Dự án èo uột, thuế nhập khẩu ethanol sẽ hạ?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Việc giảm thuế nhập khẩu ethanol đang được tính toán bởi các nhà máy hiện có trong nước không sản xuất đủ ethanol phục vụ cho pha chế xăng E5.

Lỗ lên lỗ xuống

Hiện tại, cả nước có 7 dự án nhà máy sản xuất ethanol gồm Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí tại Phú Thọ, Nhà máy sản xuất bio - ethanol nhiên liệu Dung Quất (BSR-BF), Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân - Công ty cổ phần Đồng Xanh, Nhà máy sản xuất ethanol Đại Việt, Nhà máy sản xuất ethanol Đăk Tô, Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước - Công ty TNHH Phương Đông và Nhà máy sản xuất ethanol Tùng Lâm.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, tính tới năm 2015, chỉ có 2 nhà máy có khả năng cung cấp ethanol biến tính (E100) dùng để phối trộn xăng sinh học E5 là BSR-BF và Công ty TNHH Tùng Lâm. Dẫu vậy thì sản xuất ethanol của các đơn vị này cũng rất èo uột. Đơn cử như BSR-BF từ khi đi vào hoạt động chỉ sản xuất 10% công suất. Năm 2014, BSR-BF tiêu thụ được 19.840 m3 với doanh thu 301 tỷ đồng, lỗ 177,86 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2015, Nhà máy này cũng chỉ tiêu thụ được 5.779 m3 ethanol, doanh thu đạt 84,11 tỷ đồng và lỗ là 96,94 tỷ đồng. Không những thế, BSR-BF liên tục phải tạm ngừng hoạt động.

Với Công ty TNHH Tùng Lâm, tuy vẫn đang sản xuất, nhưng không dám trích khấu hao tài sản cố định bởi sẽ rơi vào thua lỗ. Năm 2014, doanh nghiệp này sản xuất được 43.000 tấn ethanol, còn trong nửa đầu năm 2015 cũng sản xuất được 20.500 tấn ethanol.

Còn nhà máy của Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liêu sinh học Dầu khí tại Phú Thọ được xây dựng từ tháng 6/2009 với mục tiêu vào hoạt động thương mại cuối năm 2011. Song tới nay vẫn chưa hoàn tất, các cổ đông không chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và các bên liên quan chưa thống nhất được hướng đi tiếp theo của dự án.

Với Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, dù đã được bàn giao và đưa vào vận hành thương mại từ quý II/2013, nhưng do không tiêu thụ được sản phẩm trong nước, nên đã dừng sản xuất. Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), việc nhà máy này ngừng hoạt động sẽ mang tới khoản lỗ khoảng 270 tỷ đồng/năm, trong đó có 120 tỷ đồng lãi vay, 90 tỷ đồng khấu hao và 60 tỷ đồng chi phí duy trì nhà máy.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, khi trả lời các đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng cho hay, giá thành sản phẩm ethanol có biến phí cao hơn so với giá nhập khẩu từ Singapore quy về một mặt bằng, sản phẩm bán ra không bù được biến phí. Theo báo cáo khả thi, giá nguyên liệu trung bình cả đời dự án khoảng 1.800 đồng/kg và giá thành sản phẩm là 10.000 đồng/lít. Tuy nhiên giai đoạn 2012-2013, giá sắn đầu vào lên tới 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán ethanol chỉ đạt 13.000 đồng/lít, khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng.

du-an-eo-uot-thue-nhap-khau-ethanol-se-ha1448553463.jpg

Èo uột bán hàng

Hiện có 3 đơn vị gồm PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) có tổ chức sản xuất, phối trộn xăng E5 với tổng công suất thiết kế là 2,84 triệu m3/năm, tương đương 2,243 triệu tấn xăng E5/năm (tỷ lệ quy đổi 1 m3 = 0,79 tấn).
Thế nhưng, như nhận xét của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hệ thống phân phối xăng E5 vẫn chưa vận hành tốt, một số đại lý, tổng đại lý và chủ cửa hàng xăng dầu không chú trọng đến kinh doanh xăng E5.

Bên cạnh đó, hiện các đơn vị mua ethanol để pha chế xăng sinh học cũng ưu tiên mua của Công ty Tùng Lâm do giá rẻ hơn của BSR-BF từ 500 – 1.000 đồng/lít.

Tính toán của Bộ Tài chính, cho thấy, so với giá nhập xăng RON92, giá thành xăng E5 đang thấp hơn trên 500 đồng/lít, nhưng nếu cộng chi phí đầu tư trạm phối trộn, kinh doanh xăng E5, thì giá thành xăng E5 sẽ cao hơn.

Hiện lượng tiêu thụ ethanol cho pha chế xăng E5 cũng chỉ khoảng 1.200 tấn/tháng, tương đương với 6 ngày hoạt động của 1 nhà máy như BSR-BF. Tới ngày 1/12/2015, khi xăng E5 được tiêu thụ trên toàn quốc thay vì chỉ dưới 10 địa phương như hiện nay, nhu cầu ethanol cũng sẽ tăng lên, nhưng không nhiều.

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu ethanol cần cho phối trộn E5 theo lộ trình Quyết định 53/2012/QĐ-TTg là 84.890 tấn vào năm 2016; 148.560 tấn vào năm 2017 và 187.190 tấn vào năm 2018. Tuy nhiên, sản xuất ethanol trong nước năm 2016 là 74.700 tấn, gồm 51.000 tấn của Công ty Tùng Lâm và 23.700 tấn của BSR-BF. Nếu thêm Dự án ethanol Phú Thọ đi vào hoạt động năm 2017, lượng ethanol được sản xuất cũng chỉ là 98.400 tấn và từ năm 2018 là 185.300 tấn.

Bởi vậy, phương án hạ thuế nhập khẩu ethanol từ 20% hiện nay xuống 5% trong giai đoạn 2016 – 2017 để khuyến khích các doanh nghiệp phối trộn và kinh doanh xăng E5 thông qua việc giảm giá đầu vào đang được xem xét.

 

Việc làm nổi bật

Top