Xăng dầu, gas tăng giá: Lo ngại chuyện lấy cớ tăng giá theo

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trước lễ, gas tăng giá; ngay sau lễ, giá xăng dầu cũng đã nhích lên. Tuy chưa tới ngưỡng như những lần tăng giá trước đây nhưng vẫn khiến nhiều người lo ngại khi có cớ để các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo.

Theo ghi nhận, hiện tại dù giá xăng dầu tăng lên nhưng giá cước vận tải khách trong tỉnh hầu như vẫn chưa có biến động. Một số hãng xe như Phú Vĩnh Long, Huỳnh Đạt,…vẫn giữ ở mức giá cũ.

Theo Sở Giao thông Vận tải, thời gian qua, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp (DN) vận tải bằng ôtô đã thực hiện kê khai giảm giá khi giá nhiên liệu giảm, trong đó tất cả các đơn vị vận tải bằng ôtô chạy tuyến cố định, buýt, taxi thuộc diện bắt buộc kê khai.

Cụ thể, Hợp tác xã (HTX) Xe khách Vĩnh Long kê khai giảm giá cước từ 2,3- 3,7%; HTX Vận tải thủy bộ Long Hồ: tuyến xe buýt giảm 5%, tuyến cố định giảm từ 3- 4,76%; HTX Vận tải dịch vụ TP Vĩnh Long: tuyến xe buýt giảm 7,7%, xe hợp đồng tùy từng tuyến giảm 5,56%; HTX Vận tải thủy bộ Mang Thít: tuyến cố định giảm từ 4- 6,67%; HTX Vận tải thủy bộ Vũng Liêm: tuyến xe buýt giảm 6,25%; Công ty CP Vận tải ôtô Vĩnh Long: tuyến xe buýt giảm từ 5,26- 7,69%, tuyến cố định giảm từ 6,86- 6,94%; DNTN Phú Vĩnh Long giảm 2,7%; DNTN Kim Mã giảm 2%; DNTN Huỳnh Đạt: tuyến cố định giảm 3,41%; DNTN Minh Thịnh tuyến xe buýt giảm từ 3- 5,9%; Công ty Mai Linh tại Vĩnh Long giảm từ 1,91- 3,15%; Công ty CP Vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang: tuyến cố định giảm 4,8%.

Ông Huỳnh Tăng Luận- chủ DNTN Huỳnh Đạt cho biết: Xăng tăng giá khiến DN gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì mức giá cước cũ để đảm bảo cạnh tranh.

Theo ông Từ Văn Quân- Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải ôtô Vĩnh Long, thời gian qua, giá xăng biến động liên tục và việc điều chỉnh tăng giá xăng như hiện nay khiến DN đã gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, DN vẫn chưa tính đến việc điều chỉnh giá vé vì việc làm này liên quan đến nhiều khâu và cần áp dụng đúng trình tự thủ tục tương đối phức tạp. Quan trọng hơn cả là DN cần ổn định giá vé để đảm bảo cạnh tranh.

Một số chủ DN vận tải chia sẻ, giá xăng tăng thì lợi nhuận của DN sẽ giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá vé là rất khó. Thay vào đó, DN chủ động tăng chuyến, đảm bảo giờ các chuyến đi, đồng thời phục vụ tốt khâu chăm sóc khách hàng để giữ khách.

Theo ông Dương Hữu Phú- Giám đốc DNTN Phú Vĩnh Long, mặc dù giá xăng tăng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhưng để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng nên phía công ty vẫn quyết định giữ nguyên giá cước vận tải.

Tuy nhiên nếu giá xăng tăng cao và kéo dài DN buộc phải tăng giá cước theo bởi DN khó cầm cự nổi trong thời gian dài.

Thời gian qua, giá xăng tăng không riêng các DN vận tải chịu ảnh hưởng mà nó còn tác động hầu hết các loại hình kinh doanh khác. Trong đó, một số hàng hóa, dịch vụ cũng có xu hướng tăng theo giá xăng.

Và có một nghịch lý là khi giá xăng dầu tăng thì hàng hóa và dịch vụ cũng có cớ tăng theo, nhưng đến khi giá xăng giảm thì chưa có tác động nhiều đến thị trường. Giá các loại hàng hóa dịch vụ chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp từ việc tăng giảm giá xăng, dầu không có biến động tương ứng.

Chị Lê Hồng Hoa (Song Phú- Tam Bình) nói: “Hễ mỗi lần thấy gas, xăng dầu tăng giá là rầu vì sớm muộn gì thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ ăn uống, đi lại… cũng tăng giá theo và “treo” luôn ở đó, dù sau đó giá gas, xăng dầu có giảm lại.

Đáng nói là hiện chi phí hàng tháng đã cao vì cá, thịt, rau củ đều mắc. Nếu tăng giá nữa thì càng nặng gánh lo”.

Anh Lê Hoàng Nhanh- nhân viên Cửa hàng gas Phú Thuận (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: Các loại gas lên giá 6.000 đ/bình 12- 12,5kg từ 1/9 đến nay. Hiện Elf gas đỏ 12,5kg có giá 308.000 đ/bình, Saigon Petro đỏ 278.000 đ/bình 12kg, Total gas xám giá 271.000 đ/bình 12kg…

images1679469_tn_7.9_VAN_TAI.JPG

Mức giá này chỉ ở dạng trung bình. Còn nhớ khoảng 2 năm trước, có lúc gas tăng giá lên mức cao ngất ngưởng: 370.000- 400.000 đ/bình. Tuy nhiên, những đợt gas tăng giá như vầy, một số khách hàng cũng than. Nhất là những khách bán hàng ăn uống, mua số lượng nhiều khoảng 30 chục bình gas/tháng.

Theo ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hóa trên thị trường, dù nhìn vào thực tế, xăng, dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hóa, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

Ngoài những mặt hàng như xăng, điện hiện nay vẫn do Nhà nước định giá và giám sát theo hướng, tăng, giảm phải có ý kiến của liên bộ, thì hiện nay hầu hết các sản phẩm hàng hóa trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường.

Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung- cầu của thị trường. Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống.

Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm. Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường như: hàng tồn kho, các nhiên- nguyên- vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi,...

Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hóa biến động theo chiều hướng tăng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG - Báo Vĩnh Long​
 

Việc làm nổi bật

Top