Người mua xăng chịu thiệt đủ kiểu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây đã có văn bản gửi liên bộ Công Thương - Tài chính báo cáo về việc tính nhầm giá cơ sở dẫn tới tính thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng xăng dầu.

Tính sai thuế

Petrolimex phản ánh trong ba kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn tính giá cơ sở theo quy định cũ. Trong khi đó, thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu phải được tính theo Nghị định 100 có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016.

Chính vì tính theo cách cũ đã khiến giá cơ sở xăng thấp hơn so với việc nếu tính bằng công thức mới. Mức chênh lệch này vào khoảng 185 đồng/lít, trong đó khoản thuế TTĐB bị tính thiếu là 165 đồng/lít. Nói cách khác, phương án điều hành giá xăng dầu ở ba kỳ trên đã bị tính thiếu khoảng 185 đồng/lít, dẫn đến biên độ điều chỉnh giảm giá xăng không chính xác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Bộ Tài chính chậm ban hành thông tư hướng dẫn về cách tính thuế TTĐB. Cụ thể, Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng mãi đến ngày 12-8 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 130/2016 hướng dẫn. Việc chậm trễ này khiến các doanh nghiệp cho rằng mình bị thiệt về thuế trong giá xăng dầu.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thực chất công ty xăng dầu không chịu thiệt mà chính người tiêu dùng mới lãnh đủ. Đơn cử các doanh nghiệp nhập khẩu xăng vẫn được sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít.

Thuế đánh vào “của để dành” cửa người mua

Theo Nghị định 100 đối với mặt hàng xăng dầu, giá bán ra hiện nay được quy định gồm: Giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, quỹ bình ổn, thuế giá trị gia tăng, thuế TTĐB…Nghĩa là thuế TTĐB (10%) theo cách tính mới sẽ được tính trên tổng các loại thuế phí khác.

Một chuyên gia lĩnh vực xăng dầu cho rằng cách tính thuế TTĐB mới sẽ tạo gánh nặng lên người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế và phí. Việc thay đổi cách tính thuế TTĐB khiến giá xăng tăng thêm khoảng 100-200 đồng/lít so với cách tính trước đây.

Điều khiến nhiều người bức xúc hơn là tại sao lại đánh thuế TTĐB khoản trích lập quỹ bình ổn - được sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu có biến động lớn. Bởi đánh thuế vào quỹ bình ổn giá xăng dầu chính là đánh thuế tiền để dành của dân. Với cách tính này, người mua xăng vừa mất 300 đồng/lít để nộp vào quỹ bình ổn lại vừa mất thêm tiền thuế cho chính khoản tiền dự phòng của mình.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng việc đưa quỹ bình ổn xăng dầu, lợi nhuận định mức vào giá tính thuế TTĐB là bất hợp lý, như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Thuế chồng thuế là không có lợi cho người tiêu dùng.

11-chot-llte-1475280324452.jpg

“Có thể Nhà nước sẽ thu được một khoản nào đó. Doanh nghiệp phải hy sinh quyền lợi của mình để đưa thuế vào. Nhưng rõ ràng thuế chồng thuế thì giá bán ra tăng. Giá bán ra tăng thì người tiêu dùng bị thiệt. Nghĩa là nó không bảo vệ cho quyền lợi của đại đa số người mua xăng” - ông Ruệ nêu quan điểm.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận lâu nay Bộ Tài chính vẫn cho rằng thuế TTĐB là đánh vào người tiêu dùng nên làm căn cứ giá tính thuế phải là giá bán. Vì thế những đợt điều chỉnh giá xăng vừa rồi, khi áp dụng cách tính thuế TTĐB theo nghị định mới đã đẩy giá xăng tăng lên.

“Với mức chênh lệch 100-200 đồng/lít do cách tính thuế TTĐB đã làm cho người dân phải chịu. Đáng ra chúng ta nên bỏ thuế TTĐB với xăng dầu để giảm gánh nặng cho người dân, kích thích sản xuất” - ông Long kiến nghị.

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, nói giá tính thuế TTĐB theo quy định mới là nhằm đảm bảo công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, chống chuyển giá. Tuy nhiên, với đặc thù mặt hàng xăng, giá tính thuế này không nên bao gồm quỹ bình ổn. Hiện vụ này đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về vấn đề tính thuế TTĐB cho xăng.

Theo Trà Phương
Pháp luật TPHCM​
 

Việc làm nổi bật

Top