Cổ phiếu dầu khí: kẻ “ngã ngựa”, người “phi nước đại”

Thảo luận trong 'Chứng khoán' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 11/7/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Sau khi rớt xuống 13.000 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2006 và chỉ còn bằng 16% so với mức đỉnh cách đây ba năm - cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD-Hose) nhúc nhích phục hồi nhờ thông tin ký sáu hợp đồng với Rosneft cho thuê một giàn khoan trong thời gian ba tháng, cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan với tổng trị giá 42 triệu đô la Mỹ. Trong bối cảnh giá dầu thô vẫn có nguy cơ sụt giảm và đứng ở mức thấp, các giàn khoan không có người thuê và nếu cho thuê được thì giá thuê tính theo ngày cũng thấp, hợp đồng với Rosneft ít ra là một tia sáng với PVD. Nhưng liệu tia sáng ấy sẽ ra sao sau khi thời hạn thuê ba tháng kết thúc?

    [​IMG]
    Quí 1-2017, PVD báo lỗ sau thuế 200 tỉ đồng, chuyện mà không ai ngờ tới. Muốn hòa vốn hoặc có lời năm nay, PVD trông chờ nhiều vào việc hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu từ khách hàng. Tuy nhiên cho đến nay, việc thu hồi các khoản phải thu vẫn rất khó khăn. Cho dù tiết kiệm tối đa chi phí quản lý, thì vẫn còn đó chi phí duy tu, bảo dưỡng các giàn khoan, khấu hao và chi phí lãi vay. Ngay từ đầu năm ngoái khi thị giá PVD còn ở mức 20.000 đồng (sau đó có thời điểm phục hồi về 30.000 đồng), một nhà đầu tư lâu năm đã dự báo thị giá PVD có thể về mệnh giá. Dường như dự báo của ông đang dần trở thành hiện thực nếu dòng tiền vẫn eo hẹp với tổng công ty.

    Không chỉ PVD, tất cả các cổ phiếu dầu khí, kể cả “ông lớn” Tổng công ty Khí (GAS-Hose) cũng không tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng giá dầu. Tuy nhiên sự giảm giá của cổ phiếu GAS chỉ ở mức 50% so với đỉnh, trong khi cổ phiếu PVC (Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí), PVB (Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí), PVS (Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí), PVE (Tổng công ty Tư vấn, thiết kế dầu khí)... đều đang ở vùng đáy. GAS vẫn có lợi nhuận đủ chia cổ tức bằng tiền năm 2016 ở mức 40% cho cổ đông.

    Sau GAS, PVS được đánh giá là doanh nghiệp “chống đỡ” hiệu quả với những biến động của giá dầu. Công ty Chứng khoán Bản Việt, trong một bản tin phân tích ngành, nhận định PVS ít chịu ảnh hưởng của giá dầu thô nhờ mô hình kinh doanh đa dạng và được hưởng lợi từ sự phát triển các mỏ khí mới, dự kiến sẽ được khai thác trong tương lai gần. Lợi nhuận sau thuế quí 1 năm nay PVS vẫn cán mốc 256 tỉ đồng, chỉ giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong ba tháng gần đây, thị giá cổ phiếu PVS tương đối ổn định quanh 16.000-17.500 đồng.

    Nhóm dầu khí có tầm ảnh hưởng nhất định đến VN-Index và đã từng có thời điểm hút phần lớn dòng tiền trên thị trường. Hiện nay, mặc dù không nằm trong nhóm tăng trưởng, nhưng thanh khoản của PVD, PVS, GAS vẫn thuộc dạng tốp trên của cả hai sàn.

    Ở chiều ngược lại, sự đi xuống của giá dầu quốc tế mang đến thuận lợi cho những công ty như Đạm Phú Mỹ (DPM-Hose), Đạm Cà Mau (DCM-Hose) do giá khí là nguyên liệu đầu vào trực tiếp của những doanh nghiệp này. Nhưng biến động của giá phân bón và sự cạnh tranh của phân bón nhập ngoại làm lợi nhuận năm nay của DPM có thể sụt giảm. Ngoài ra khối ngoại cũng bán ròng cổ phiếu của cả hai công ty sản xuất phân đạm lớn. Suốt 12 tháng qua, thị giá DPM cao nhất cũng chỉ lên được 26.000 đồng bất chấp việc trả cổ tức tiền mặt đều đặn của công ty.

    DCM cùng với PVT (Tổng công ty Vận tải dầu khí) nằm trong số ít những doanh nghiệp của ngành mà sự nắm giữ cổ phiếu mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, cổ đông. Nửa đầu năm nay cổ phiếu DCM tăng trưởng hơn 40%, gấp gần 3 lần mức tăng chung của VN-Index, từ 10.000 lên 14.250 đồng (thị giá ngày 30-6-2017). Lợi nhuận ròng của DCM đột biến khi chỉ quí đầu tiên đã đạt 284 tỉ đồng so với 624 tỉ đồng của cả năm ngoái và gấp 1,5 lần cùng kỳ. Giá vốn giảm tới 7% trong khi doanh thu tăng mạnh do nhu cầu đối với phân u rê. Trong trường hợp nhu cầu mặt hàng u rê đứng ở mức cao cả năm, năm nay không nghi ngờ sẽ là năm của DCM. Ngoài ra triển vọng giá khí ổn định ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ cổ phiếu DCM trong dài hạn.

    Giá dầu thấp là cơ hội của doanh nghiệp này, song lại là nỗi đau của doanh nghiệp khác. Cũng mang tên dầu khí, có cổ phiếu “ngã ngựa” và có cổ phiếu “phi nước đại”. Nhìn về tương lai, các dự báo giá dầu từ nay đến năm 2020 của các hãng tin quốc tế đều xoay quanh mức 50-60 đô la Mỹ/thùng. Theo họ, giá dầu thô giờ không chỉ phụ thuộc vào khối các nước xuất khẩu dầu mỏ APEC, mà còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn đang bền bỉ trong cắt giảm chi phí hoạt động. Chỉ cần giá dầu vượt qua ngưỡng 50 đô la Mỹ/thùng là các giàn khoan ở Mỹ hoạt động trở lại.

    Bên cạnh đó, cổ phiếu dầu khí ở Việt Nam còn chịu ảnh hưởng tâm lý bởi những thông tin liên quan đến một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ của PetroVietnam và một số quan chức của một số công ty liên quan đến các vụ án. Kỳ vọng nếu có, đó là khi thị trường chung tăng trưởng, cổ phiếu dầu khí có thể hưởng lợi “ăn theo”, kiểu “nước lên thuyền lên”. Với những nhà đầu tư thận trọng, giải ngân vào cổ phiếu dầu khí luôn được cân nhắc kỹ.

    thesaigontimes.vn​
     

Chia sẻ trang này