PVEP cam kết không giảm lương dù giá dầu giảm

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giá dầu thấp kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Năm 2015, “cơn bão” giá dầu đã gần như quét sạch lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) – một trong 2 đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kinh doanh trong lĩnh vực thượng nguồn.

TS. Ngô Hữu Hải - Tân Tổng giám đốc PVEP, người dày dạn kinh nghiệm ứng phó với những thăng trầm của giá dầu - trong cuộc trò chuyện đầu Xuân với Lao Động có góc nhìn khá biện chứng. Ông cho biết, PVEP đã xây dựng các kịch bản của giá dầu, kể cả kịch bản xấu nhất và cách ứng phó. Song để PVEP nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, nhà nước cần có cơ chế đặc thù “tiếp sức” cho doanh nghiệp.

A%20Hai_ZQIZ.jpg.ashx

- Thưa ông, giá dầu giảm khiến nhiều Công ty dầu khí phải dãn tiến độ hoặc ngừng khai thác các giàn khoan do lo ngại chi phí tăng cao, kéo theo sự sụt giảm ghê gớm, ảm đạm của thị trường dịch vụ dầu khí, đối với PVEP, năm qua có phải là năm khó khăn nhất trong hoạt động?

- TS. Ngô Hữu Hải: Đúng vậy, tôi nói để bạn dễ hình dung. Một công ty dầu khí thượng nguồn khai thác một mỏ dầu sẽ kéo theo sau nó là hàng chục Cty dịch vụ khác đi theo và từ đó tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Và nếu may mắn vận hành mỏ trong 25 năm là một đời dự án thì cơ hội có việc làm “cộng sinh” là vô cùng lớn. Như vậy, vai trò tiên phong của các công ty dầu khí là vô cùng quan trọng, trong bối cảnh giá dầu suy giảm, nhiều Cty dầu khí có thể bị thua lỗ, do chi phí giá thành khai thác cao hơn doanh thu bán dầu, dẫn đến việc phải dãn tiến độ hoặc phải đóng mỏ là hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cty dầu khí và tiếp theo đó là hàng loạt các hoạt động dịch vụ.

Trong quá trình công tác 30 năm, tôi đã từng chứng kiến nhiều thăng trầm của giá dầu. Vào năm 1986, lần đầu tiên VN khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ, giá dầu lúc đó chỉ 7 USD/thùng nhưng vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh VN bị bao vây cấm vận, nhưng đã có được những đồng ngoại tệ đầu tiên từ dầu. Tiếp đến vào tháng 5.1999, tôi được giao tiếp nhận mỏ Đại Hùng mà VN mua từ Petronas Carigali với giá tượng trưng chỉ 1 USD. Tôi nhớ, giá vét cho lô dầu cuối cùng của Petronas khi đó chỉ là 9,2 USD/thùng. Nhưng sau khi vào tay PVEP, Đại Hùng được khai thác rất hiệu quả và đến nay đã mang về cho đất nước hơn 1 tỉ USD tiền bán dầu.

Mốc sụt giảm của giá dầu phải kể đến vào năm 2007-2008, giá dầu đang từ mức 147 USD/thùng lao xuống mốc 32 USD/thùng gây không ít sóng gió. Khi đó, tôi vừa được điều sang liên doanh Hoàng Long- Hoàn Vũ JOC. Các đối tác trong liên doanh gần như thất bại vì không tìm thấy dầu, liên doanh đứng trên bờ vực phá sản. May sao, sau đó, Hoàng Long- Hoàn Vũ JOC đưa vào khai thác mỏ Cá Ngừ Vàng và sau này là mỏ Tê Giác Trắng đã vươn lên là Cty có sản lượng dầu lớn thứ 2, chỉ sau Liên doanh Việt Xô.

Giá dầu giảm sâu lần này theo chu kỳ là lần thứ 4. Tuy nhiên, diễn biến của nó hết sức khó lường. Từ mốc hơn 100 USD/thùng vào giữa năm 2014 hiện giá xuống còn 35 USD/thùng và vẫn chưa dừng lại. Như vậy, bình quân mỗi ngày Tập đoàn Dầu khí VN sản xuất khoảng 400.000 thùng dầu, trong bối cảnh giá dầu đã giảm sâu tới 70% thì cứ mỗi 1 giờ qua đi, PetroVietnam mất 1 triệu USD hụt thu từ dầu.

- Trước khả năng mất cân đối về tài chính do giá dầu giảm sâu, PVEP đã áp dụng những biện pháp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, thưa ông?

- TS. Ngô Hữu Hải: Chính trong khó khăn lại là cơ hội để PVEP nhận thức được chính mình và có cách hành xử tương ứng. PVEP đã xây dựng các kịch bản ứng với giá dầu từ 20-60 USD/thùng. Chúng tôi quán triệt đến tất cả CBCNV từ người lái xe phải triệt để tiết giảm chi phí, đã đến lúc phải nghĩ đến sự tồn tại hay phá sản của DN. DN như PVEP nếu không phải là nhà nước đứng dựa lưng, thì lợi nhuận sau thuế năm qua – còn 20 tỉ đồng là ngân hàng đã siết nợ luôn. Tuy nhiên, chúng tôi có chữ tín trên thương trường, tài sản đảm bảo là các mỏ dầu trị giá hàng tỉ USD dưới lòng đất. Trong khó khăn, chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều cơ hội, vấn đề là nhà nước phải cho PVEP cơ chế để nhanh chóng tận dụng các cơ hội này.

