OPEC cắt giảm sản lượng, cổ phiếu dầu khí có tăng?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các nước trong và ngoài nhóm OPEC (tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) mới đây đã đạt được thỏa thuận đột phá liên quan đến việc cắt giảm sản lượng.

Theo đó, tình trạng dư cung trên thị trường dầu thô sẽ giảm bớt, thậm chí có thể chuyển sang trạng thái thiếu hụt trong năm 2017. Đây là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho cổ phiếu ngành dầu khí trong thời gian tới.

Thỏa thuận đột phá của OPEC

Hai tuần qua là quãng thời gian chứng kiến nhiều biến động tích cực của giá dầu thế giới. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các cuộc nhóm họp của các nước trong và ngoài OPEC liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đầu tiên là cuộc họp của OPEC diễn ra vào ngày 30-11-2016 tại Vienna, Áo.

44a32_opec_cat_giam....jpg

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, các nước thuộc nhóm này đã đi đến thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày (tương đương khoảng 1% sản lượng toàn cầu), đưa tổng sản lượng sản xuất của OPEC về mức 32,5 triệu thùng/ngày với thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 1-1-2017. Ba nước đồng ý cắt giảm sản lượng lớn nhất lần lượt là Ảrập Saudi với 486.000 thùng/ngày; Iraq với 210.000 thùng/ngày; Iran với 178.000 thùng/ngày. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng sáu tháng và có thể kéo dài thêm sáu tháng nữa dựa trên tình hình thực tế.

Và mới đây nhất, trong cuộc họp cuối tuần qua (10-12-2016), các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn ngoài OPEC cũng đã đạt được thỏa thuận cắt giảm khoảng 558.000 thùng dầu mỗi ngày. Trong đó, riêng Nga sẽ cắt giảm khoảng 300.000 thùng/ngày từ mức 11,2 triệu thùng/ngày hiện nay. Mexico cam kết cắt giảm 100.000 thùng/ngày; Azerbaijan cắt giảm 35.000 thùng/ngày; Oman cắt giảm 40.000 thùng/ngày... Mức cắt giảm 558.000 thùng/ngày như trên được đánh giá là ít hơn mục tiêu ban đầu mà các nước này đề ra (giảm khoảng 600.000 thùng/ngày), tuy nhiên đây vẫn được xem là động thái tích cực của các nước ngoài OPEC trong nỗ lực phối hợp với các nước trong OPEC nhằm bình ổn và hỗ trợ cho giá dầu thế giới.

Sau hai thỏa thuận mang tính đột phá trên, ngay lập tức giá dầu Brent đã bật tăng 15%, có lúc lên mức gần 55 đô la Mỹ/thùng. Đây cũng là mức giá cao nhất của mặt hàng này kể từ tháng 10 năm ngoái.

Yếu tố hỗ trợ mạnh cho cổ phiếu dầu khí


Sau hai thỏa thuận cắt giảm trên, tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ sẽ tạm thời được giải quyết. Theo báo cáo mới nhất vào tháng 10-2016 của OPEC thì nhu cầu dầu thô của toàn thế giới trong năm 2016 ở mức 94,4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2017 dự kiến nhu cầu sẽ tăng thêm 1,15 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 95,55 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ trong tháng 9-2016 đạt trung bình 96,4 triệu thùng/ngày.

ee6a5_2_405.jpg

Như vậy, nếu sản lượng sản xuất vẫn được duy trì như trong tháng 9-2016 thì cung sẽ vượt cầu 2 triệu thùng/ngày trong năm 2016 và 850.000 thùng/ngày trong năm 2017. Việc các nước trong OPEC cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày và ngoài OPEC cắt giảm 558.000 thùng/ngày sẽ giúp lượng cung dầu giảm 1,758 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1-1-2017.

Trường hợp nếu nhu cầu dầu mỏ trong 2017 không tăng mà vẫn giữ nguyên như 2016 thì cung chỉ vượt cầu 242.000 thùng/ngày. Nếu nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng 1,15 triệu thùng/ngày (như dự kiến) trong năm 2017 thì cung dầu mỏ sẽ ít hơn cầu khoảng 908.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, một số rủi ro vẫn hiện hữu sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Thứ nhất, hiện vẫn chưa thấy động thái cắt giảm hay đóng băng sản lượng của Mỹ cũng như của Trung Quốc. Hai quốc gia này chiếm lần lượt 14,2% và 4,3% tổng cung dầu của thế giới.

Nếu sắp tới Mỹ tăng sản lượng sản xuất (dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy riêng trong tuần qua, số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã tăng tới 21 giàn, lên mức 498 giàn) thì những nỗ lực của khối OPEC cũng như một số nước khác sẽ không có kết quả.

Thứ hai, hiện thỏa thuận của OPEC chỉ là một thỏa thuận trong ngắn hạn. Thứ ba, mọi nỗ lực của các bên hiện đều chỉ nhằm mục đích chính là giảm dư cung và đưa giá dầu về một mức hợp lý, các bên cùng có lợi (khoảng 60-70 đô la Mỹ/thùng) chứ giá dầu khó có thể về mức cao như trước đây (trên 100 đô la Mỹ/thùng).

Mặc dù vậy, về tổng thể, các doanh nghiệp ngành dầu khí chắc chắn sẽ là đối tượng được hưởng lợi từ diễn biến mới này. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu trong ngành này như GAS, PVD, PVS... chưa thật sự có diễn biến tích cực rõ nét kể từ ngày 30-11 cho đến nay do nhà đầu tư còn nghi ngờ về khả năng hồi phục bền vững của giá dầu thô thế giới.

Nhìn chung, các doanh nghiệp dầu khí sẽ vẫn khó tránh khỏi một năm kinh doanh ảm đạm nhưng với những tín hiệu dần khởi sắc của mặt hàng dầu thô, đặc biệt là sau quyết định cắt giảm sản lượng đột phá của các nước trong và ngoài OPEC, nhiều khả năng thời điểm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp dầu khí đã qua. Yếu tố kỳ vọng luôn đi trước sự chuyển biến thật của kết quả kinh doanh. Do vậy, sẽ không bất ngờ nếu cổ phiếu dầu khí trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong quí 1-2017.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top