khóa đào tạo nghiệp vụ cho mạng lưới cộng tác viên này trong năm 2016.

Bên cạnh đó, xác định truyền thông là một giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân với việc đảm bảo an ninh, an toàn cho đường ống dẫn khí nói riêng và công trình dầu khí nói chung, PV GAS luôn duy trì và đề cao công tác này đối với các hộ dân sống ven tuyến ống bờ và ngư dân đánh bắt gần tuyến ống biển, các doanh nghiệp vận tải biển, bờ.

Trong công tác truyền thông bảo vệ HLAT trên đất liền, PV GAS tiếp tục tăng cường, đổi mới, đa dạng phương thức truyền thông. Như phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy BR-VT trực tiếp đến từng hộ dân sống dọc tuyến ống miền Đông Nam bộ, thỏa thuận ký cam kết PCCC; truyền thông cho doanh nghiệp, đơn vị tư nhân có phương tiện vận tải, thi công cơ giới tại BR-VT; truyền thông tập trung; tuyên truyền qua đài phát thanh địa phương...

Bảo vệ HLAT trên biển, PV GAS đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truyền thông tập trung và trực tiếp đến ngư dân. Như phối hợp với bộ đội biên phòng các tỉnh cài đặt tọa độ lên các máy định vị của tàu cá đánh bắt xa bờ cho 824 tàu ở khu vực BR-VT, khu vực 9 tỉnh miền Trung và 4.391 tàu ở khu vực 8 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các đơn vị của PV GAS phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ BR-VT phát hơn 600 bộ tài liệu tuyên truyền cho các tàu do đơn vị trực tiếp quản lý, các tàu vãng lai và tuyên truyền cho trên 11.000 cán bộ quản lý và thuyền trưởng các doanh nghiệp vận tải biển hoạt động trong địa bàn tỉnh BR-VT, Cà Mau.

Thực tế công tác bảo đảm an ninh, an toàn đường ống dẫn khí cho thấy, các hoạt động đơn lẻ, thiếu sự phối hợp và thiếu chỉ đạo thống nhất từ cấp trên sẽ không thể đạt được hiệu quả; Do đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống công trình khí của PV GAS và của toàn ngành dầu khí rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tăng cường phối hợp của các bộ ngành liên quan, các lực lượng quân đội, công an, biên phòng, cảnh sát biển… và sự chung tay của người dân, nhằm giảm thiểu số vụ vi phạm, ngăn ngừa rủi ro cho con người, tài sản, môi trường.

Mai Phương - PVN​
 

Việc làm nổi bật

Top