Tôi đơn cử, hiện giá thành sản xuất đầu giếng của PVEP trung bình là khoảng 26,6 USD/thùng, năm 2015 xuất bán 54 USD, lời 18 USD/thùng. Tuy nhiên, nếu áp thuế Thu nhập doanh nghiệp (20%) và các loại thuế khác, giá thành sản xuất dầu là 45,5 USD/thùng, bán là 54 USD/thùng, chỉ còn lãi 8,5 USD/thùng. Áp đủ các các loại thuế thì giá thành 1 thùng dầu hiện lên tới 54,7 USD/thùng, tức là mỗi thùng dầu lỗ 0,7 cent/thùng. Như vậy, sau khi nộp thuế PVEP chuyển lãi thành lỗ. Nếu là DN bình thường thì thuế TNDN của Cty phải đóng sau khi có thu nhập sau thuế, nhưng với các Cty dầu khí, dầu vừa ra khỏi đầu giếng đã bị áp thuế ngay, trung bình bị thu 45% trên tổng sản lượng dầu. Điều này áp dụng với các nhà thầu nước ngoài là thoả đáng để bảo vệ quyền lợi của nước chủ nhà, nhưng PVEP là DN 100% vốn trong nước nên sau khi thu xong sẽ được hoàn thuế để đưa vào đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế nộp trước, hoàn sau theo nghị định71 và vừa thay thế bằng nghị định 92 hiện hành đã không còn phù hợp khiến hoạt động của PVEP gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, PVEP nộp 8.300 tỉ đồng thuế TNDN và các loại thuế khác, so với các Cty hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, mức nộp chỉ khoảng hơn 3.000 tỉ. Như vậy, khoản 5.000 tỉ mà PVEP đã nộp sẽ trả về cho PVEP để đưa vào đầu tư tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng. Trong bối cảnh khó khăn về giá dầu, nếu nhà nước chấp thuận cho PVEP cơ chế đặc biệt về việc trích lập khoản tiền để lại để đầu tư (5.000 tỉ, tương đương khoảng 250 triệu USD), thay vì nộp trước hoàn sau – thì tình hình tài chính của DN cũng không đến mức khó khăn.

- VSP cho biết đã phải giảm biên chế khoảng 400 lao động, giãn hoãn tiến độ nhiều dự án do khó khăn, cho đến thời điểm này, PVEP đã phải cắt giảm lao động chưa, thưa ông?

- TS. Ngô Hữu Hải: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song PVEP chủ trương sẽ không cắt giảm biên chế, không giảm lương của CBCNV. Tuy nhiên, thu nhập sẽ bị giảm do phải giảm các khoản tiền phúc lợi. Nếu so sánh với top đầu ASEAN về tiềm năng dầu khí gồm Petronas (Malaysia), Petamina (Indonesia), PTTEP (Thái Lan) và VN thì năm 2015, Thái Lan khoan 95 giếng, nhưng 2016 chỉ lên kế hoạch khoan 5 giếng. Petamina khoan 15 giếng năm 2015, sang năm nay khoan 7 giếng, PVEP 2015 khoan 72 giếng, năm nay chỉ khoan 8 giếng… Petamina đã giảm tới 40% hợp đồng lao động, riêng lực lượng phát triển mỏ cũng giảm tương ứng 40%, còn PVEP hiện nay chưa giảm ai hết. Chủ trương của chúng tôi sẽ không cắt giảm biên chế, không giảm lương, nhưng chắc chắn thu nhập bị giảm và phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua khó khăn. Trước mắt, nếu Chính phủ chấp thuận đề nghị về cơ chế riêng cho PVEP, tôi nghĩ PVEP sẽ vượt qua khó khăn trong năm nay. Khi khó khăn, PVEP rất cần sự “tiếp sức” từ Chính phủ.

Cơ hội khi giá dầu giảm cũng không nhỏ. Ngay lúc này, chúng ta phải tập trung ưu tiên số một cho công tác thăm dò, thẩm lượng, xác minh trữ lượng dầu khí. Thời điểm này, giá dịch vụ đã giảm xuống rất thấp, trước đây thuê giàn khoan phải từ 140-200 nghìn USD/ngày, giờ chỉ còn 70 nghìn USD/ngày. Tiếp đến là thời cơ trong việc mua mỏ khai thác. Nếu như trước đây, PVEP phải sàng lọc hàng chục cơ hội/dự án mới mua được mỏ và giá rất cao, cạnh tranh vô cùng gay gắt, thì nay giá dầu thấp là cơ hội để đàm phán các hợp đồng mua mỏ với giá hạ.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Quân (thực hiện) - Báo Lao Động/laodong.com.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top