Kiểm soát tổng cung dầu thế giới 2017 và triển vọng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cuối năm 2016, OPEC cùng với một số quốc gia nằm ngoài tổ chức này, trong đó có Nga, đã cam kết cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017 nhằm hạn chế tình trạng dôi dư nguồn cung toàn cầu, vốn là nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới "trượt dốc" trong gần ba năm qua.

Thực tế, tổng cung dầu mỏ trên thị trường thế giới trong tháng 1-2017 đã giảm gần 1,5 triệu thùng/ngày, nhờ sự đồng ý cắt giảm sản lượng của tất cả các nước trong và ngoài OPEC. Bản thân khối OPEC đã chủ động giảm sản lượng xuống 1 triệu thùng/ngày, đạt 32,06 triệu thùng/ngày trong tháng 1-2017, tức đạt 90% mức cam kết mà nhóm này đưa ra hồi cuối năm 2016. Một số nước xuất khẩu dầu mỏ trong nhóm, như A-rập Xê-út (nước có động lực rất lớn trong việc hồi phục giá dầu vì đang có nhu cầu IPO tập đoàn dầu khí lớn nhất nước), thậm chí đã cắt giảm sản lượng vượt mức yêu cầu bù cho hai nước được miễn cắt giảm là Libya và Nigeria.

Tuy nhiên, bản thân các nước trong khối OPEC đã có sự cắt giảm sản lượng theo cách hiểu và những kịch bản riêng nhằm duy trì thị phần xuất khẩu dầu mỏ của mình trên bản đồ thế giới. Thậm chí, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabbar al-Luaibi khẳng định, nước này chỉ cắt giảm xuất khẩu, chứ không phải sản lượng sản xuất và cho rằng, về thực chất, các nước OPEC chỉ có sự đồng thuận giảm xuất khẩu, chứ không giảm sản lượng khai thác.

Mười một nhà sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC tham gia vào thỏa thuận toàn cầu cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá đã thực thiện 64% lượng cắt giảm đã hứa trong tháng 2, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều mức độ thực thiện của OPEC.

Nga đã cắt giảm sản lượng dầu mỏ 156.000 thùng/ngày và sẽ cắt giảm sản lượng theo khối lượng đã cam kết - 300.000 thùng/ngày - vào cuối tháng 4-2017 và sẽ duy trì mức đó cho đến hết thỏa thuận này vào cuối tháng 6-2017.

Sang tháng 2-2017, mức cung ứng dầu mỏ toàn cầu đã tăng thêm 260.000 thùng/ngày, trong đó các nước OPEC đã tăng sản lượng lên 170.000 thùng/ngày. Hiện tại, mức cung ứng toàn cầu đạt 96,52 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 170.000 thùng/ngày so cùng kỳ năm ngoái và hiện OPEC vẫn duy trì giảm sản lượng xuất khẩu tháng thứ 2 liên tiếp so cùng kỳ.

Trong toàn quý I-2017, giá dầu thô cuối quý đã giảm hơn 10% so với đầu năm nay, từ mức trung bình 55 USD/thùng xuống 47 USD/thùng.

Hai tháng đầu năm, giá dầu thô WTI chốt phiên giao tháng 1-2017 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 51,04 USD/thùng, giảm 1,94 USD so với ngày trước đó. Giá dầu Brent tại London (Anh) giao tháng 2-2017 chốt phiên ở mức 53,9 USD/thùng, giảm 1,82 USD.

Việc giảm giá dầu không chỉ do nguồn cung dồi dào và Mỹ xuất bán 10 triệu thùng dầu, chiếm chưa đến 2% Kho Dự trữ chiến lược (SPR) vào cuối tháng 2-2017 như là một phần trong kế hoạch bán 25 triệu thùng dầu trong vòng ba năm, theo một đạo luật được ký ban hành hồi tháng 12-2016, mà còn do sức ép tăng lãi suất USD. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên vào cuối năm 2016 thêm 0,25 điểm phần trăm, lên ngưỡng từ 0,5% đến 0,75%, đồng thời dự báo sẽ có ba lần tăng lãi suất trong năm 2017. Đây mới là lần thứ hai (sau lần một đã diễn ra cuối tháng 12-2015) cơ quan này tăng lãi suất trong vòng một thập niên qua. Hiệu ứng tức thì là đồng bạc xanh tăng khá mạnh lên đỉnh 14 năm (đồng USD tăng 0,2% so với euro lên 1,0513 USD/EUR và tăng 1,6% so với yen Nhật lên 102,17 JPY/USD).

