Nhiều ông lớn họ Dầu khí, Than, Hoá chất "phớt lờ" công bố thông tin

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dù có thực hiện chế độ báo cáo thông tin về tình hình doanh nghiệp (DN) Nhà nước nhưng hầu hết DN thực hiện nửa vời. Đáng chú ý, nhiều công ty con 100% vốn thuộc Tập đoàn Nhà nước vẫn chưa chịu công bố thông tin dù thời điểm bắt buộc công bố đã qua hơn 1 năm (kể từ tháng 11/2015).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ về kết quả công bố thông tin của các doanh nghiệp Nhà nước là các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ, ngành và địa phương quản lý theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ban hành tháng 9/2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 11/2015 của Chính phủ.

Đáng nói, tình trạng phớt lờ lệnh của Chính phủ vẫn xảy ra với một số DN lớn. Cụ thể, đến ngày 31/12/2016, mới có 241/620 DN (chiếm 38,87% số DN) gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT, thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.

Vietsovpetro%202_zpsnmjuxhvm.jpg

Còn lại khoảng 380 DN (hơn 60% số DN) chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các công ty thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi thuộc DN Nhà nước; doanh nghiệp là các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.

Đặc biệt, dù có nhiều lần Chính phủ ra văn bản chỉ đạo đúc thúc song nhiều công ty con do công ty mẹ (là các tập đoàn lớn) nắm 100% vốn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp) vẫn chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP Nghị định 81/2015/NĐ-CP được ban hành tháng 9/2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 11/2015.

Một thực trạng khác được Bộ KH&ĐT chỉ ra là hầu hết các DN, tập đoàn Nhà nước không thực hiện báo cáo đầy đủ theo quy định của Chính phủ. Theo Nghị định số 81, các DN phải nộp đầy đủ 9 loại báo cáo nhưng thực tế trung bình các DN chỉ nộp 4/9 báo cáo, còn lại vẫn để trống.

Đến cuối năm 2016, trong số 41 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc diện phải thực hiện công bố thông tin, hầu hết các DN đã tuân thủ song báo cáo không đầy đủ và không đúng thời hạn yêu cầu.

Chỉ có 2/41 DN thực hiện báo cáo đầy đủ và nghiêm túc về thời hạn, nội dung (9/9 báo cáo) là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, TCT Xây dựng số 1 (Bộ Xây Dựng).

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM: Việc chậm trễ báo cáo và công bố tình trạng hoạt động kinh tế, kế hoạch, đầu tư phát triển cho thấy đây tiếp tục là điểm nghẽn lớn liên quan đến hiệu quả điều hành và tư duy quản lý của ông lớn Nhà nước.

"Nhà nước muốn quản lý, nắm bắt hiện trạng các DN này để thực hiện các kế hoạch cổ phần hoá, tái cơ cấu hay đo lường sức khỏe của khu vực này, hiện cũng khá mất thời gian. Điều này do chậm trễ từ hệ thống quản lý và cách thức vận hành của nhiều DN. Nhiều DN không có hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, không có chiến lược và kế hoạch phát triển tầm trung và dài hạn nên khi bị áp đặt các quy định báo cáo thì hoặc làm cho có hoặc là phớt lờ, chậm trễ, kéo dài thời gian thực thi, gây tổn hại cho các kế hoạch của Chính phủ", TS Cung nói.

Theo thông tin, Bộ KH&ĐT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương chưa thực hiện khẩn trương hoàn thiện báo cáo công bố thông tin gửi về Bộ KH&ĐT theo đúng quy định.

Nhưng trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện áp dụng xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trong đó có hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, phạt tiền theo quy định từ 5 đến 15 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ, không chính xác, chậm công bố báo cáo tài chính doanh nghiệp, chế độ tiền lương...

Nguyễn Tuyền - Dân Trí​
 

Việc làm nổi bật

Top