Dầu khí “vật vã” với mục tiêu doanh thu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Do giá dầu bất ổn, năm 2017, một số doanh nghiệp (DN) trong ngành dầu khí tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu doanh thu giảm mạnh so với những năm trước. Liệu có cơ hội để ngành công nghiệp chủ lực này khởi sắc hơn trong năm nay?

Theo phân tích của công ty CP chứng khoán Vietcombanksc (VCBS), với giả định rào cản trong hoạt động sản xuất than, dầu mỏ, dầu đá phiến của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump bị gỡ bỏ, vùng giá quanh 55 USD/thùng (giá hòa vốn của dầu đá phiến) sẽ là ngưỡng cản mạnh đối với giá dầu thô.

Trang%206%20-%20Anh%20Bai%20chinh-20170221-05020792.jpg

Các nhà phân tích giá dầu thế giới cho rằng diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông, nơi tập trung nhiều quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới, cùng với chính quyền của Tổng thống Donald Trump với chính sách kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nhiên liệu.

“Nhức đầu” với giá dầu

Để giá dầu có thể tăng bứt phá hơn và thị trường tái cân bằng đúng mục tiêu, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA nhấn mạnh: OPEC sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện cam kết, trong bối cảnh Mỹ vẫn tăng cường hoạt động khoan dầu đá phiến.

Tại Việt Nam, nhìn nhận từ góc độ các DN dầu khí, theo đánh giá của chuyên gia VCBS, kịch bản giá dầu thô thế giới duy trì ổn định trên mức 50 USD/thùng sẽ là điều kiện tốt để các DN ngành dầu khí mở rộng hoạt động trở lại sau một thời gian trầm lắng khá dài.

Giới chuyên gia VCBS đánh giá những hiệu ứng thực sự ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các DN ngành dầu khí nhiều khả năng sẽ chỉ được thể hiện từ quý I/2017, do vẫn cần thời gian để quan sát thêm về mức độ thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và các đối tác như Nga, cũng như độ trễ trong hoạt động của các công ty dầu khí là khác nhau, phụ thuộc vào các kế hoạch và dự án lớn từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Vì vậy, VCBS cho rằng nhóm Dầu khí sẽ là nhóm cổ phiếu cần được theo dõi sát sao với thứ tự ưu tiên tại các các công ty con cấp 2 sau PVN, rồi tới các công ty cấp 3-4 trong giai đoạn đầu năm 2017.

PVN đã dự báo về kịch bản giá dầu đưa ra trong năm 2017 với mức 50 USD/thùng. Tập đoàn này đặt kế hoạch khai thác 23,81 triệu tấn dầu khí quy đổi, trong đó, dầu khai thác trong nước khoảng 12,28 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu.

PVN nhìn nhận, giá dầu giảm sâu trong năm 2016 vừa qua đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực.

Giá thành khai thác bình quân mỗi thùng dầu (sau khi rà soát tiết giảm chi phí) ở mức 23,8 USD/thùng, giảm 3,2 USD so với giá kế hoạch. Ngoài sản phẩm dầu, giá điện, đạm, khí cũng giảm 15-25% so với kế hoạch đưa ra đầu năm.

Với giá dầu bình quân năm 2016 là 45 USD/thùng (thấp hơn 15 USD so với 2015), PVN đạt doanh thu 452.500 tỷ đồng. Con số này giảm hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tới ngưỡng khai thác

Một trong những đơn vị thành viên chủ lực của PVN, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), đã chịu ảnh hưởng mạnh của giá dầu giảm sâu từ vài năm trước, cho rằng năm 2017 vẫn còn gặp khó khăn.

Nguồn cung giàn cho thuê trong khu vực hiện nay vẫn đang cao gấp hai lần so với nhu cầu, gây áp lực giảm lên đơn giá trong việc đấu thầu. Việc cho thuê giàn khoan phụ thuộc nhiều vào giá dầu, trong khi các nhà thầu chỉ trở lại nếu mức giá dầu duy trì trên 60 USD với khoảng thời gian đủ dài (trong 6 tháng).

Mới đây, khi công bố chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, một trong những đơn vị chủ lực khác của PVN, Tổng công ty CP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí (PTSC), đã đặt kế hoạch đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm khoảng 30% so với thực hiện năm 2016 (18.719,5 tỷ đồng). Ngay cả lợi nhuận sau thuế, PTSC dự kiến cũng chỉ đạt 560 tỷ đồng, giảm 35% so với thực hiện năm 2016.

Tương tự như vậy, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) vừa lên kế hoạch tổng doanh thu năm 2017 đạt 2.660 tỷ đồng, giảm 11,3% so với chỉ tiêu 2016; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 17,8 tỷ đồng, giảm 78,5% so với kế hoạch năm 2016.

Trong năm 2016, giá dầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực cung cấp dung dịch khoan, thế mạnh của DMC, phải giảm dịch vụ từ 5-15% cho các hợp đồng cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm phục vụ cho hoạt động khoan cũng không khả quan, một số sản phẩm tồn kho, giảm sản xuất…

Thuộc lĩnh vực khâu sau của ngành dầu khí, nhưng năm 2017, Tổng công ty CP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) đặt mục tiêu lãi ròng 823 tỷ đồng, giảm 29% so với lợi nhuận đạt được năm 2016.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, ngành dầu khí trong năm 2016 vừa qua đã sụt giảm 8%, với việc khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên. Do giá dầu thô giảm nên dẫn tới sản lượng dầu thô khai thác trong năm 2016 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 9,9%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 7,8%), về cơ bản đã đạt tới ngưỡng khai thác ở trong nước.

Những năm tới, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng khai thác sẽ có xu hướng giảm dần do trữ lượng có hạn, khả năng tìm kiếm, thăm dò để nâng cao trữ lượng ngày càng khó khăn.

Trong khi đó, việc mở rộng các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác ở nước ngoài được cho là đang gặp phải những thách thức lớn (năm 2015, khai thác dầu thô trong nước đạt 16,88 triệu tấn, năm 2016 là 15,17 triệu tấn, kế hoạch năm 2017 giảm xuống còn 12,28 triệu tấn).

Thế Vinh - Thời báo Kinh doanh​
 

Việc làm nổi bật

Top