OPEC không còn kiểm soát được giá dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Sự bùng nổ mạnh mẽ dầu đá phiến của Mỹ đang là một trong những nguyên nhân khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hết thời.

opec_sozr.jpg

Khả năng chi phối to lớn lên giá dầu của OPEC trong nhiều thập niên qua là vô song, nhưng có lẽ thời huy hoàng đó sẽ không còn kéo dài được lâu vì cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ.

“Ả Rập Xê Út và OPEC không còn khả năng kiểm soát được giá dầu nữa. Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã làm thay đổi thị trường. Các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể bơm dầu ngay cả trong thời kỳ giá dầu xuống thấp”, Douglas Rachlin, Giám đốc điều hành Neuberger Berman’s Rachlin Group, cho biết tại Hội nghị SkyBridge Alternatives Conference (SALT) diễn ra ở Las Vegas (Mỹ) hôm 17.5.

Theo CNN, vào đầu tháng này, OPEC đã phải gửi một yêu cầu nhằm đề nghị Mỹ ngưng bơm quá nhiều dầu. Lời phàn nàn được đưa ra sau khi các nhà sản xuất của Mỹ đã cung cấp lượng lớn dầu đá phiến ra thị trường, đặc biệt là ở Permian Basin, khu vực thềm đá phiến nằm ở phía tây Texas và phía đông nam New Mexico, khiến khả năng bình ổn giá dầu của OPEC giảm sút.

“Thực tế Mỹ đang là nhà sản xuất dầu có quyền lực hiện nay”, Michael Hintze, tỉ phú sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm CQS, nói tại Hội nghị SALT. Ông Hintze cũng chỉ ra rằng cùng với điều kiện địa chất thuận lợi từ tự nhiên cho phép nhiều lớp đá phiến dễ dàng bị va đập và bẻ gãy để giải phóng dầu kẹt ở bên trong, các nhà sản xuất dầu ở Permian Basin còn sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm chi phí khoan dầu vốn tốn kém.

Được biết trong những ngày gần đây, OPEC đã tìm cách trấn an tinh thần các nhà đầu tư. Ả Rập Xê Út và nước ngoài OPEC Nga đã đẩy giá dầu lên cao sau khi cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì” cần thiết để hỗ trợ thị trường, bao gồm cả việc mở rộng sản lượng cắt giảm cho đến tháng 3.2018.

Tuy nhiên, ông Hintz cho biết Ả Rập Xê Út “không thể là nhà sản xuất có khả năng chi phối giá dầu được nữa vì tình hình tài chính của nước này”, đặc biệt khi Ả Rập Xê Út đang tập trung phần lớn tiềm lực để thực hiện một chương trình đầy tham vọng có tên “Vision 2030” nhằm tìm cách phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng nền kinh tế.

“Hy vọng đến năm 2030, tôi sẽ không còn phải quan tâm đến giá dầu cho dù giá dầu lúc đó chìm xuống chỉ còn ở mức số không”, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Mohammed Al Jadaan nói với CNN.

Song một yếu tố khác cũng đang góp phần làm mất dần ngôi vị quyền lực trong thị trường dầu mỏ của OPEC chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Chính quyền Mỹ đang hỗ trợ rất nhiều cho ngành dầu mỏ”, ông Rachlin nói. Ví dụ cụ thể là Rex Tillerson, cựu Giám đốc Exxon Mobil, đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và Rick Perry, cựu Thống đốc bang Texas, trở thành Bộ trưởng Năng lượng Mỹ. Nhưng ông Rachlin cũng thừa nhận rằng những rắc rối gần đây của Tổng thống Trump có thể sẽ gây ra sự thay đổi không chỉ trong môi trường chính trị mà còn tác động đáng kể đến cả thị trường năng lượng này.

Phương Anh - Báo Thanh Niên​
 

Việc làm nổi bật

Top