Để áp dụng công nghệ cao thu hồi dầu tại Việt Nam

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Trước thực trạng các mỏ dầu khí dần bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng, các giải pháp công nghệ cao thu hồi dầu (EOR) được đưa ra nhằm góp phần bảo đảm nhu cầu năng lượng quốc gia là rất cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng được công nghệ này rất cần cơ chế ưu đãi và hành lang pháp lý thông thoáng để các nhà thầu mạnh dạn đầu tư áp dụng EOR ở Việt Nam.
Áp dụng EOR ở Việt Nam là tương đối khả thi

Bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chiến lược đối với mỗi quốc gia. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực trong thăm dò, tìm kiếm, nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên năng lượng. Tuy nhiên, việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, bức tranh thiếu hụt năng lượng cho phát triển đang hiện hữu trước mắt.

anh-lethuuu4404.jpg

Tính đến nay, Việt Nam có gần 40 mỏ dầu khí đang khai thác, trong số đó có nhiều mỏ đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng như mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng… Vấn đề cấp thiết đặt ra là, làm thế nào để nâng cao thu hồi dầu ở những mỏ đang khai thác nhằm tận thu nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời mang lại thêm nguồn thu cho Chính phủ Việt Nam cũng như các bên nhà thầu.

Trong khi các phương pháp khai thác thông thường chỉ cho phép thu hồi từ 20 - 40% lượng dầu trong vỉa, thì việc áp dụng tốt các giải pháp công nghệ cao thu hồi dầu (EOR) sẽ cho phép thu hồi thêm từ 10 - 20%. Các giải pháp EOR sẽ tác động làm tăng hiệu suất đẩy dầu từ trong vỉa tới các giếng khai thác nhờ vào sự thay đổi các đặc trưng cơ bản của chất lưu trong vỉa như sức căng bề mặt giữa pha, độ nhớt, tính dính ướt, tỷ số linh động.

Ở Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Xí nghiệp liên doanh Việt Nam Vietsovpetro (VSP) là những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu EOR. Các nghiên cứu về nâng cao hệ số thu hồi dầu ở mỏ Bạch Hổ của VSP cho thấy, việc áp dụng phương pháp phức hợp vi sinh hóa lý ở Việt Nam là khả thi và cho những kết quả ban đầu tương đối khả quan. Các nghiên cứu bơm ép chất hoạt động bề mặt ở đối tượng móng mỏ Đông Nam Rồng cho thấy, hệ số thu hồi ở mỏ sẽ tăng thêm 3,4% khi áp dụng thành công.

Nghiên cứu chung về các giải pháp nâng cao thu hồi dầu bằng nén khí CO2 (CO2 - EOR) giữa Việt Nam và Nhật Bản do VPI và JOGMEC triển khai từ năm 2007 - 2011 cho thấy, việc áp dụng giải pháp CO2 - EOR ở Việt Nam là có tính khả thi về mặt kỹ thuật nhưng chi phí thu gom CO2 và chi phí đầu tư thiết bị còn khá cao. Trong điều kiện hiện tại, nếu áp dụng phương pháp bơm ép CO2 cho nhiều mỏ mới có khả thi về mặt kinh tế. Nếu thực hiện thành công phương pháp CO2 - EOR, tổng lượng dầu khai thác gia tăng ở các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hải Sư Trắng, Tê Giác Trắng ước tính khoảng 187 triệu thùng dầu. Hiện tại, ở Việt Nam có mỏ Rạng Đông đang triển khai phương án bơm ép khí nâng cao thu hồi dầu ở quy mô toàn mỏ. Dự kiến, lượng dầu gia tăng ở mỏ Rạng Đông từ 4,9 - 7,6 triệu thùng dầu tùy theo các phương án dự báo rủi ro.

Vì sao chưa "mặn mà"?

Bên cạnh những thuận lợi, song tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả khai thác than - dầu khí đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia” do Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam chủ trì ngày 3.12 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai thực hiện EOR có nhiều khó khăn, thách thức và phụ thuộc vào các yếu tố chính như lượng dầu còn lại trong vỉa, công nghệ, chi phí.

Theo chuyên gia Phạm Kiều Quang - Viện Dầu khí Việt Nam, hiệu quả từ EOR trước hết phụ thuộc vào trữ lượng dầu còn lại có thể thu hồi của mỏ. Thực tế, hệ số thu hồi tăng thêm của dự án EOR mỏ Rạng Đông đạt từ 10 - 15%, tùy thuộc vào trường hợp rủi ro. Như vậy, khi quyết định thực hiện dự án EOR ta cần phải xác định rõ trữ lượng có thể thu hồi lại của mỏ có đủ lớn để thực hiện EOR hay không. Việc lựa chọn giải pháp thích hợp là yếu tố rất quan trọng bảo đảm sự thành công của dự án EOR. Không phải phương pháp EOR nào cũng thích hợp đối với tất cả các mỏ dầu mà phải tùy thuộc vào tính chất của vỉa và tính chất của dầu trong vỉa chứa.

