ĐHĐCĐ PVT: Tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, giảm tỷ lệ sở hữu loạt đơn vị

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sáng ngày 05/04, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 để thông qua kết quả kinh doanh 2016 và kế hoạch 2017.

Đại hội kết thúc với việc cổ đông thông qua tất cả nội dung HĐQT trình lên.

Đại hội thảo luận:

Hợp đồng vận chuyển với Lọc dầu Nghi Sơn có thể đạt 550 tỷ/năm

Về vấn đề giảm vốn tại các đơn vị thành viên, vì sao Ban điều hành lại quyết định thoái bớt vốn cả với công ty đang hoạt động tốt?

Ban điều hành cho biết, việc này thực chất là giảm tỷ lệ vốn góp trong khi quy mô vốn của các công ty thành viên được tăng lên. Đồng thời tạo cơ chế thị trường để các DN hoạt động linh hoạt hơn, hiệu quả tăng lên thì giá trị của PVT cũng tăng lên chứ không giảm đi.

Xin Ban điều hành cho biết về tiến độ và quy mô hợp đồng vận chuyển tại Lọc dầu Nghi Sơn?

Ông Phạm Việt Anh, TGD PVT cho biết, quý II/2017Lọc dầu Nghi Sơnsẽ tiến hành chạy thử và cuối năm là chạy thương mại. Theo thỏa thuận sơ bộ, PVT sẽ có ít nhất 1 tàu vận chuyển với công suất khoảng 2 triệu tấn. Hiện sản lượng của Nghi Sơn là 10 triệu tấn, nên phải giải phóng hàng, PVT sẽ tham gia để vận chuyển. Mục tiêu của PVT là 3-4 triệu tấn sản phẩm.

Tổng doanh thu và lợi nhuận khi Nghi Sơn hoạt động 100% công suất, Ban điều hành cho biết với sản lượng như vậy thì giá trị hợp đồng tính sơ bộ khoảng từ 350 – 550 tỷ đồng/năm.

Mảng FSO/FPSO của PVT đang hoạt động như thế nào?

Ban điều hành cho biết, hiện PVT có 2 dự án FSO mỏ Đại Hùng và Chim Sáo, đây là những dự án có chi phí không quá cao so với mức bình quân. Do đó, PVT chịu áp lực không quá lớn đối với yêu cầu giảm phí của khách hàng.

PVT chịu ảnh hưởng như thế nào đối với sự tăng giảm của giá dầu thế giới?

Ban điều hành cho rằng, PVT cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu nhưng không quá lớn do quy mô thị trường Việt Nam nhỏ và đặc thù kinh doanh. Chủ yếu là năng lực quản lý của doanh nghiệp, PVT đang tiến hành tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động.

Vượt mạnh kế hoạch năm 2016, chia cổ tức 10%

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trong bối cảnh thị trường vận tải vẫn còn nhiều khó khăn PV Trans đã đạt được kết quả cao nhất cả về doanh thu lẫn lợi nhuận từ khi thành lập cho đến nay. Các đơn vị thành viên của PV Trans đều có lãi và đa số hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao ngoại trừ một số đơn vị còn khó khăn như Công ty Phương Nam.

752dhdcd-pvt.jpg

Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2016 đạt 6.936 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 483 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua trong năm 2016.

Theo đó, HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt 10% vốn điều lệ, tương đương mức chi 281 tỷ đồng. Sau khi trích 73 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 40 tỷ đồng quỹ khen thưởng phúc lợi, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại đến cuối năm 2016 chưa đầy 4 tỷ đồng.

Còn cơ hội tăng trưởng thị phần lên gấp đôi

Đánh giá về năm 2017, HĐQT PVT cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi khả quan sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, trồi sụt hồi đầu năm 2016. Tuy nhiên, tình trạng thương mại toàn cầu sụt giảm trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp có thể sẽ tiếp diễn.

Với tình hình an ninh kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, theo dự báo giá cước vận tải giảm khoảng 20 – 30% so với năm 2016. Bên cạnh đó, các khách hàng lớn trong nước của PV Trans liên tục cắt giảm ngân sách, chi phí và nhu cầu dịch vụ giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của PV Trans.

