Nga giảm sản lượng dầu, Ukraine mua gas Pháp giá cắt cổ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nga cắt giảm dần sản lượng dầu mỏ của mình, giá dầu tăng khi châu Âu đối mặt giá rét kỷ lục, Pháp bắt đầu bán khí đốt cho Ukraine.

Bloomberg, Reuters dựa vào những nguồn tin thân cận về năng lượng lần lượt thông báo, Nga đang cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong đầu tháng 1/2017 với số lượng khoảng 100.000 thùng/ngày.

Từ 1-8/1, sản lượng dầu và khí đốt của Nga đạt trung bình 11,1 triệu thùng/ngày. Số liệu này đã giảm từ mức 11,21 triệu thùng/ngày trong tháng 12 và mức 11,247 triệu thùng/ngày trong tháng 10, điểm bắt đầu thỏa thuận giảm sản lượng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC.

Việc cắt giảm sản lượng ở Nga được thực hiện trong bối cảnh giá rét ở Nga và tại trung tâm sản xuất dầu Tây Siberia, nơi nhiệt độ xuống khoảng âm 60oC.

Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết mức mục tiêu sản lượng của Nga là 10,947 triệu thùng/ngày sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Ông cũng cho biết rằng Nga có kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ 200.000 thùng/ngày trong quý 1 và sau đó cắt giảm 300.000 thùng/ngày, như đã thỏa thuận với OPEC trong tháng 12/2016.

Nhiều nhà phân tích vẫn dự kiến sản lượng dầu mỏ của Nga tăng trong năm 2017 và đạt được mức cao kỷ lục do các giếng mới sắp đi vào hoạt động.

Hãng phân tích JBC Energy cho rằng, "chúng tôi dự kiến sản lượng dầu thô và sản phẩm ngưng tụ chỉ sụt giảm dần dần từ những mức sản lượng đáng kể trong quý 4/2016, và đạt được mức cắt giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày đã thông báo vào cuối tháng 6/2017... Tuy nhiên so theo năm, chúng tôi vẫn thấy sản lượng của Nga tăng 170.000 thùng/ngày lên trung bình 11,14 triệu thùng/ngày trong năm 2017”.

Hồi cuối tháng 11/2016, tại Vienna (Áo), các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ trên toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2001. Theo thỏa thuận này, kể từ ngày 1/1/2017, OPEC sẽ giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày.

nga-giam-san-luong-dau-ukraine-chiu-mua-gas-phap-cat-co_1425982.jpg

Sau đó, ngày 10/12/2016, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn không thuộc OPEC đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ trên thế giới. Theo đó, mức cắt giảm của Nga và các nước sản xuất dầu khác ngoài OPEC là 558.000 thùng/ngày.

Phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Iraq - ông Assem Jihad ngày 5/1 cho hay, quốc gia Trung Đông này đã cắt giảm sản lượng 200.000 thùng dầu/ngày theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Hiện sản lượng dầu của Iraq đã giảm từ mức trên 4,8 triệu thùng/ngày xuống khoảng 4,6 triệu thùng/ngày.

Châu Âu giá rét, mua dầu giá cao

Thông tin Nga và một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cắt giảm sản lượng đã giúp ổn định thị trường dầu và vực dậy giá dầu vốn đã giảm hơn một nửa từ mức đỉnh điểm hồi giữa năm 2014. Trong thời điểm đầu năm 2017, khi châu Âu đang đón đợt không khí lạnh kỷ lục, khả năng giá dầu tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế đang gặp nhiều bất ổn này trong năm 2016.

Một điều đặc biệt nữa là Ukraine đang bắt đầu mua khí của Pháp. Ukraine trước đây là cửa ngõ của mạng lưới vận chuyển khí đốt từ Nga qua các nước châu Âu. Kể từ khi Nga chính thức sáp nhập bán đảo Ukraine tới nay, Ukraine đã tự đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm tách biệt hoàn toàn các lợi ích với Moscow, trong đó có việc cấm quá cảnh dầu khí qua quốc gia này và thậm chí còn là ngừng mua dầu khí của Nga.

Hôm 13/1, Sputnik thông tin, Công ty năng lượng khổng lồ của Pháp Engie đã bắt đầu bán 3,9 triệu m3 khí đốt cho Ukraine kể từ những ngày đầu tháng 1. Trước đó, Kiev tính trả tiền cho mỗi 1.000 m3 khí đốt từ EU với giá 230 USD, đắt hơn gần 20% so với mức giá mà họ có thể trả cho Nga.

Hôm thứ Năm, thông cáo báo chí từ công ty Ukrtransgaz của Ukraine cho biết thông tin trên. Công ty Engie của Pháp trước đó cho hay có khả năng sẽ bơm khoảng 0,4 triệu m3/ngày thông qua các đường ống dẫn Hermanowice ở phía đông nam Ba Lan.

Trước đó, công ty dầu khí Nhà nước Nga, Gazprom đã đề xuất mức giá thấp hơn là 186 USD/nghìn m3, thấp hơn mức mà Nga bán cho các nước châu Âu. Tuy nhiên, thôi thúc ý chí về một nền kinh tế tách biệt hẳn với Nga khiến Ukraine hy vọng rằng sẽ được mua dầu khí của châu Âu với mức giá viện trợ.

Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lương hưu hàng tháng của Ukraine trung bình vào khoảng 74USD/tháng. Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng, một gia đình trung bình sẽ chi phí 40USD cho các tiện ích về năng lượng vào mùa hè và với mùa đông năm nay sẽ mất khoảng 110 USD. Người dân ở Ukraine sẽ thực sự khó khăn để trả các hóa đơn trong mùa đông lạnh như vậy.

Đầu tuần này, tờ báo hàng ngày của Đức Die Tageszeitung đã viết rằng một mùa đông lạnh bất ngờ cũng sẽ khiến Ukraine lo lắng về trữ lượng dầu khí của nước này có thể cạn kiệt trước khi hết mùa đông. Tuần trước, Ukraine tăng lượng tiêu thụ khí đốt của mình đến 100 triệu m3/ngày, gấp đôi khối lượng bình thường trong mùa đông.

Tờ báo Die Tageszeitung đánh giá rằng, nếu giá rét tiếp tục, dự trữ của Ukraine sẽ có thể hết sạch trong vòng 2 tháng và lại một lần nữa ép Ukraine đưa cánh tay cầu cứu tới Nga, ràng buộc lợi ích đối với châu Âu.

Báo chí Ukraine cho hay, các thị trấn nhỏ của Slavuta ở miền tây Ukraine đã ghi nhận sự cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt một nửa so với nhu cầu thực sự của họ. Tuy nhiên, đây chỉ là dựa vào các con số thống kê. Không rõ, người dân Ukraine chỉ đơn giản là tắt khí đốt để chuyển sang lò sưởi bằng gỗ thông thường hay họ thực sự bị cắt mất nguồn khí đốt mà buộc phải dùng cách sưởi ấm truyền thống.

Đông Phong - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top