Lọc hoá dầu Bình Sơn: Thoát hiểm và tăng tốc

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cách đây một năm, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn khi sản phẩm làm ra bị áp thuế cao, ứ đọng không bán được, kinh doanh thua lỗ do giá dầu lao dốc khiến người ngoài cho rằng nhà máy nên đóng cửa, người trong cuộc có lúc nghĩ buông xuôi.

Tuy nhiên, nhờ có sự kiên trì cùng những giải pháp hợp lý và kịp thời, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã “vượt cạn” thành công để về đích sớm một cách ngoạn mục. Vào lúc 21h ngày 9/11/2016, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất 5,8 triệu tấn xăng dầu các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch đã đề ra cho năm 2016.

“Khủng hoảng kép”


Có thể nói, chưa có năm nào mà một DN dầu khí non trẻ như Lọc hóa dầu Bình Sơn lại gặp nhiều khó khăn đến như vậy.

Cách đây đúng một năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi giá dầu lao dốc không phanh từ 110 USD/thùng tại thời điểm giữa năm 2014 xuống chỉ còn dưới 30 USD/thùng vào trung tuần tháng 1/2016, đánh dấu mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm qua. Sản phẩm làm ra không đủ bù đắp chi phí khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, đe dọa đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty đã vạch ra đầu năm.

Không chỉ có vậy, từ đầu năm 2016, theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu dầu diesel, xăng cho máy bay (Jet A1) từ các nước trong khu vực đã giảm từ 20% về 10%. Trong khi đó, mức thuế áp cho các sản phẩm cùng loại của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ nguyên 20%, dẫn đến sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với sản phẩm nhập khẩu.

Tet-DL-copy.jpg

Giá sản phẩm cao hơn so với sản phẩm nhập ngoại, giá xăng dầu thế giới biến động khôn lường đã khiến nhiều khách hàng kinh doanh xăng dầu trong nước giảm khối lượng mua hàng từ Dung Quất, thậm chí nhiều khách hàng có ý định quay sang mua xăng dầu nhập khẩu đã khiến Lọc hóa dầu Bình Sơn gặp vô vàn khó khăn.

Tại thời điểm đó, đã có một số Đại biểu Quốc hội và chuyên gia “khuyên” nên đóng cửa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nếu lúc đó nhà máy đóng cửa thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, nguy cơ hàng ngàn người mất việc làm, ngần ấy gia đình thiếu đói, ngân sách quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt là ngành lọc, hóa dầu non trẻ của Việt Nam sẽ bị mất lòng tin và bao cố gắng trong suốt những năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển.

21h ngày 9/11/2016, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất 5,8 triệu tấn xăng dầu các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch đã đề ra cho năm 2016.
Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn bồi hồi nhớ lại: “Tại thời điểm đó không chỉ Ban Lãnh đạo mà toàn thể anh em cán bộ công nhân viên trong công ty đều rất hoang mang. Cùng lúc chúng tôi chịu 2 sức ép vô cùng to lớn là giá xăng dầu giảm và thuế cao nên không cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại. Nguy cơ nhà máy dừng sản xuất và đóng cửa hiện hữu hơn bao giờ hết. Lúc đó chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng kiên trì và tìm mọi giải pháp vượt qua khó khăn”.

Không chịu ngồi yên chờ chết, Lãnh đạo công ty đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Điều đầu tiên và tiên quyết đó là nhà máy phải giữ vững ổn định sản xuất, vận hành an toàn với công suất tối ưu. Tiếp đó là kiên trì vận động, đề xuất với Chính phủ cho Công ty được kinh doanh tự chủ, tức là bãi bỏ mức thuế như trước đây để hưởng mức thuế ngang bằng với xăng dầu nhập ngoại, cũng như từ bỏ mọi ưu đãi để cạnh tranh một cách sòng phẳng theo cơ chế thị trường.

Và rồi, bằng nhiều giải pháp nội tại cùng với sự vào cuộc kịp thời của Nhà nước, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã dần dần vượt qua mọi khó khăn để về đích trước thời hạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Việc hoàn thành sản lượng trước thời hạn 52 ngày có ý nghĩa hết sức ý nghĩa, là kỳ tích mà toàn thể cán bộ công nhân viên Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ mãi không bao giờ quên.

Tăng tốc phát triển


Tại cuộc họp tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016, Ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn hồ hởi: “Năm 2017 chắc chắn sẽ là một năm bản lề và vô cùng quan trọng đối với BSR. Chúng tôi sẽ hoàn toàn cạnh tranh bình đẳng với xăng dầu nhập ngoại và với những lợi thế sẵn có chúng tôi sẽ có một bước tiến vững mạnh. Đây là thời cơ thuận lợi để BSR tăng tốc phát triển”.

Sự lạc quan của ông Nguyên quả là điều được dự báo trước và hoàn toàn có căn cứ. Đầu tiên phải kể đến đó là “nút thắt” về thuế đã được tháo gỡ. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017 Chính phủ sẽ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hoá dầu tiêu dùng trong nước (hiện đang ở mức 13% đối với xăng) từ Dung Quất, giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 từ 10% hiện tại về 0%, ngang bằng với thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu hiện nay Cùng đó, cũng bãi bỏ các ưu đãi cho Dung Quất (hiện được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán). Với cơ chế này, sản phẩm của BSR đã có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu.

Ông Nguyên phân tích: Sắp tới sản phẩm của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cạnh tranh một cách hoàn toàn bình đẳng với sản phẩm của các Doanh nghiệp nước ngoài. Với rất nhiều lợi thế gần như chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng mua sản phẩm từ Dung Quất.

Thứ nhất, do mua hàng trong nước nên các chi phí vận chuyển và bảo hiểm của khách hàng sẽ ít đi. Thứ hai, khi mua hàng của Dung Quất, khách hàng sẽ chỉ phải thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam, còn nếu nhập khẩu thì buộc các DN phải trả bằng đồng đô la, do đó DN sẽ yên tâm không bị ảnh hưởng biến động xấu của đồng USD tăng giá. Thứ ba, nếu DN mua hàng của Dung Quất thì sau 30 ngày sau mới phải nộp thuế, còn nhập khẩu từ nước ngoài thì phải đóng thuế nhập khẩu xong mới được nhập hàng; Thứ tư, nếu DN mua hàng trong nước thì được giao ngay, thời gian nhanh hơn, còn nhập khẩu thì thời gian vận chuyển về lâu, nếu giá giảm thì toàn bộ lô hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Tiến Dũng - Enternews.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top