Mở hướng hình thành ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan tự nâng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước đã đánh giá công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” có giá trị rất cao về công nghệ, được ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các công trình trọng điểm quốc gia. Công trình vừa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (KH và CN). Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đăng kiểm quốc tế, có khả năng tạo ra sản phẩm công nghiệp mới, chủ động sản xuất theo yêu cầu ngành khai thác dầu khí.

Giàn khoan tự nâng thực chất là giàn khoan khai thác di động ngoài khơi, tổ hợp các thiết bị phức tạp, có khả năng hoạt động độc lập trên biển thời gian dài, trong môi trường khắc nghiệt vẫn bảo đảm điều kiện an toàn tuyệt đối cho thiết bị và người lao động. Vì vậy, từ trước đến nay, giàn khoan tự nâng được xem là sản phẩm công nghệ cao của thế giới. Hiện một số nước có ngành công nghiệp đóng giàn khoan tự nâng dùng để khai thác dầu khí.

Tại Việt Nam, toàn bộ giàn khoan tự nâng trước đây đều phải nhập từ nước ngoài. Trước thực trạng này, nhóm kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả của Công ty cổ phần chế tạo Giàn khoan Dầu khí (Công ty PVShipYard) quyết định thực hiện công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” (Công trình giàn khoan Tam Đảo 03). Kỹ sư Phan Tử Giang cho biết, việc nghiên cứu, thiết kế giàn khoan tự nâng thành công sẽ mở hướng chủ động trong công tác chế tạo, phát triển ngành dầu khí. Tuy nhiên, ngay khi bắt tay vào việc nghiên cứu, nhóm gặp nhiều khó khăn về nhân sự, cơ sở hậu cần, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Lúc đó, Công ty PVShipYard mới được thành lập, cơ sở hạ tầng, nhân sự đều phải bắt đầu từ “con số không”, độ tuổi trung bình của các kỹ sư khoảng 28 tuổi, cho nên rất ít người tin rằng việc nghiên cứu sẽ thành công. Nhiều chuyên gia đã tư vấn, khuyên nhóm nghiên cứu nên dừng lại bởi dự án này quá sức so với khả năng của nhóm. Thêm vào đó, việc hoàn thiện hồ sơ mất nhiều thời gian và chính một số thành viên cũng bắt đầu nản chí, nghi ngờ khả năng thành công của dự án. Thế nhưng, nhóm kỹ sư tiếp tục nỗ lực, chủ động xin nguồn tài trợ từ nhiều phía, lần lượt tháo gỡ những vướng mắc, xử lý được yêu cầu kỹ thuật khắt khe về độ dung sai lắp ráp đồng bộ các thiết bị siêu trường, siêu trọng và lắp ráp ngoài khơi với nhiều rủi ro về điều kiện thời tiết… Nhờ đó, sau gần ba năm, việc chế tạo, lắp ráp và vận hành giàn khoan an toàn, bảo đảm tốt nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật với giá trị gần 200 triệu USD.

bf5a08a8619e040cfd8060e7e6d18046.jpg

Kỹ sư Phan Tử Giang cho biết, công trình giàn khoan tự nâng 90 m nước có tổng khối lượng thi công, lắp đặt hơn 12 nghìn tấn, hoạt động ở khu vực nước sâu tới 90 m và chiều sâu khoan 6,1 km dưới đáy biển, có thể làm việc trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sức gió tương đương cấp 12. Quá trình triển khai công trình đã góp phần đào tạo, xây dựng đội ngũ gồm 97 cán bộ, kỹ sư Việt Nam có trình độ thiết kế, chỉ huy thi công giàn khoan tự nâng, có khả năng đảm nhiệm nhiều công việc phức tạp trong việc đóng mới, hạ thủy, sửa chữa, nâng cấp… Tại triển lãm quốc tế lần thứ bảy về công nghệ đóng tàu, hàng hải và vận tải - Vietship 2014, Công ty PVShipYard đã được nhận giải thưởng “Sản phẩm tàu ngoài khơi tốt nhất” cho sản phẩm “Giàn khoan Tam Đảo 03”.

Theo GS Nguyễn Đông Anh, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), công trình là kết quả thực hiện 11 đề tài nghiên cứu KH và CN cấp Nhà nước đã được nghiệm thu, được ứng dụng thành công trên sản phẩm. Công trình đã được Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đưa vào sử dụng từ tháng 6-2012. Kết quả KH và CN của công trình đã đặt nền móng cho lĩnh vực công nghiệp đóng mới giàn khoan dầu khí tự nâng của Việt Nam; góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam. Đây là công trình có tính đột phá, chứng minh Việt Nam có đủ khả năng thiết kế chi tiết và chế tạo, thi công giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đánh giá từ các chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí cho thấy, thành công của công trình đã góp phần giảm sự phụ thuộc của ngành dầu khí vào các sản phẩm ngoại nhập (tỷ lệ nội địa hóa 34,6%); thúc đẩy ngành dầu khí trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ngay sau thành công của công trình giàn khoan Tam Đảo 03, nhóm kỹ sư đang tiếp tục chế tạo giàn khoan tự nâng 120 m nước (Tam Đảo 05) có giá trị 230 triệu USD, với tổng khối lượng thi công, lắp đặt lên đến 18 nghìn tấn, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu chín km, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão lên đến cấp 12. Đáng chú ý, ở công trình thứ hai này, các kỹ sư đã tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 40%, toàn bộ các khâu thiết kế, mua sắm máy móc, thi công… đều do người Việt Nam thực hiện, nhờ đó chi phí sản xuất giảm mà vẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế. TS Đỗ Quốc Quang, Viện Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, thành công của các dự án giàn khoan tự nâng đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có khả năng thiết kế, đóng mới các giàn khoan dầu khí tự nâng, từng bước xây dựng được cơ sở nhân lực, vật chất cho công tác này. Kết quả các nghiên cứu được phát huy trong việc hình thành ngành công nghiệp đóng giàn khoan thăm dò dầu khí trên biển của Việt Nam, mở ra một thị trường xuất khẩu.

Nhật Minh - Báo Nhân dân​
 

Việc làm nổi bật

Top