Nhà đầu tư mạo hiểm đặt cược vào giá dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thống đốc các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới từ lâu đã hiểu rằng chỉ một vài phát ngôn đúng thời điểm của họ cũng có sức nặng như đòn bẩy thực sự làm thay đổi chính sách tiền tệ. Đó chính là bài học lớn mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Ả Rập Xê út đã áp dụng trên thị trường dầu mỏ.

Chỉ một vài tuyên bố ngắn ngủi từ Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Khalid al-Falih mới đây đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm đặt cược vào khả năng giá dầu tăng, qua đó kéo thị trường phản ứng tích cực hơn và xoa dịu những lo ngại về tình trạng nguồn cung vượt quá nhu cầu.

Sau lời kêu gọi từ Venezuela đối với các nhà sản xuất “vàng đen” lớn trong khối OPEC về ý tưởng đóng băng sản lượng, ông Khalid al-Falih cho biết, Ả Rập Xê út sẵn sàng thảo luận về bất kỳ động thái cần thiết nào để ổn định giá dầu mỏ khi các bộ trưởng OPEC nhóm họp bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế tại Algeria vào tháng tới.

Với vị thế được coi là “Ngân hàng Trung ương” trên thị trường dầu mỏ của Ả Rập Xê út, hiện có hai luồng ý kiến trái ngược về khả năng can thiệp của Ả Rập Xê út nói riêng và OPEC nói chung. Hầu hết các nhà quan sát OPEC trong nhiều năm qua cho rằng, sẽ không có thỏa thuận chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp tại Algeria sắp tới, ngay cả khi các nền kinh tế đang phụ thuộc vào “vàng đen” phải vật lộn sau giai đoạn hai năm giá dầu sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai đến từ các nhà giao dịch, khi rất nhiều trong số họ vẫn giữ quan điểm rằng, OPEC đã phải chịu quá nhiều “nỗi đau” từ giá dầu thấp và cuối cùng thì họ cũng sẽ phải thực hiện điều gì đó để giải quyết những khó khăn này.

Nỗ lực tiên phong giành thị phần dầu mỏ của Ả Rập Xê út thông qua việc tăng sản lượng bất chấp giá dầu thấp đang bắt đầu cho thấy những tín hiệu phát huy hiệu quả. Sản lượng dầu mỏ của OPEC đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, trong khi nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài khối dự kiến sẽ giảm đáng kể trong năm nay.

05_BRGI.jpg

Ann-Louise Hittle, nhà phân tích trưởng tại Wood Mackenzie nhận định: “Chỉ bằng một tuyên bố ám chỉ khả năng đóng băng sản lượng, Ả Rập Xê út đã giúp trấn an thị trường, trong bối cảnh quá trình tái cân bằng trên thị trường dầu mỏ vẫn đang tiếp diễn”. Tuyên bố của Ả Rập Xê út đã kéo giá dầu Brent Biển Bắc tăng tới 10% và vẫn duy trì mức tăng tích cực trong những phiên gần đây.

Rào cản lớn nhất để Ả Rập Xê út đưa ra các quyết định táo bạo hơn là mối quan hệ với Iran, một “đối thủ” và cũng là thành viên khác trong OPEC. Ả- Rập Xê út luôn khẳng định, họ sẵn sàng cân nhắc bất kỳ điều gì để cân bằng thị trường, bao gồm việc cắt giảm sản lượng, miễn là các nhà cung cấp “vàng đen” lớn khác cũng thực thi những động thái tương tự.

Nga, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC, từng nhất trí đóng băng sản lượng trong cuộc họp tháng Tư vừa qua tại Doha, song Ả Rập Xê út đã hủy bỏ thỏa thuận này vào phút chót khi Phó Thái tử Mohammed bin Salman quyết định rằng, sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có Iran tham gia. Tuy nhiên, lập trường của Tehran đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng, khi Iran đang muốn tăng sản lượng để nhanh chóng mở rộng và giành lại thị phần đã mất, sau khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Iran muốn đưa sản lượng dầu mỏ của nước này lên 4,6 triệu thùng/ngày trong vòng 5 năm tới, cao hơn đáng kể so với mức hiện tại 3,6 triệu thùng/ngày. Hiện Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết, ông vẫn chưa quyết định sẽ tham dự cuộc họp tại Algeria vào tháng 9 tới hay không.

Nhà phân tích Amrita Sen tại Trung tâm Tư vấn năng lượng Energy Aspects nhận định: “Iran sẽ vẫn là một ‘hòn đá tảng’ ngăn chặn bất kỳ ý định phá bỏ trần sản lượng nào”. Nếu đàm phán thất bại, thị trường cũng không nên loại bỏ hoàn toàn khả năng Ả Rập Xê út sẽ từ bỏ và tiếp tục tăng sản lượng trở lại ở mức bằng hoặc thậm chí cao hơn cả kỷ lục 10,7 triệu thùng trong tháng 7 vừa qua.

Việt Khoa - ĐTCK (Theo báo chí nước ngoài)​
 

Việc làm nổi bật

Top