Cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực chế biến dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Khâu sau (các doanh nghiệp chế biến dầu khí) được đánh giá là một trong những lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận với tỷ trọng lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tuy nhiên, sự phát triển của môi trường kinh doanh cùng với những diễn biến mới về thị trường toàn cầu khiến cho cạnh tranh trong khâu sau của PVN ngày càng trở nên mạnh mẽ và khốc liệt.

Thành quả bước đầu

Theo đánh giá của Trưởng ban Chế biến dầu khí PVN Lê Xuân Huyên, doanh thu, lợi nhuận của lĩnh vực chế biến dầu khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, lợi nhuận của PVN. Những con số này tịnh tiến với nhịp độ nhanh và chắc chắn. Nếu như năm 2011 và 2012 là 18%, thì đến năm 2015 đã tăng lên 30%; năm 2016 là 38%. Những con số nêu trên không chỉ phản ánh sự đóng góp to lớn của khâu sau vào tổng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn, mà còn góp phần to lớn vào sự phát triển công nghiệp, kinh tế và xã hội tại các địa phương. Chung quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên khẳng định, kết quả sản xuất, kinh doanh của BSR cho thấy kể từ khi đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động, đến tháng 2-2017 đã sản xuất được 45.345 nghìn tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Trong đó, xuất bán được 45.135 nghìn tấn, chiếm 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Doanh thu đạt 814.173 tỷ đồng (tương đương 38 tỷ USD). Nộp ngân sách Nhà nước 137.393 tỷ đồng (tương đương 6,5 tỷ USD).

21487daf2c9e53402f3b3fb1ddd1a7d4.jpg

Tính đến thời điểm này giá trị nộp ngân sách Nhà nước của BSR đã gấp hai lần so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy (khoảng 3 tỷ USD). Tương tự, Tổng Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) có vốn đầu tư 700 triệu USD, sau sáu năm đi vào hoạt động đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn sản phẩm các loại, với tổng doanh thu 28.119 tỷ đồng, lợi nhuận 3.355 tỷ đồng. Hiện PVCFC có hệ thống phân phối trên cả nước, chiếm gần 40% thị phần u-rê nội địa. Tổng công ty này cũng đang từng bước mở rộng mạng lưới sang các thị trường khu vực và thế giới như: Cam-pu-chia, Phi-li-pin, Thái-lan, Băng-la-đét, Hàn Quốc,… Ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng cho nhu cầu của công ty, PVCFC còn là đơn vị đầu tiên của PVN xuất khẩu chuyên gia trong lĩnh vực chế biến ra nước ngoài. Đồng thời, cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều nhà máy trong nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trước sự phát triển mạnh mẽ của môi trường kinh doanh cùng với những diễn biến mới về thị trường toàn cầu khiến cho sự cạnh tranh trong khâu sau của PVN ngày càng trở nên mạnh mẽ và khốc liệt. Đánh giá về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nêu bật những đặc thù như: các doanh nghiệp (DN) khâu sau có quy mô tài sản lớn. Cụ thể, Lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; Đạm Phú Mỹ 340 triệu USD, Đạm Cà Mau tài sản khoảng 700 triệu USD. Các nhà máy này có công nghệ kỹ thuật hiện đại và hết sức phức tạp.

Vì vậy, muốn các DN khâu sau của ngành dầu khí phát triển bền vững cần đánh giá đúng những đặc thù này để có giải pháp về quản trị. Trong đó, các giải pháp phải hết sức chiến lược, từ việc nhận diện và đánh giá, đến dự báo những cơ hội và thách thức,… đây được coi là mắt xích quan trọng bậc nhất trong công tác quản trị. Đặc biệt, khi Việt Nam ký hàng chục Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các vấn đề về FTA là một thách thức không nhỏ.

Điều này đặt ra những xu hướng mới trong việc toàn cầu hóa. Một khi các hàng rào thuế quan về cùng một mặt phẳng, thì tính chất cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Vì vậy, việc quy hoạch phát triển ngành dầu khí, theo chiến lược phát triển ngành đã được Chính phủ phê duyệt là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, các DN khâu sau cần hợp tác với những tập đoàn lớn trên thế giới có những đặc thù giống Việt Nam để rút ra những bài học kinh nghiệm về quản trị. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc dự báo, tăng cường quản trị rủi ro. Đồng thời, phải nghiên cứu xây dựng mô hình quản trị DN và mô hình kinh doanh của các DN khâu sau một cách hoàn chỉnh.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Cũng theo Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, việc hội nhập toàn cầu, toàn cầu hóa đang diễn ra rất nhanh. Xu hướng mới trong việc gia tăng chuỗi giá trị, do đó, PVN và các đơn vị thành viên cần vươn tới những sản phẩm ở phân khúc cao chứ không chỉ tập trung ở phân khúc trung bình và thấp, có như vậy mới không bị thua thiệt ngay trên sân nhà, mới đủ bù đắp cho chi phí sản xuất,... Đề cập tính cạnh tranh toàn cầu, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, trong thế giới phẳng vẫn còn không ít “gồ ghề”. Tính bất định và cùng với nó là rủi ro gia tăng. Chấp nhận “sân chơi” hội nhập là chấp nhận các cú sốc diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn như sốc về giá, sốc do đảo chiều dịch chuyển vốn, do việc áp dụng các hàng rào bảo hộ kỹ thuật, do khủng hoảng, do đột ngột thay đổi chính sách, do biến động địa - chính trị, do thảm họa thiên tai,… Chính những thách thức này đòi hỏi việc tạo dựng năng lực quản trị phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Điều này được quyết định bằng chính yếu tố nhân lực chất lượng.

Chính vì vậy, thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp quản trị, áp dụng các công nghệ, ứng dụng đồng bộ trong quản trị. Đẩy mạnh phát triển, sáng tạo, tối ưu hóa, đa dạng sản phẩm và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí. Tích hợp tổ hợp công trình dự án, nâng cao giá trị chuỗi; xây dựng cập nhật chiến lược trung và dài hạn cho các DN, phân tích rõ các rủi ro, tìm bằng được giải pháp để quản trị. Đồng thời, cần triển khai đào tạo, quy hoạch cán bộ chuyên sâu có trình độ cao, gắn liền với ứng dụng thực tiễn vào sản xuất, kinh doanh. Trước xu hướng năng lượng sạch lên ngôi, nhu cầu năng lượng cũng tăng theo cấp số cộng, cấp số nhân, do đó, các DN của PVN cần thấm nhuần chiến lược hội nhập của Việt Nam trong mở rộng thị trường, mở rộng sản phẩm, tăng cường bạn hàng, tăng cường kết nối giữa các nhà máy và được tự chủ.

Quỳnh Chi
Báo Nhân Dân​
 

Việc làm nổi bật

Top