“Giải cứu” các dự án ethanol thua lỗ thế nào?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương hướng xử lý 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ, trong đó nêu rõ quan điểm kiên quyết xử lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường; Nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các dự án, tập trung thực hiện tái cơ cấu các dự án, ưu tiên các phương án bán, chuyển nhượng, thoái vốn, thậm chí xem xét đến phương án cho phá sản, giải thể đối với các doanh nghiệp (dự án) không có điều kiện phục hồi, thua lỗ, mất vốn. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là 3 dự án nhiên liệu sinh học ethanol có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), trong đó 2/3 dự án đang trong quá trình thi công xây dựng đã đắp chiếu.

Chuyển nhượng thoái vốn có khả thi?

3 dự án gồm Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; 3 dự án khác phải dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex. Đây đều là các dự án có vốn góp của Tập đoàn và các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí VN.

Hinh%2014_KYZT.jpg

Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ chủ đầu tư là Cty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB), nhà thầu được chỉ định là TCty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, sau đó tăng vốn lên mốc 2.500 tỉ đồng. Dự án phải tạm dừng thi công do chi phí cao, nhưng vẫn mất hàng trăm tỉ đồng để trả lãi vay và quản lý.

Tương tự, dự án Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, sau đó đã tăng vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Từ tháng 4.2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại. Năm 2013 và 2014 dự án bị lỗ khoảng 400 tỉ đồng. Còn dự án Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỉ đồng cũng bị đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng. Duy nhất dự án này đi vào hoạt động từ năm 2014 thì đã lỗ lên tới 164 tỉ đồng và đến nay cũng nằm “đắp chiếu”. Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án trên với tổng số tiền đã thanh toán đến tháng 11.2014 là hơn 5.400 tỉ đồng theo Thanh tra Chính phủ kết luận là chưa có hiệu quả.

Để tìm giải pháp cho các dự án thua lỗ kể trên, Bộ Công Thương đã đưa ra các phương án, cụ thể đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Có 2 phương án được xem xét để xử lý là: Phương án 1: Cty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) chuyển nhượng/thoái vốn tại công ty và phương án 2: Tái cơ cấu lại Công ty nhiên liệu sinh học miền Trung. Trên cơ sở cân nhắc tình hình thực tế, bộ đề xuất lựa chọn phương án 1 - BSR-BF chuyển nhượng/thoái vốn tại Cty.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì để thực hiện phương án này, trước hết phải tính toán khởi động lại nhà máy; Xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC (TCty PVC) về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán dự án đầu tư xây dựng nhà máy; Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Tương tự, với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, trong 4 phương án được xem xét gồm: Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu PVC; Thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác; Dừng triển khai dự án, phá sản Cty và phương án 4: PVOil Chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 4: PVOil Chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, bộ cũng chọn phương án để PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án. Tuy nhiên, theo ý kiến của những người trong cuộc thì việc thoái vốn tại thời điểm này không đơn giản, mặc dù không ít đối tác quan tâm đến việc mua cổ phần khi PVOil chuẩn bị cổ phần hóa vào khoảng tháng 7 năm nay.

Nên cho phá sản

Trao đổi với PV Báo Lao Động về phương án xử lý đối với 3 dự án xăng ethanol, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với 3 dự án xăng ethanol khó có khả năng bán lại hay thoái vốn được, bởi lẽ dự án ban đầu tính toán hoàn toàn sai so với thực tế. Theo dự án, nguồn nguyên liệu đầu vào tính với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg sắn nhưng đến bây giờ giá đầu vào đã cao hơn lên tới 4.000 - 6.000 đồng/kg. Hai là toàn bộ thiết bị, hệ thống công nghệ tại các nhà máy này hoàn toàn lạc hậu, lỗi thời.

Với hai lý do này nên không nhà máy nào trong số này có khả năng sản xuất hiệu quả. Chi phí giá thành sản xuất ra cao hơn so với giá xung quanh của khu vực nên có sản xuất ra cũng không có hiệu quả. Chính vì vậy, khó có đơn vị nào vào để chuyển nhượng, trong trường hợp nếu bán cũng chỉ có khả năng bán một đống sắt vụn nhưng giá thành sẽ rất rẻ mạt. Chính vì vậy, phương án tốt nhất đối với 3 nhà máy này là nên cho phá sản” - ông Long khẳng định.

Ngoài ra, ông Long cho biết thêm, 3 dự án xăng sinh học ethanol thực sự không có hiệu quả ngay từ khâu thẩm định đến khâu thực thi dự án. Từ khi dự án triển khai đến nay hoàn toàn không đem lại hiệu quả, do đó cần phải quy rõ trách nhiệm, trong đó cần xử lý tận gốc vấn đề từ con người, từ đầu tư sai, tính khả thi không có.

Với một số dự án bước đầu sau xử lý đã có những chuyển biến tích cực như Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy thép Việt - Trung… ông Long cho rằng: “Bài toán cuối cùng là Bộ Công Thương cần xem xét tính hiệu quả của các dự án. Nếu không có hiệu quả nên cho phá sản. Bước đầu, những nhà máy này đã hoạt động trở lại, dù công suất chưa đạt nhưng căn bản là cần một chính sách hiệu quả. Với những dự án có giá thành sản xuất quá cao, việc bán rẻ đi sẽ dẫn đến thua lỗ lớn, nhưng bán rẻ còn hơn là cố gắng níu kéo, xử lý đưa vào đầu tư không hiệu quả còn gây ra tổn thất nặng nề hơn là để tồn tại”.

Vấn đề là hiện đầu ra của ethanol về việc thay thế xăng A92 hoàn toàn bằng xăng E5 vẫn mới dừng ở đề xuất từ Bộ Công Thương, việc chưa rõ lộ trình đưa xăng sinh học vào sử dụng đại trà cũng sẽ là trở ngại để đẩy nhanh tiến trình khắc phục thua lỗ của các dự án nhiên liệu sinh học.

Báo Lao Động​
 

Việc làm nổi bật

Top