Để miền Nam không thiếu điện

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ngày 24/3 tại tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ có các cuộc kiểm tra, làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Nam.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Xây Dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tổng Công ty Lắp máy (Lilama), đại diện các nhà thầu thi công.

Đoàn công tác đến kiểm tra việc thi công Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) và Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang).

NXT_1538.JPG

Theo báo cáo của EVN, năm 2016, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân cả nước. Trong đó công suất phụ tải lớn nhất toàn quốc là 28.067 MW.

Điện sản xuất và mua của EVN là 177,23 tỷ kWh, tăng 11% so với 2015; điện thương phẩm đạt 159,79 tỷ kWh, tăng 11,2% so với 2015.

Đối với khu vực miền Nam, nhu cầu công suất lớn nhất năm 2016 là 13.262 MW, tăng 12,4% so với 2015, tổng điện thương phẩm năm 2016 là 76,85 tỷ kWh (chiếm 48,1% tổng điện thương phẩm toàn quốc).

Trong năm 2016, để bảo đảm cung ứng điện miền Nam, hệ thống truyền tải Bắc Nam luôn vận hành mang tải cao, sản lượng điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam trên 15,8 tỷ kWh (khoảng 18% nhu cầu điện của miền Nam).

3 phương án tính toán bảo đảm cấp điện cho miền Nam

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã tính toán cân đối cung cầu điện và bảo đảm cung cấp điện toàn quốc đến năm 2030, đặc biệt việc cung ứng điện cho miền Nam ngay trong giai đoạn đến năm 2020.

EVN đã tính toán cân đối cung cầu điện theo 3 phương án. Phương án 1 là phụ tải tăng trưởng bình quân 11,6%/năm, tần suất nước về 65% (lượng nước về các hồ ở mức trung bình). Phương án 2 là phụ tải cơ sở, tần suất nước về 75% (lượng nước về các hồ ít hơn). Phương án 3 là phụ tải cao (tăng trưởng bình quân 13%/năm), tần suất nước về 65%.

Về tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện, các tính toán được thực hiện theo 2 trường hợp: Trường hợp các dự án nguồn điện hoàn thành đúng tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và trường hợp một số dự án nguồn điện khu vực miền Nam bị chậm tiến độ.

Trong trường hợp các dự án nguồn điện hoàn thành đúng tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, do hệ thống điện miền Nam không tự cân đối cung cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu.

Do đó hệ thống điện truyền tải 500 kV Bắc-Nam giữ vai trò đặc biệt quan trọng và luôn trong tình trạng mang tải cao để truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam.

Trong giai đoạn 2017-2020, nhu cầu tại miền Nam phải nhận từ miền Bắc, miền Trung tăng từ 15 tỷ kWh (2017) lên tới 21 tỷ kWh (2019). Tuy nhiên, năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam) do khả năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung chỉ đạt tối đa 14-15 tỷ kWh/năm. Vì thế, với phương án 2 (tăng trưởng 11,6%/năm, tần suất nước về 75%), miền Nam có thể thiếu điện vào năm 2019 ở mức khoảng 2 tỷ kWh.

Với phương án 3 (phụ tải tăng 13%/năm) sẽ bị thiếu điện trong các năm 2018-2020 (từ 1,4 tỷ kWh đến 4,2 tỷ kWh).

NXT_1542.JPG

Từ năm 2017 phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam, trong đó các năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát khoảng 8,6 tỷ kWh/năm. Trong các năm tiếp theo sản lượng huy động nhiệt điện dầu và việc cấp điện cho miền Nam phụ thuộc rất lớn vào tiến độ các nguồn điện ở miền Nam, khả năng cung cấp nhiên liệu cho phát điện (đặc biệt là khí, than nhập khẩu).

Trường hợp một số dự án nguồn điện khu vực miền Nam như Long Phú 1 và Sông Hậu 1 (hai dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện) bị chậm tiến độ sẽ làm gia tăng rất lớn áp lực bảo đảm điện, có thể gây thiếu điện trầm trọng cho miền Nam.

Khi đó, miền Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện từ năm 2018-2020 và sản lượng thiếu hụt lớn nhất vào năm 2019 mặc dù hệ thống truyền tải Bắc - Trung và Trung - Nam luôn trong tình trạng truyền tải cao và đạt ngưỡng giới hạn truyền tải các đường dây, các nguồn nhiệt điện than, khí miền Nam sẽ phải huy động tối đa cả năm.

Cụ thể, đối với phương án phụ tải 11,6%/năm, tần suất nước về 65% (phương án 1) sản lượng thiếu hụt năm 2018 khoảng 1,55 tỷ kWh, năm 2019 là 5,74 tỷ kWh và năm 2020 là 2,86 tỷ kWh.

Đối với phương án phụ tải tăng trưởng 13%/năm (phương án 3), miền Nam bị thiếu điện trầm trọng với sản lượng điện thiếu hụt hằng năm từ 4,7 - 14,6 tỷ kWh/năm.

Trong thời gian qua, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện các dự án nguồn điện cấp bách đảm bảo cấp điện miền Nam như Vĩnh Tân 2 (2x622 MW) năm 2014, Duyên Hải 1 (2x622 MW) năm 2015, Ô Môn 1 - (330 MW) năm 2015 và Duyên Hải 3 cuối năm 2016. Trong năm 2016, tổng sản lượng huy động của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 đạt 14,1 tỷ kWh, vượt hơn 1 tỷ kWh so kế hoạch, góp phần quan trọng để đảm bảo cấp điện miền Nam.

Hiện tại, EVN và các nhà đầu tư đang triển khai các dự án như Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4... Cùng với đó, Tập đoàn đang chuẩn bị đầu tư các trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch, Tân Phước... nhằm giảm thiếu điện cho miền Nam, các tuyến đường dây 500 kV Quảng Trạch – Vũng Áng; Quảng Trạch – Dốc Sỏi và Dốc Sỏi - Pleiku.

Hai nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng cung ứng điện cho niềm Nam. Qua kiểm tra thực tế, tuy chủ đầu tư, các nhà thầu đều đã nỗ lực ở mức cao, nhưng cả hai dự án đặc biệt quan trọng này đều đang chậm tiến độ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu báo cáo cụ thể tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 để có giải pháp tháo gỡ.

Xuân Tuyến - Báo Chính Phủ​
 

Việc làm nổi bật

Top