Đột phá trong tương lai

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sau 30 năm kể từ khi mỏ khí đầu tiên ở Tiền Hải được phát hiện, ngành công nghiệp khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước và góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nền móng vững chắc

Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã được Chính phủ giao. Trong đó khai thác khí năm 2015 đạt 10,67 tỉ m3, vượt 9,0% kế hoạch năm, tăng 4,5% so với năm 2014 - đây là năm sản lượng khai thác đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay. Tính chung 5 năm đạt 48,69 tỉ m3, vượt 3,3% kế hoạch 5 năm, tăng 25,6% so với 5 năm 2006-2010. PVN đạt mốc khai thác m3 khí thứ 110 tỉ vào ngày 3-10-2015.

do-t-pha-trong-tuong-lai.jpg

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố
Trong năm 2015, hệ thống đường ống dẫn khí được PVN vận hành an toàn, cung cấp khí ổn định cho khách hàng; công tác bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, đột xuất và kiểm định hiệu chuẩn tiếp tục triển khai theo kế hoạch, đúng quy trình và đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định.

PVN đã hoàn thành bảo dưỡng sửa chữa định kỳ hệ thống khí PM3 - Cà Mau; hệ thống khí Bạch Hổ; hệ thống khí Nam Côn Sơn. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 Dự án thu gom khí trọng điểm đó là dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1 từ ngày 5-12-2015) và Dự án thu gom khí Hàm Rồng - Thái Bình (từ ngày 7-8-2015).

Trong 5 năm 2011-2015, PVN đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động nhiều dự án thu gom khí mới: thu gom khí Tê Giác Trắng, nâng công suất đường ống Nam Côn Sơn lên 22 triệu m3/ngày, tiếp nhận nguồn khí từ mỏ Chim Sáo, Sư Tử trắng; mở rộng hệ thống thu gom khí Rồng Đồi Mồi, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1 năm 2015), thu gom khí Hàm Rồng - Thái Bình, Cụm máy nén khí PM3 - Cà Mau; Cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn, Kho LPG lạnh Thị Vải công suất 64 nghìn tấn, nâng cấp kho chứa LPG Đình Vũ lên 4,5 nghìn tấn… Hệ thống các đường ống dẫn khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3 - CAA được vận hành an toàn, đã cung cấp 47,6 tỉ m3 khí khô cho các hộ tiêu thụ trong nước.

Hằng năm PVN đã cung cấp khí để sản xuất ra lượng điện trên 39 tỉ kWh, chiếm 33% sản lượng điện quốc gia và cung cấp cho các nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ để sản xuất đạm với sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa. Triển khai việc nhập khẩu và phân phối khí LPG và CNG cho công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong nước (đáp ứng 70% thị phần LPG toàn quốc), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia.

Căn cứ “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kế hoạch khai thác khí 5 năm 2016-2020 của PVN 50-55 tỉ m3. Mục tiêu của PVN đến năm 2025 phấn đấu đạt mức 19-20 tỉ m3 khí/năm. Cùng với đẩy mạnh sản xuất trong nước, Việt Nam sẽ tiến tới nhập khẩu khí, hội nhập mạnh mẽ thị trường khí khu vực và thế giới.

PVN có nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghiệp khí để hình thành nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững lâu dài của công nghiệp khí Việt Nam; thường xuyên rà soát, kiến nghị Nhà nước điều chỉnh quy hoạch ngành công nghiệp khí khi có thay đổi lớn; ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực hoạt động chính như thu gom, vận chuyển, chế biến, phân phối khí, LNG, bán buôn LPG; tham gia góp vốn đầu tư lĩnh vực thượng nguồn trong nước; tham gia đầu tư, mua cổ phần, tham gia góp vốn các dự án khí ngoài nước trong lĩnh vực công nghiệp khí trong tất cả các khâu từ thượng nguồn, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khí và sản phẩm khí nhằm tạo nguồn cung hỗ trợ hoạt động trong nước nếu dự án khả thi về tổng thể.

Tầm nhìn chiến lược

Hiện nay, khả năng cung cấp khí từ các mỏ đang khai thác và chuẩn bị đưa vào phát triển trong giai đoạn từ nay đến 2035 của Việt Nam sẽ đạt khoảng trên 330 tỉ m3 khí. Sản lượng cung cấp trung bình đạt mức 18-20 tỉ m3 mỗi năm tính từ 2022-2030.

Tiềm năng tăng trưởng nhu cầu sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam và châu Á là rất lớn. Công nghiệp hóa dầu của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu các sản phẩm hóa dầu từ thị trường trong nước. Các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang sử dụng khí cho công nghiệp lọc hóa dầu với khối lượng lần lượt gấp 7, gấp 9 và 12 lần so với Việt Nam.

Kế hoạch của PVN là bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát triển vững chắc thị trường tiêu thụ khí truyền thống, sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường và sản phẩm khí mới. Phát triển thị trường khí theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa hộ tiêu thụ. Thúc đẩy phát triển thị trường bằng việc trực tiếp tham gia đầu tư phát triển hộ tiêu thụ mới; đầu tư công nghệ, thiết bị, hạ tầng theo nguyên tắc BOT cho hộ tiêu thụ; áp dụng khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí năng lượng, mang lại hiệu quả cho hộ tiêu thụ khí.

Tập trung tối đa phát triển thị trường LNG, đảm bảo tiêu thụ LNG với khối lượng lớn nhất nhằm gia tăng hiệu quả dự án nhập khẩu LNG. Phát triển mạnh các sản phẩm LPG, CNG, LNG… cho giao thông vận tải và dân dụng trên toàn quốc. Tham gia đầu tư với các hộ tiêu thụ để cùng kích cầu khí.

Để thực hiện các mục tiêu trên, PVN hướng đến xây dựng, phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp khí; phấn đầu hoàn thành hạ tầng công nghiệp khí ở miền Nam, hình thành và phát triển hạ tầng công nghiệp khí ở khu vực miền Bắc và miền Trung; vận hành an toàn, hiệu quả các hệ thống khí ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, kết nối đường ống Đông - Tây, từng bước hình thành đường ống khí quốc gia; đẩy mạnh xây dựng đầu tư các nhà máy xử lý khí; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn khí trong nước, phát huy nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm khí; tăng cường nhập khẩu LPG/LNG nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường quốc tế...

PVN xác định “Tầm nhìn chiến lược” cho việc phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong những năm tới theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu từ ngành công nghiệp khí là 18-20%/năm, đưa ngành công nghiệp khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước.

Có thể nói, ngành công nghiệp khí nước ta trong những năm qua đã có những bước tiến vững vàng, đầy thuyết phục và tương lai vẫn đang hứa hẹn những bước tiến mới đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài. Nhìn lại các dự án khí đã được triển khai, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự phát triển công nghiệp khí sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác như: điện, đạm… thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng kinh tế. Công nghiệp khí có thể coi là một ngành công nghiệp mang tính đột phá, sự phát triển của nó có khả năng kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác.

Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn:Năng lượng Mới 495​
 

Việc làm nổi bật

Top