OPEC sắp họp để bàn việc có cắt giảm sản lượng

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ họp vào ngày 4-12 để thảo luận về vấn đề sản lượng trong bối cảnh các nước thành viên “than vãn” về giá dầu thấp. Việc OPEC có đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp này hay không đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường.

Vào cuối năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Saudi Ali al-Naimi từng nói ngay cả khi giá dầu giảm xuống còn 20 đô la Mỹ/thùng, Ả-rập Saudi cũng sẽ không cắt giảm sản lượng, vì việc cắt giảm sản lượng không phù hợp với lợi ích chung của OPEC. Chi phí sản xuất dầu của Ả-rập Saudi cao nhất chỉ từ 4-5 đô la Mỹ/thùng.

Vào tháng 10-2015, Công ty đầu tư Jadwa phát hành báo cáo cho biết kể từ tháng 7-2016, sản xuất dầu thô của Ả-rập Saudi đạt 10,36 triệu thùng/ngày - tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo dự báo trong thời gian ngắn sắp tới, sản lượng dầu thô của Ả-rập Saudi vẫn sẽ duy trì ở mức này.

585a0_20151126094822732.jpg

Báo Financial Times dẫn lời nhà phân tích hàng hóa hàng đầu của Saxo Bank, ông Ole Hansen, cho biết: ”Tại cuộc họp của OPEC vào ngày 4-12, các nước thành viên không muốn nhìn thấy giá dầu xuống dưới 40 đô la Mỹ/thùng, chúng tôi tin rằng Ả-rập Saudi sẽ "can thiệp bằng lời nói", như đã từng làm trước đây. Việc để giá dầu tăng lên thực sự là một cuộc chiến với thời gian, đợi nhu cầu tăng lên để tiêu thụ nguồn cung dư thừa".

Nga và Ả-rập Saudi sẽ lập nhóm làm việc chung thúc đẩy đối thoại giữa các nước sản xuất dầu lớn

Việc Ả-rập Saudi thực hiện chiến lược không cắt giảm sản lượng, ngoài vấn đề phải cạnh tranh với các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ, Ả-rập Saudi còn phải cạnh tranh với Nga giành thị trường Trung Quốc. Vào tháng 4-2015, Trung Quốc vượt Mỹ thành nước nhập khẩu ròng dầu thô lớn nhất thế giới và là địa bàn xuất khẩu truyền thống của Ả-rập Saudi. Nhưng trong tháng 5-2015, Nga đã vượt Ả-rập Saudi trở thành nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Điều này là không thể chấp nhận với Ả-rập Saudi. Sau cuộc cạnh tranh khốc liệt, Ả-rập Saudi giành lại vị trí nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 10-2015.

Ngày 26-11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Nga và Ả-rập Saudi sẽ lập nhóm làm việc chung đặc biệt để thúc đẩy đối thoại về năng lượng giữa các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Ông Novak cho biết việc tham khảo ý kiến giữa OPEC và các nước sản xuất dầu khác ngoài OPEC là rất "quan trọng" và Nga sẵn sàng tiếp tục hợp tác trong quá trình này.

Nga không phải thành viên OPEC nhưng ngân sách của nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Nga hiện đang chống lại việc cắt giảm sản lượng, một phần do nước này đang rơi vào cuộc chiến giành thị phần, cắt giảm sản lượng đồng nghĩa với việc phải nhường thị phần.

Hiện, Nga chiếm khoảng 12% sản lượng dầu toàn cầu, trong khi Ả-rập Saudi là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Giá dầu sẽ không phục hồi về mức trước đây

Tuy nhiên, ngày 26-11, Bloomberg dẫn lời cố vấn kinh tế cấp cao của HSBC Stephen King nói ngay cả khi Ả-rập Saudi cắt giảm sản lượng, giá dầu vẫn sẽ không phục hồi về mức trước đây vì nền kinh tế Trung Quốc suy giảm dẫn đến sự sụt giảm trong nhu cầu dầu - yếu tố quan trọng khiến giá dầu giảm mạnh. Trong lịch sử, người ta có thể thấy giá dầu có liên quan chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Chẳng hạn như vào những năm 1980, Ả-rập Saudi cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu không tăng.

Ngày 26-11, giá dầu giảm sau 6 ngày tăng liên tục do lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung Đông lắng dịu, trong khi giới đầu tư tập trung vào tình trạng dư cung toàn cầu. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga đã đẩy giá dầu tăng do lo ngại căng thẳng địa chính trị có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu tại Trung Đông. Nhưng đến ngày 26-11, mối lo ngại này đã lắng dịu trong khi sản lượng dầu toàn cầu vẫn ở mức kỷ lục và đô la Mỹ tăng lên gây áp lực lên giá dầu.

Đóng cửa giao dịch ngày 26-1 tại London, giá dầu Brent giao tháng 1-2016 giảm 71 cent/thùng, xuống còn 45,46 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu Brent đã giảm hơn 8% kể từ đầu tháng 11-2015 và giảm 20% kể từ đầu năm.

Cùng ngày, giá dầu WTI giao tháng 1-2016 tại Mỹ giảm 53 cent/thùng, đóng cửa ở mức 42,51 đô la Mỹ/thùng.

Các nhà phân tích dự báo OPEC sẽ tiếp tục bơm dầu với tốc độ hiện nay trong cuộc họp ngày 4-12 để bảo vệ thị phần dù có lo ngại giá dầu có thể giảm xuống còn 20 đô la Mỹ/thùng.

 

Việc làm nổi bật

Top