Petrolimex chốt lên sàn giữa tháng 4/2017, dự kiến lọt top 10 vốn hóa

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Petrolimex sẽ lên sàn chứng khoán vào giữa tháng 4/2017 với kỳ vọng giá chào sàn tương đương mức giá giao dịch trên thị trường OTC hiện đang dao động quanh mức 40.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Petrolimex sẽ lọt danh sách 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Theo thông tin từ ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Petrolimex đã chọn ngày lên sàn vào khoảng từ ngày 10 – 12/4, khác với dự định trong quý I trước đó. Ông Bảo cũng cho biết, Petrolimex vẫn chưa chốt giá chào sàn, nhưng kỳ vọng sẽ ở quanh giá trị giao dịch trên thị trường OTC.

vnf-petrolimex-2.jpg

Theo một báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đơn vị tư vấn niêm yết cho Petrolimex, mức giá cổ phiếu PLX của Petrolimex trên thị trường OTC đang dao động quanh mức 40.000 đồng/cổ phiếu. Nếu lên sàn, Petrolimex sẽ lọt vào danh sách 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường với giá trị tạm tính khoảng 2,3 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho biết, Petrolimex kỳ vọng sẽ chỉ có một nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam. Hiện JX Nippon Oil & Energy đang sở hữu 8% cổ phần của Petrolimex. Petrolimex muốn cổ đông chiến lược này gia tăng tỷ lệ sở hữu lên thành 20%.

Về kế hoạch kinh doanh cụ thể, Petrolimex đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2017 đạt 163.221 tỷ đồng và cán mốc 202.202 tỷ vào năm 2020. Năm 2016, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 123.097 tỷ đồng, giảm 16,2% so với năm 2015; tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại lên tới 6.300 tỷ đồng, tăng tới 48,7% so với năm 2015 và là mức lãi cao nhất trong lịch sử của tập đoàn này.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, trong định hướng phát triển tương lai, Petrolimex sẽ tiếp tục mở rộng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kết hợp với các dịch vụ gia tăng đẩy mạnh hoạt động phi xăng dầu. Mục tiêu hướng đến tỷ trọng doanh thu kinh doanh xăng dầu trên mỗi cửa hàng sẽ chiếm 50% còn lại là các hoạt động khác.

Petrolimex hiện đang là đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 50% cả nước, mạng lưới phân phối 5.200 cơ sở kinh doanh xăng dầu, chiếm 37% toàn quốc; trong đó có 2.400 cửa hàng bán lẻ, còn lại là các đại lý, trong đó mỗi cửa hàng xăng dầu Petrolimex đang có sản lượng gấp ba lần cửa hàng thông thường.

Bên cạnh kinh doanh xăng dầu, Petrolimex cũng đứng đầu các lĩnh vực khác như kinh doanh hóa dầu, nhựa đường, hóa chất; kinh doanh khí hóa lỏng; kinh doanh vận tải và kinh doanh khác. Theo ông Bảo, các hoạt động này đều đóng góp ổn định 30% doanh thu và 40% lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Nói về triển vọng của ngành xăng dầu, bà Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Khu vực phía Bắc của SSI nhận định, giá xăng dầu Việt Nam (xét tại ngày 22/02/2017) đang ở mức 0,85 USD/lít đang đứng thứ 55/170 nước. Mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình thấp trên thế giới. Từ nay đến 2020 nhu cầu xăng dầu thế giới sẽ tăng thấp hơn 1% và tăng khoảng 5% trong hai thập kỷ tới, nhưng với Việt Nam – quốc gia đang phát triển thì mức tăng trưởng sẽ rất mạnh trong năm năm tới.

 

Việc làm nổi bật

Top