Giá dầu WTI giao trong tháng 4-2017 nhích 3 cent đạt mức 48,78 USD/thùng, phục hồi trở lại từ mức thấp nhất kể từ 30-11 là 47,09 USD/thùng ngày 14-3. Cùng lúc đó, giá dầu Brent tăng 2 cent lên 51,75 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent giảm xuống còn 50,25 USD, mức thấp nhất kể từ 30-11-2016.

Trước áp lực giảm giá dầu, tại hội nghị thượng đỉnh về năng lượng tại Berlin vừa diễn ra, OPEC có thể tiếp tục tìm cách thảo luận về chính sách cắt giảm sản lượng của mình. Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út Khalid Al-Falih cho biết, nước này sẵn sàng tuân thủ hiệp định kiếm chề sản lượng cho đến giữa năm 2017. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran và Qatar lên tiếng khẳng định thỏa thuận về cắt giảm sản lượng của OPEC vẫn đang được triển khai thuận lợi và có thể sẽ được kéo dài sau thời điểm tháng 6-2017 để bảo đảm cân bằng cung cầu trên thị trường.

Trong năm 2017, nhóm các nước ngoài OPEC được dự đoán sẽ tiếp tục tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày và đạt mức 58,1 triệu thùng/ngày.

Mỹ đang đứng trước mâu thuẫn, vì kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế Mỹ của tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo áp lực mở rộng khoan thăm dò nhằm phục hưng nền sản xuất dầu mỏ và khí đốt của Mỹ, khiến tạo nguồn cung tăng và làm giảm giá dầu WTI và dầu biển Brent trong tương lai. OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác có thể chấp nhận bán dầu với giá rẻ nhờ quy mô sản xuất của mình, xong Mỹ lại không có được lợi thế đó. Chi phí để sản xuất dầu của Mỹ lớn hơn các nước khác, không chỉ bởi nhân công có chi phí cao, mà còn bởi dầu đá phiến thu được dưới lòng đất cũng yêu cầu công nghệ chưng cất đặc thù. Thêm nữa, sự bùng nổ lượng giếng dầu đá phiến và khí đốt ở Mỹ đã tăng gấp đôi sau 70 năm, khiến sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng hơn 500.000 thùng/ngày kể từ cuối năm 2016. Dầu đá phiến hiện có mức sản lượng 9 triệu thùng/ngày và được dự báo sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục về sản lượng vào hè năm nay. Theo Viện Dầu mỏ Mỹ API công bố ngày 21-3, tồn kho dầu thô của Mỹ hiện lên tới 533,6 triệu thùng. Tồn kho dầu tăng do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 8% kể từ giữa năm 2016 thành hơn 9,1 triệu thùng/ngày, mức đạt được trong cuối năm 2014, khi thị trường dầu mỏ bắt đầu sụt giảm. Dầu đá phiến Mỹ, có thể tạo ra dư cung nguyên liệu trong năm 2018 và 2019. Sản lượng ngày càng tăng tại Mỹ và ở nơi khác, tồn kho tăng đang phá hoại những nỗ lực cắt giảm sản lượng và hỗ trợ giá của OPEC

OPEC ngày càng nghiêng về phương án kéo dài hiệu lực của thỏa thuận nhằm tái cân bằng thị trường năng lượng. Tuy nhiên, tổ chức này nhấn mạnh rằng nỗ lực này cần có sự tham gia của cả các nước không thuộc OPEC như Nga.
3ea834d6235ea0bacf48fc95d8bdedbc.jpg
Với việc OPEC cắt giảm sản lượng, còn Mỹ tiếp tục gia tăng sản lượng, khoảng cách giữa dầu Brent và dầu WTI đã tăng lên khoảng 3,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2016, mở ra cơ hội cho dầu thô Mỹ bước vào thị trường châu Á.