Năm 2017, giá dầu thô được Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 50-60 USD/thùng.

Do vậy, Ban điều hành trình ĐHĐCĐ thông qua chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu đạt 5.013 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện trong năm 2016; lợi nhuận sau thuế giảm 47% xuống còn 328 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HĐQT nhận định PVT vẫn có cơ hội mở rộng thị trường và chiếm lĩnh thị phần với mức tăng trưởng dự kiến gấp hai lần so với hiện tại, đặc biệt trong giai đoạn 2017 – 2020 là giai đoạn hàng loạt các dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí khởi động.

Trình kế hoạch tái cơ cấu PVT giai đoạn 5 năm 2016-2020

Đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu thô, PVT dự kiến sẽ tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của Công ty mẹ - PV Trans. Theo đó, PVT sẽ tiếp tục sở hữu chi phối CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương nhưng giảm tỷ lệ nắm giữ từ 64,92% vốn điều lệ xuống tối thiểu 51%.

Đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải khí hóa lỏng, PVT sẽ giảm sở hữu tại CTCP Vận tải Sản phẩm Khí quốc tế (Gas Shipping từ 67,74%VĐL xuống tối thiểu 51%VĐL đến năm 2020.

Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu sản phẩm, PVT sẽ duy trì tỷ lệ nắm giữ chi phối về vốn tại Công ty Phương Nam là 69,63%VĐL và giảm xuống tối thiểu 51%VĐL khi có điều kiện. Với CTCP Vận tải Dầu Phương Đông Việt (Công ty Phương Đông Việt), PV Trans dự kiến duy trì tỷ lệ chi phối bằng vốn, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 67,99% xuống còn tối thiểu 51%VĐL trong giai đoạn 2016 - 2020 khi có điều kiện.

Với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải than, hàng rời, PVT dự kiến giảm sở hữu tại CTCP Vận tải Dầu khí Hà Nội (PVTrans Hà Nội) xuống còn 36% trong giai đoạn 2018 – 2019.

Riêng CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương (Công ty Đông Dương), PVT đã hoàn thành việc thoái vốn lĩnh vực kinh doanh taxi trong năm 2016.

Trong 5 năm tới, tận dụng nguồn vốn hiện có để đầu tư và cho thuê đội xà lan vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, mục tiêu đến 2020 sở hữu từ 6 đến 8 xà lan tải trọng 2.000 DWT. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung ổn định hoạt động cung cấp dịch vụ xe văn phòng và phát triển loại hình kinh doanh vận tải CNG bằng đường bộ.

Trong năm 2016, PV Trans nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Đông Dương từ 38,67%VĐL lên 48,67%VĐL thông qua việc mua lại 10% cổ phần từ PTSC. PVT dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Đông Dương lên 58,67%VĐL trong trường hợp đàm phán được với PV Oil.

Đối vối các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, dịch vụ hàng hải dầu khí, trong năm 2016, PV Trans đã giảm tỷ lệ góp vốn tại PV Trans Quảng Ngãi từ 97,44%VĐL xuống dưới 51%VĐL thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác bên ngoài. Giai đoạn 2018 – 2019 giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%VĐL.

Với CTCP Vận tải Dầu khí Vũng Tàu (PVTrans Vũng Tàu), để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, PV Trans sẽ nắm quyền chi phối ngoài vốn tại PV Trans Vũng Tàu thông qua việc thoái vốn từ 99,85%VĐL xuống tối đa 51%VĐL. Việc thoái vốn thực hiện thông qua kêu gọi các đối tác đầu tư chiến lược tham gia góp vốn. Thời gian thực hiện sẽ là trong năm 2017 khi đơn vị bắt đầu triển khai dự án đầu tư phao neo. Giai đoạn 2018 – 2019 giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%VĐL.

Còn đối với CTCP Dịch vụ Khai thác Dầu khí (PPS), Ban điều hành PVT cho biết đây là Công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí rất ổn định và hiệu quả, hàng năm đem lại lợi nhuận tốt cho PV Trans, do vậy PV Trans tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ 48,5%VĐL trong giai đoạn 2016 – 2020.

NDH.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top