Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp, vượt mốc 56 USD/thùng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 12/1 sau những tín hiệu tuân thủ thỏa thuận của các thành viên Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC). Bên cạnh đó, những dự báo nhu cầu tăng trưởng tại Trung Quốc cũng hỗ trợ giá mặt hàng chiến lược này.

Ngày 30/11/2016, OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008. Theo đó, 14 thành viên của tổ chức này sẽ cắt giảm sản lượng và đóng băng ở mức 32,5 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận này có hiệu lực trong 6 tháng và bắt đầu từ ngày 1/1. Cho tới nay, một vài thành viên OPEC đã bắt đầu thực hiện thỏa thuận này.

Giá dầu Brent tăng 91 cent (1,7%) lên mức 56,01 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 76 cent (1,5%) lên mức 53,01 USD/thùng.

350219.jpg

Diễn biến giá dầu Brent trong 3 tháng qua
Ngày 12/1, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arab – ông Khalid al-Falih – cho biết sản lượng của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới đang ở mức thấp nhất trong gần 2 năm qua. Điều này thể hiện sự nghiêm túc của quốc gia lãnh đạo OPEC trong quá trình bình ổn thị trường dầu mỏ.

Trong cuộc họp báo tại Abu Dhabi, ông Falih dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và thị trường sẽ thu hẹp trong 2-3 năm tới.

Saudi Arab thực hiện việc cắt giảm đơn hàng tháng 2 tới các thị trường tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này tới các quốc gia châu Á khác vẫn không có gì thay đổi trong 2 tháng qua.

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait – ông Essam Al-Marzouq – cho biết quốc gia này đã tiến hành cắt giảm sản lượng, thậm chí còn hơn những gì thỏa thuận OPEC yêu cầu. Tuy nhiên, ông Marzouq không cung cấp con số cụ thể.

Bộ trưởng Dầu mỏ I-rắc – ông Ali al-Luaibi – đang kỳ vọng một mức giá tốt hơn. Trong 2 tuần đầu năm mới, quốc gia Trung Đông này giảm mức sản lượng xuất khẩu đi 210.000 thùng/ngày.

Bộ trưởng Năng lượng Nga – ông Alexander Novak – cho biết quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ngoài OPEC không chỉ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng đi 300.000 thùng/ngày mà còn có kế hoạch cắt giảm riêng.

BMI Research dự báo tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận lần này đạt 73% thông qua sự đóng góp tích cực của các quốc gia là Saudi Arab, UAE, Kuwait, Qatar, Bahrain và Oman.

Giá dầu còn được hỗ trợ bởi doanh số xe hơi kỷ lục tại Trung Quốc. Trong năm 2016, doanh số xe hơi tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng 13,7% lên mức 28 triệu chiếc.

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Trung Quốc sẽ được phản ánh qua kim ngạch nhập khẩu dầu thô. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) tổng sản lượng nhập khẩu mặt hàng này tăng 5,3% trong năm 2017 lên mức 396 triệu tấn, tương đương 8 triệu thùng/ngày. Nhu cầu sử dụng dầu thô cũng sẽ tăng lên mức kỷ lục 594 triệu tấn (12 triệu thùng/ngày) trong năm 2017.

Tại Mỹ, các nhà đầu tư cho rằng tình trạng dư cũng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện sau khi số liệu dầu thô lưu kho tại quốc gia này ghi nhận mức tăng 4,1 triệu thùng lên mức 483,11 triệu thùng.

NDH.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top