Giá dầu cuối tháng 3-2017 khá cao dù không ổn định: Giá dầu đi lên trong phiên giao dịch chiều 21-3 trên thị trường châu Á, giữa bối cảnh nhà đầu tư nhận định thỏa thuận cắt giảm sản lượng do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) "dẫn dắt" có thể sẽ được gia hạn để vực dậy giá dầu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tiếp tục mạnh lên cũng góp phần làm dịu đi tình trạng dư cung trên toàn cầu. Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 14 giờ 46 phút (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 28 cent (0,58%), lên 48,50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 35 cent (0,68%), lên 51,97 USD/thùng. Sang ngày 22-3, giá lại giảm trong ngày do tin đồn tồn kho dầu thô tại Mỹ ngày càng tăng đã nhấn mạnh sự dư thừa nguồn cung nhiên liệu toàn cầu tiếp tục tăng, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. Giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 50,92 USD/thùng, giảm 4 cent so với đóng cửa phiên trước. Dầu ngọt nhẹ WTI đã giảm 8 cent xuống 48,16 USD/thùng.

Trên thực tế, triển vọng giảm giá dầu tương lai có thể được kìm hãm bởi một số xung đột địa chính trị tiềm tàng, như căng thẳng gia tăng ở Đông Á liên quan đến Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; Lập trường rời xa phương Tây hơn của Iran; Động thái đối đầu của Nga với NATO tại Ukraine và nguy cơ đổ vỡ chính trị hiện hữu của Venezuela.

Ngoài ra, nhu cầu thế giới gia tăng cũng làm tăng kỳ vọng đẩy giá dầu lên. Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tiếp tục tăng lên mức 1,6 triệu thùng/ngày, so với mức 1,4 triệu thùng/ngày hiện nay.

Iran và Iraq sẽ là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực dầu mỏ khu vực Trung Đông trong bốn năm tới, thông qua các dự án phát triển nhằm tăng sản lượng. Hai quốc gia Trung Đông trên đang đẩy nhanh kế hoạch khai thác các mỏ dầu nhằm đạt được sản lượng mục tiêu và sẽ thúc đẩy sản xuất khu vực từ nửa cuối năm 2017. Iran và Iraq là những nước dự kiến sẽ có mức tăng trưởng sản lượng khai thác cao nhất trong thập kỷ tới. Hai nước này cũng sẽ dẫn đầu về khả năng thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ trong những năm tới.

Tại Iraq, tăng trưởng sản lượng dự kiến sẽ được củng cố bằng việc khởi động giai đoạn thứ hai của dự án phát triển mỏ Qurna West-2 do tập đoàn dầu khí Lukoil (Nga) khai thác. Ngoài ra, các dự án khai thác thuộc mỏ Nahr bin Umar, giai đoạn thứ hai của mỏ Majnoon và giai đoạn thứ ba của mỏ Halfayah cũng sẽ góp phần làm gia tăng sản lượng.

Tại Iran, giai đoạn đầu của dự án Nam Azadegan dự kiến sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng sản lượng dầu trong 5 năm tới, với mức đỉnh sản lượng ước đạt 255.000 thùng/ngày vào năm 2021. Iran cũng đã thông báo sản lượng dầu của nước này đã đạt khoảng 4 triệu thùng/ngày trong tháng 3 năm nay, giúp Tehran giành lại thị phần sau nhiều năm chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong báo cáo hàng tháng của mình, OPEC cho biết tồn kho dầu thô tăng trong tháng 1 bất chấp thỏa thuận cắt giảm nguồn cung toàn cầu và đã nâng dự báo của họ về sản lượng trong năm 2017 từ các nước bên ngoài tổ chức này, cho thấy những khó khăn trong nỗ lực xóa bỏ lượng dư thừa. Tuy nhiên, tồn kho sẽ bắt đầu giảm nhờ việc cắt giảm nguồn cung và từ nửa cuối năm 2017 thị trường được dự kiến bắt đầu cân bằng hay thậm chí tồn kho dầu thô bắt đầu giảm. Sản lượng tổng thể của OPEC cần được hạn chế quanh mức hiện nay khoảng 32,1 triệu thùng/ngày, nhằm mục tiêu chính là duy trì giá dầu trên 40 - 45 USD …

Về tổng thể, trong các tháng tiếp theo, khả năng dầu mỏ thế giới tiếp tục giảm nhẹ được coi là có tính hiện thực cao; tuy nhiên, những động thái giữ giá, đẩy giá của các nước liên quan vẫn khó đoán và cần tiếp tục theo dõi.

TS NGUYỄN MINH PHONG, Ths NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ/Báo Nhân Dân​
 

Việc làm nổi bật

Top