EVN mua điện Trung Quốc: Giá cao ở mức chấp nhận được

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Việc EVN mua điện của Trung Quốc phù hợp với quy định hiện hành nhưng nó cũng cho thấy thị trường điện Việt Nam vẫn là độc quyền.

Đúng quy định nhưng...

Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) và Công ty TNHH Quốc tế Vân Nam (thuộc Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam - Trung Quốc) vừa ký kết hợp đồng mua bán điện cấp điện áp 220 kV giai đoạn 2016 - 2020.

Sau khi kết thúc đàm phán, hai bên đã thống nhất hợp đồng mua bán điện có những nội dung chính như sau: Công suất max (tối đa) đường dây 220 kV Guman – Lào Cai là 450 MW; công suất max đường dây 220 kV Malutang – Hà Giang là 350 MW. Tổng sản lượng điện năm mua qua 2 đường dây cho năm 2016 là 1.500 GWh.

Về giá điện, hai bên thống nhất giá năm 2016 là 5,87 UScent/kWh (khoảng 1.300 đồng/kWh). Hai bên vẫn giữ nguyên công thức điều chỉnh giá điện theo chênh lệch tỉ giá giữa đồng USD và nhân dân tệ trong Hợp đồng mua bán điện giai đoạn 2.

evn-mua-dien-trung-quoc-khiem-khuyet-thi-truong-dien-viet-nam_111036219.jpg

Nhận xét về những thông tin trên, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng, việc ký kết hợp đồng mua bán điện giữa EVN và phía doanh nghiệp điện Trung Quốc là đúng với quy định của Bộ Công thương, đặc biệt là tuân theo cách xác định giá mà Bộ Công thương đã quy định.

Vị chuyên gia năng lượng cũng cho hay, Việt Nam vừa kết thúc thị trường phát điện cạnh tranh và chuyển sang cơ chế bán buôn điện cạnh tranh. Trong cơ chế bán buôn điện cạnh tranh đó có quy định tất cả các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên phải tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, theo con số tổng kết khi thị trường phát điện cạnh tranh kết thúc, mới có 41% các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trực tiếp, còn hơn 50% nhà máy hiện vẫn chưa tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh trực tiếp, hoặc chỉ tham gia gián tiếp.

"Trong con số hơn 50% nhà máy chưa tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trực tiếp này có một số đối tượng, đó là:

Thứ nhất, các nhà máy thủy điện đa chức năng, vừa phát điện vừa cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp.

Thứ hai, tất cả các nhà máy BOT, tức những nhà máy điện có đầu tư nước ngoài. Theo đó, ngay từ đầu đã buộc phải quy định sẽ mua điện của các nhà máy này với giá bao nhiêu.

Thứ ba, những nhà máy năng lượng mới, thủy điện nhỏ.

Thứ tư, mua điện nước ngoài. Trường hợp nói trên thuộc vào dạng thứ tư này.

Đây là khiếm khuyết của thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam. Về tương lai, tất cả các nhà máy đều phải tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thì mới có giá bình đẳng", ông Ngô Đức Lâm chỉ rõ.

Liên quan đến vấn đề mua điện nước ngoài, theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, tỷ lệ này chỉ chiếm chưa đầy 5% và là việc bắt buộc đối với Việt Nam. Lý do là vì, ở vùng cao, vùng biên giới xa xôi, nếu chuyển điện từ dưới xuôi lên giá sẽ rất đắt do tổn thất điện lưới nhiều. Do đó, Việt Nam chọn giải pháp, đối với các vùng biên giáp các nước có bán điện thì chúng ta mua của nước ngoài. Việc mua bán điện này do thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên, chứ không phải tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

"Vì thế, việc EVN mua điện của Trung Quốc để cung cấp cho vùng cao, vùng biên giới đã được thảo luận, thỏa thuận, ký kết với nhau. Trong thỏa thuận giữa các nhà máy điện thường có quy định: khi đầu vào thay đổi thì có khả năng giá điện tăng lên. Trong đó, giá điện sẽ được điều chỉnh theo chênh lệch tỉ giá giữa đồng USD và nhân dân tệ. Việc này đúng với quy định của Bộ Công thương.

Còn xét riêng về mức giá thỏa thuận giữa công ty của EVN và phía doanh nghiệp Trung Quốc, so với giá chung của điện Việt Nam không chênh lệch nhau lắm vì giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/kWh, qua truyền tải, điều độ, phân phối, cộng thêm nhiều yếu tố khác cuối cùng ra giá bán bình quân cho xã hội là 1.622 đồng/kWh.

Như vậy, nhìn chung, mức giá mua điện của Trung Quốc (khoảng 1.300 đồng/kWh) có thể chấp nhận được vì so với giá điện mua từ các nhà máy BOT thì cũng thế, thậm chí còn thua", ông Lâm nhận xét.

Bởi độc quyền nên chỉ thấy giá điện tăng

Dù vậy, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cũng lưu ý rằng, thị trường điện Việt Nam thực tế vẫn là độc quyền, chưa phải là thị trường phát điện cạnh tranh hoàn hảo. Đây chính là gốc của vấn đề.

"Riêng đối với hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc, sự độc quyền thể hiện ở chỗ EVN vẫn là người ký kết với phía Trung Quốc. Nếu sòng phẳng ra thị trường điện phải tiến tới được các mục tiêu:

Một là, công ty mua bán điện nằm ngoài EVN, không chịu sự khống chế của EVN mà độc lập, đại diện cho sự công bằng giữa các nhà máy.

Hai là, điều độ nằm ngoài EVN.

Ba là, truyền tải điện không nằm trong EVN.

Bốn là, cơ quan điều hành thị trường không phải của EVN.

Nếu thị trường điện Việt Nam tiến được tới các mục tiêu trên thì chắc chắn giá điện sẽ khác đi và nhiều khả năng sẽ giảm xuống", ông Lâm nhấn mạnh.

Bởi thị trường điện Việt Nam còn nhiều vấn đề nên theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, hiện tại chỉ thấy giá điện tăng mà chưa thấy giảm bao giờ.

"Mục tiêu của thị trường điện lực là đảm bảo sự công bằng, bên bán điện được quyền tính hết đầu vào, đầu ra để đảm bảo giá điện họ bán ra không bị lỗ, nhưng đồng thời cũng phải cạnh tranh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó rất cần thị trường cạnh tranh để giảm được giá điện, đồng thời có được dịch vụ hoàn hảo, mua điện dễ dàng, thoải mái và được quyền lựa chọn.

Với thị trường điện hiện tại, người dân chưa được hưởng cái gì. Thị trường này chỉ có lợi cho EVN để họ vận hành, phát triển ổn định, thu hút vốn nước ngoài. Cái gốc này thay đổi không dễ vì nó gắn với lợi ích, mà không bao giờ người ta từ bỏ lợi ích. Muốn thay đổi phải từ vĩ mô nhà nước, phải có chính sách bắt buộc người ta làm theo, còn để tự nguyện thì không ai làm cả", ông Ngô Đức Lâm nói.

Thành Luân - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top