Lợi nhuận khủng và những khoản đầu tư tai tiếng của PVN giai đoạn 2009-2015

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong giai đoạn từ 2009-2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có hàng loạt dự án, các khoản đầu tư gây thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Lợi nhuận khủng, tăng đều từng năm

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 2009-2015, liên tục trong các năm, PVN luôn giữ lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ mỗi năm và lợi nhuận tăng mạnh sau từng năm.

PVN_1.jpg

Năm 2009, PVN đạt 139.791 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 21,387 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2010, doanh thu tăng lên 241 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 29,75 nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận các năm tiếp theo từ 2011-2014 liên tục tăng. Cụ thể, năm 2011 là 34.000 tỷ đồng, năm 2012 là 42.000 tỷ đồng, năm 2013 là 42.500 tỷ đồng, và năm 2014 là 43.000 tỷ đồng.

Đến năm 2015, do giá dầu thế giới sụt giảm, chi phí khai thác tăng lên, doanh thu và lợi nhuận của PVN giảm rõ rệt. Doanh thu năm 2015 PVN đạt 288.000 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của PVN còn 30.000 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2014. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của PVN trong nhiều năm trở lại.

Trong giai đoạn 2011 – 2013, giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn là 252,2 nghìn tỷ đồng.

Những sai lầm trong đầu tư

Là Tập đoàn có lợi nhuận khủng nhờ đặc thù khai thác nguồn lợi dầu mỏ quốc gia, PVN nắm giữ nguồn vốn lớn và cũng sẵn sàng đầu tư vào nhiều dự án ngoài ngành, trong đó có những dự án "lụt" kéo theo nhiều hệ lụy.

Khoản đầu tư dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại OceanBank với 800 tỷ đồng mua 20% cổ phần ngân hàng này từ năm 2009. Khoản đầu tư này đã mất trắng, không có khả năng thu hồi. OceanBank sau đó trở thành ngân hàng 0 đồng vào năm 2015. PVN từng thành lập một Ban trù bị thành lập ngân hàng Dầu khí. Tuy nhiên, sau 3 năm chuẩn bị, kế hoạch đổ bể nên PVN mới quyết định đầu tư vào OceanBank.

Quyết định đầu tư vào OceanBank được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của HĐTV thời điểm đó.

Khoản đầu tư tai tiếng thứ hai là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng). Nhà máy này do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỉ đồng), dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may. Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy...

Trước thực tế thua lỗ liên tục và sắp hết vốn hoạt động tại PVTex, PVN đã đề nghị Nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy này hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư. Cụ thể, PVN đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm xơ sợi polyester nhập khẩu. PVN cũng đề nghị cần miễn giảm thuế giá trị gia tăng; miễn giảm chi phí điện, nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm...

Đặc biệt, dù đã là cơ chế thị trường nhưng theo Bộ Công thương, PVN đã đề nghị cần cho phép xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm trong nước theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp dệt may “phải sử dụng các sản phẩm của PVTex”.

Đến nay, PVTex vẫn nằm đắp chiếu, nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy cũng đã theo chân Trịnh Xuân Thanh đi “chữa bệnh” ở nước ngoài.

Trong lĩnh vực nhiệt điện, PVN làm chủ đầu tư đối với hai dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1. Cả hai dự án này đều chậm tiến độ.

Được khởi công lần đầu vào tháng 1/2011, Dự án Nhiệt điện Long Phú được xem là dự án quan trọng trong mục tiêu chiến lược phát triển nguồn điện của PVN. Đây cũng là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, với dự kiến phát điện Tổ máy số 1 vào năm 2014, Tổ máy 2 vào đầu năm 2015.

Để triển khai, PVN đã ký hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 có tổng giá trị 1,2 tỷ USD với đơn vị thành viên là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) vào năm 2010. Phạm vi thực hiện hợp đồng bao gồm thiết kế bản vẽ thi công; mua sắm hàng hóa, thiết bị, vật tư; toàn bộ công tác xây lắp; chạy thử, nghiệm thu; đào tạo, bàn giao vận hành và thu xếp vốn.

Sau khi chuyển đổi tổng thầu từ PTSC sang Liên danh Power Machines (Liên bang Nga) - BTG (Slovakia) - PTSC, trong đó, Công ty Power Machines là thành viên đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của Dự án và điều phối, kế hoạch mới được thay đổi cho Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 là phát điện Tổ máy 1 vào năm 2018, Tổ máy 2 vào năm 2019.

Trong khi đó, với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, đơn vị tổng thầu xây dựng là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã cùng PVN ký hợp đồng vào tháng 4/2015. Theo kế hoạch, Dự án sẽ phát điện Tổ máy 1 trong tháng 10/2018 và phát điện Tổ máy 2 trong tháng 2/2019.

Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), do PVN làm chủ đầu tư. Cụ thể, vào năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC giao cho công ty con là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó PVC xin tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng là 425 tỷ đồng, thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN là 55 tỷ đồng, hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ngoài ra, PVC còn góp vốn vào 5 công ty con gồm: công ty PVC - MS là 102 tỷ đồng, công ty PVC - Land 50 tỷ đồng, công ty PVC - Hoà Bình là 55 tỷ đồng, công ty PVNC 30 tỷ đồng và công ty PVC Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

"Đứa con" tai tiếng của PVN là PVC - Tổng công ty xây lắp Dầu khí, là trường hợp dư luận chú ý nhất gần đây khi gắn liền với những thông tin về Trịnh Xuân Thanh.

Theo đề án tái cấu trúc PVC được Tập đoàn Dầu khí phê duyệt thì PVC là đơn vị đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ. Hàng chục dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đã và đang được PVN giao cho PVC thi công. Điển hình như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn…

ethanol.jpg

PVC đã sa đà vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính, thành lập hoặc góp vốn vào cả chục công ty con, công ty liên kết khác nhau.

Năm 2009, PVC tiến hành niêm yết trên sàn HNX và quy mô tiếp tục tăng nhanh chóng, khi tăng vốn lên 2.500 tỷ đồng vào năm 2010 và 4.000 tỷ đồng năm 2012.

PVC đã mang tới 86% vốn điều lệ đi góp vốn vào 40 công ty thành viên lớn nhỏ, đồng thời bảo lãnh vay vốn cho các công ty này. Các công ty con, công ty liên kết này đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực xây lắp, bất động sản.

Hàng loạt dự án mà PVC nhận chuyển nhượng từ đơn vị khác, như Công ty Xi măng Dầu khí 12/9, Công ty Xi măng Hạ Long, khách sạn Lam Kinh,... cũng làm ăn thua lỗ, dẫn tới khoản đầu tư 1.193 tỷ đồng trở thành gánh nặng nợ nần chung của tổng công ty.

Từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVC bắt đầu thua lỗ. Trong 2 năm 2012 – 2013, PVC có lỗ lũy kế lên đến 3.200 tỷ đồng.

Infonet.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top