Giá dầu thấp, cơ hội mua mỏ

Thảo luận trong 'Trong nước' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 3/2/16.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Giá dầu thế giới thấp kỷ lục như hiện nay được các chuyên gia cho là cơ hội để mua mỏ và nhiều nhà đầu tư mới tham gia ngành dầu khí.

    Tính chuyện đóng mỏ

    Tại cuộc họp giao ban tháng 1 của Bộ Công thương diễn ra đầu tuần này, ông Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, nếu giá dầu về mức 30 USD/thùng, PVN sẽ tính tới việc giãn hoặc ngừng một số mỏ. Giá dầu giảm đã khiến cho doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị khai thác và dịch vụ trong ngành không đạt kế hoạch. Doanh thu của toàn bộ PVN trong tháng 1 chỉ đạt 74% kế hoạch tháng.

    [​IMG]
    Năm 2015, chi phí sản xuất của VSP là 23,7 USD/thùng, chi phí hòa vốn khoảng 37 USD/thùng
    Trước đó, để đối phó với thực tế giá dầu giảm mạnh, PVN đã xây dựng 7 phương án giá dầu cho năm 2016, với các mức 65 USD, 55 USD, 50 USD, 45 USD, 40 USD, 35 USD và 30 USD/thùng. Theo đó, với mức giá dầu 65 USD/thùng, tổng doanh thu hợp nhất của PVN sẽ đạt 275.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 22.800 tỷ đồng. Còn với phương án giá dầu 30 USD/thùng, tổng doanh thu hợp nhất sẽ là 141.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 10.400 tỷ đồng, tức là giảm một nửa so với phương án giá dầu 65 USD.

    Theo báo cáo của PVN, giá thành dầu trung bình năm 2015 của hầu hết các mỏ dầu mà PVN đang khai thác đều dưới 50 USD/thùng, cụ thể là trung bình 24,4 USD/thùng.

    Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) cho hay, năm 2015, chi phí sản xuất của VSP là 23,7 USD/thùng, chi phí hòa vốn khoảng 37 USD/thùng và giá bán bình quân là 56 USD/thùng. Nhưng năm 2016, tình hình tiếp tục khó khăn hơn năm 2015 do giá dầu hiện nay dưới giá hòa vốn. “Khi giá bán dưới 35 USD/thùng, tức là dưới chi phí hòa vốn. Như vậy, muốn đảm bảo được lợi nhuận của PVN và phía đối tác Nga, việc đưa chi phí sản xuất về dưới 20 USD/thùng đã được VSP đặt ra”, ông Nghĩa cho hay.

    Với Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải cho biết, giá thành sản xuất đầu giếng của PVEP trung bình khoảng 26,6 USD/thùng, năm 2015 xuất bán với giá 54 USD/thùng, nên lời 18 USD/thùng. Khi áp thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và các loại thuế khác, thì giá thành sản xuất dầu là 45,5 USD/thùng, nghĩa là chỉ còn lãi 8,5 USD/thùng. Nếu áp đủ các loại thuế, thì giá thành dầu là 54,7 USD/thùng, tức là chuyển thành lỗ.

    Theo lý giải của ông Hải, dầu vừa ra khỏi đầu giếng đã bị áp thuế ngay, trung bình là 45% tổng sản lượng dầu.

    Với giá dầu ở mức dưới 35 USD/thùng sẽ chỉ có một số mỏ ở Việt Nam có khả năng có lãi là mỏ Bạch Hổ, lô 09-1 bể Cửu Long của VSP, các mỏ liên danh Cửu Long, Hoàng Long - Hoàn Vũ và mỏ Rạng Đông của Công ty Dầu khí Việt - Nhật (JVPC).

    Dẫu vậy, việc giãn, dừng khai thác sẽ còn được cân nhắc trên nhiều góc độ khác, trong đó có cả công ăn việc làm của người lao động, thuế các loại thu được từ khai thác dầu thô ngay khi mới khai thác, chi phí đã trả cho dịch vụ khai thác…

    Cơ hội mới

    Trong số các hợp đồng dầu khí tại Việt Nam đang được xem xét và chuẩn bị ký, nổi lên là sự góp mặt của hai doanh nghiệp tư nhân có tiếng tăm tại Việt Nam là Tập đoàn Bitexco và Sovico Holdings.

    Bitexco được biết đến qua các tài sản như tháp đầu tư tài chính Bitexco, hàng loạt khu tổ hợp đa năng (The One, Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh tại TP.HCM), trung tâm thương mại bán lẻ The Garden (Hà Nội), Icon 68 (TP.HCM) hay Khu dân cư The Manor, Khách sạn JW Marriott hay Công ty Nước khoáng Vital. Còn Sovico cũng là cái tên rất đình đám trong kinh doanh với các khoản đầu tư gồm Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, Ngân hàng HD Bank, Furama Đà Nẵng…

    Báo cáo của PVN cho hay, tại lô 16-1/14, PVN đã báo cáo Bộ Công thương việc Sovico tham gia tổ hợp VSP/PVEP/Bitexco đang được các bộ, ngành thẩm định hợp đồng dầu khí. Ngoài ra, PVN cũng nhận được công văn bày tỏ mong muốn tham gia của Sovico tại lô 15-2/14. Tại lô 125-126, PVN cũng đang tiến hành đàm phán với tổ hợp Soco/Sovico.

    Sự có mặt của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong thăm dò, khai thác dầu khí ở thời điểm giá dầu rẻ như hơn 1 năm trở lại đây cũng cho thấy những triển vọng khác của giá dầu rẻ.
    Ngay với PVN, chỉ riêng năm 2015, đã sàng lọc hơn 30 cơ hội, đánh giá chi tiết 6 cơ hội để đầu tư ở nước ngoài và đang chung kết 1 cơ hội mua mỏ và 2 cơ hội tìm kiếm thăm dò. Với PVEP, cũng đã có 68 cơ hội dự án mới ở nước ngoài được đặt lên bàn xem xét trong năm 2015 và 4 cơ hội đang được xem xét kỹ lưỡng.

    Theo ông Ngô Hữu Hải, giá dầu giảm cũng là cơ hội không nhỏ. “Trước đây, PVEP phải sàng lọc hàng chục cơ hội dự án mới mua được mỏ và giá rất cao, cạnh tranh rất gay gắt, thì nay giá dầu thấp là cơ hội để đàn phán các hợp đồng mua mỏ với giá hạ”, ông Hải cho hay.

    Theo: Báo Đầu Tư​
     

Chia sẻ trang này