Cân nhắc mô hình tăng trưởng “GDP dầu thô”

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cân nhắc khai thác thêm dầu thô để đẩy tăng trưởng tiếp tục được đặt ra chứng tỏ các cấp quản lý vẫn đang lựa chọn sự cầm cự an toàn.

chuong-sau-new_141543254.jpg

Những dấu hiệu đáng lo

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2017 ước tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% cùng kỳ năm 2016. Với mức tăng trưởng như trên, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự báo, tăng trưởng có thể đạt mức 5,7% trong quý II và 6,1% cho cả năm 2017. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Cả hai mức dự báo đều thấp hơn tương đối so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đặt ra. Trong khi đó, những dấu hiệu của chất lượng tăng trưởng không bền vững vẫn bộc lộ rõ rệt.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm nay theo giá hiện hành ước đạt 297.800 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32% GDP. Điều này đồng nghĩa, vốn đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào để tạo tăng trưởng nhưng không đạt được kết quả tương xứng. Điều này không phải chưa từng được cảnh báo. Hai tác giả Trần Ánh Dương, Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Trị và chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã từng lưu ý, con số GDP chưa tính đến sự bền vững của tăng trưởng. Đối với những nước tăng trưởng GDP dựa vào tài nguyên như trường hợp của Trung Quốc và cả Việt Nam, việc đầu tư không hiệu quả sẽ làm tăng trưởng trong tức thời tăng, nhưng về dài hạn là vô nghĩa và gánh thêm nợ nần, thậm chí còn làm hao hụt nguồn lực của quốc gia.

Một vấn đề khác, trong khi mức tăng trưởng kinh tế quý I bị đánh giá là thấp, lạm phát lại đang có dấu hiệu trở lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức cùng kỳ 3 năm gần đây. Sẽ là rất xấu nếu hiện tượng này kéo dài liên tục trong 3-4 quý, nhưng dấu hiệu trong 3 tháng đầu năm 2017 vẫn cần được lưu tâm.

ktvmo_141436149.jpg

Thực tế này gợi nhớ tới một thời kỳ tương tự của kinh tế Việt Nam trong những năm 2000-2012. Một năm sau khi gói kích cầu có giá trị 143.000 tỉ đồng của Chính phủ được tung ra, tín dụng của nền kinh tế tăng vọt lên bất thường nhưng hiệu suất đầu tư không cao đã dẫn đến thực trạng, có thể nói một cách dễ hiểu là, hàng ít hơn tiền, tạo ra lạm phát. Song song đó, doanh nghiệp phải vay sản xuất với lãi suất cao hơn, dẫn đến việc giá thành sản phẩm cũng cao hơn, đẩy lạm phát ở mức cao hơn. Những “di chứng” của thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng nói trên vẫn còn tồn tại, thể hiện rõ nhất trong các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Tương tự, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm được ghi nhận mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Những gói tín dụng cả trăm ngàn tỉ đồng hỗ trợ các ngành sản xuất cần được lưu tâm nếu không đến đúng địa chỉ sẽ tạo ra tình trạng tương tự như những năm 2000-2012. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ hóa, hoàn toàn có căn cứ khi lo ngại, lãi suất cho vay đắt đỏ sẽ tiếp tục khiến doanh nghiệp Việt Nam thêm suy kiệt.

Có thể thấy, tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại do các biện pháp kích thích tăng trưởng như tăng trưởng vốn, mở rộng tài khóa, tín dụng... không còn hiệu quả. Nguồn lực tăng trưởng theo mô hình cũ đã cạn kiệt. Nếu duy trì tăng trưởng theo kiểu thâm dụng vốn đầu tư, tăng cung tín dụng, chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, giải ngân nhanh, thúc đẩy tín dụng, sử dụng hàng loạt các gói kích thích kinh tế... thì tăng trưởng chỉ trong ngắn hạn mà các rủi ro ngày càng phát sinh như: nợ xấu, bội chi, nợ công và không có nguồn lực tăng trưởng dài hạn.

Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, kết quả tăng trưởng GDP thể hiện mức độ nhạy cảm của nền kinh tế đối với quy trình sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Để gia tăng việc mở rộng tăng trưởng và giúp làm giảm tình hình biến động sản lượng kinh tế, Việt Nam cần phải có nhiều cuộc cải tổ, đặc biệt liên quan đến hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn nhà nước và sự ra đời các chính sách tài khóa.

Thế lưỡng nan

Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phân tích tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc điều hành kinh tế hiện nay. Vị chuyên gia khẳng định, chúng ta đã nhận ra những yếu điểm của cách thức tăng trưởng theo chiều rộng, tập trung vào đầu tư, khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, do tư duy quản lý, trình độ sản xuất, năng suất lao động... vẫn chưa cải thiện, cùng với những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư, chất lượng tăng trưởng thấp. Khi chưa có cách nào để thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, hay nếu nói lạc quan hơn, những cách thức tăng trưởng bằng năng suất lao động, công nghệ cao... chưa phát huy hiệu quả, để đạt được mục tiêu GDP, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài tăng vốn và khai thác thêm tài nguyên.

06-07_kt_gdp_u_tr-r_141436382.jpg

“Nếu năm nay tăng trưởng chỉ đạt 6,2-6,3% thì cũng sẽ tương đối khó khăn. Khi đó, nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới chi ngân sách. Trong bối cảnh cắt giảm chi thường xuyên chưa đạt được nhiều đột phá do những khó khăn trong tinh giản bộ máy, chi đầu tư phát triển sẽ bị giảm đi. Thứ hai, không tăng trưởng thì sẽ không tạo được việc làm. Đó là chưa kể chi phí cho các vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục... sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Vẫn phải duy trì mục tiêu tăng trưởng hợp lý 6,7% là vì vậy’’, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ phân tích.

Trong khi đó, theo vị chuyên gia, muốn thay đổi mô hình tăng trưởng, phải có thời gian và sự đột phá. Đó là cuộc cải cách rất quyết liệt, đụng chạm tới lợi ích của rất nhiều tầng lớp. Phải chịu đau nhưng liệu chúng ta có muốn chịu, hay thậm chí, có chịu nổi hay không? Nếu khai thác thêm dầu thô để thúc đẩy tăng trưởng GDP, giống như những gì chúng ta đã làm trong năm 2015, 2016, chứng tỏ các cấp quản lý vẫn đang lựa chọn một sự cầm cự an toàn, hơn là một giải pháp bền vững. Trong bối cảnh dư thừa cung lớn trên phạm vi toàn cầu, giá dầu bấp bênh ở mức thấp thì khai thác dầu khí không phải là giải pháp cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam sắp thoát khỏi “lời nguyền” tài nguyên và khả năng tiếp cận các nguồn vay nước ngoài của chúng ta cũng không còn dễ dàng như nhiều năm trước. Vậy chúng ta sẽ lấy gì để tiếp tục duy trì tăng trưởng?

Hoàng Hạnh - Nhịp cầu Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top