Mặt khác, việc xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghiên cứu EOR không đơn giản. Qua khảo sát các nhà thầu dầu khí đang tiến hành tìm kiếm thăm dò khai thác đầu khí ở Việt Nam, việc thực hiện EOR càng được nghiên cứu để có định hướng càng sớm càng tốt để thuận tiện trong việc triển khai thực hiện sau này. Nhưng nếu đầu tư EOR quá sớm thì lại có nhiều rủi ro về địa chất, trữ lượng. Trong khi, triển khai muộn có thể dễn đến chi phí cần đầu tư cho EOR tăng lên quá cao do phải lắp đặt quá nhiều thiết bị chuyển đổi, ông Quang lưu ý.

Nhìn ra thế giới, mỏ dầu Duri của Indonesia đã rất thành công trong việc áp dụng phương pháp bơm ép hơi nước với sản lượng dầu khai thác gia tăng năm 2012 là 190.000 thùng dầu/ ngày. Để có được thành công trên, nhà thầu đã phải mất 10 năm thực hiện nghiên cứu các kỹ thuật, công nghệ EOR ở mỏ Duri.

Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất khiến nhiều nhà thầu không “mặn mà” với các dự án EOR là bởi chi phí thực hiện thường cao. Ts Phan Ngọc Trung - Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cho hay: “Tùy thuộc vào sự phức tạp và quy mô của dự án mà chi phí để thực hiện dự án EOR từ 10 USD - 80 USD/ thùng dầu. Dự án EOR mỏ Rạng Đông có chi phí dự kiến tới 20 USD/ thùng dầu khai thác thêm”.

Ngoài việc xác định các mỏ dầu có áp dụng được kỹ thuật EOR hay không, còn phải tính đến yếu tố kinh tế của dự án EOR. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cho việc áp dụng EOR, do đó cần phải có một hành lang pháp lý để khuyến khích và tạo sự chủ động cho các nhà thầu sớm nghiên cứu ứng dụng giải pháp EOR - các chuyên gia đồng tình kiến nghị, rất cần một cơ chế chính sách khuyến khích việc thực hiện EOR ở Việt Nam.

Cần cơ chế khuyến khích, ưu đãi kịp thời

Kết quả khảo sát “Nghiên cứu và đề xuất cơ chế ưu đãi khuyến khích các nhà thầu dầu khí áp dụng nâng cao hệ số thu hồi dầu” của Ts Phan Ngọc Trung và các tác giả (2014) được đưa ra tại hội thảo cho thấy, một loạt các đơn vị/ nhà thầu dầu khí đang hoạt động ở Việt Nam không phải nhà thầu nào cũng quan tâm tới vấn đề EOR. Để khuyến khích các nhà thầu thực hiện EOR ở Việt Nam, các nhà thầu đều mong muốn có sự điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng dầu khí của Việt Nam theo hướng có lợi hơn cho nhà thầu. Trong đó, các điều khoản được mong đợi nhất là thu hồi chi phí, tỷ lệ phân chia dầu lãi dành cho nhà thầu. Tiếp theo là các điều khoản tài chính khác như thuế tài nguyên, thuế thu nhập, thuế xuất khẩu và phụ thu dầu lãi.

Hiện tại, tỷ lệ thu hồi chi phí đối với các lô hợp đồng khuyến khích đầu tư của Việt Nam là 70%. Việc tăng tỷ lệ thu hồi chi phí (tỷ suất hoàn vốn) sẽ giúp nhà thầu thu hồi vốn đầu tư nhanh hơn. Do đó, Ts Phan Ngọc Trung - Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cho rằng, Chính phủ có thể tăng tỷ lệ thu hồi chi phí đối với chi phí đầu tư cho việc thực hiện EOR với mức tối thiểu từ 75 - 90% và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 28% thay vì 32% đối với phần dầu lãi của nhà thầu thu được từ sản lượng dầu khai thác tăng thêm do áp dụng EOR.

Để việc thực hiện nghiên cứu EOR sẽ như một công việc bắt buộc đối với nhà thầu khi thực hiện phát triển khai thác mỏ dầu ở Việt Nam, chuyên gia Phạm Kiều Quang - Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất nên bổ sung thêm yêu cầu nhà thầu phải lập sơ bộ dự kiến về chương trình nghiên cứu EOR trong kế hoạch phát triển mỏ của mình ở Quy chế Khai thác Dầu khí. Đồng thời, ở Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí các chỉ tiêu đấu thầu được nêu trong hồ sơ mời thầu sẽ bổ sung thêm “cam kết tài chính tối thiểu” để thực hiện nghiên cứu EOR. “Tuy nhiên, việc ban hành hợp đồng EOR cần phải được sự chấp thuận, phê duyệt từ Chính phủ do đó trong thời gian tới PVN có thể áp dụng ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu để thực hiện EOR. Hợp đồng bổ sung này sẽ tham chiếu tới hợp đồng dầu khí đã ký của nhà thầu và quy định thêm các điều khoản dành cho EOR”, ông Phạm Kiều Quang kiến nghị.

Để nhanh chóng ban hành một cơ chế chính sách khuyến khích nhà thầu thực hiện EOR, PVN cần phải có các động thái tích cực hơn nữa để sớm trình Chính phủ ban hành một cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các nhà thầu thực hiện EOR nhằm nâng cao hiệu quả khai thác than và đáp ứng nhu cầu cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia tốt hơn nữa trong tương lai.

Theo: Đại biểu Nhân dân​
 

Việc làm nổi bật

Top