PVN lại cầu cứu Chính phủ giải cứu PV Tex

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
au các kiến nghị hỗ trợ về thuế và bao tiêu đầu ra sản phẩm ở các dự án lọc dầu, Tập đoàn dầu khí Việt Nam lại gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương và Chính phủ đề nghị hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho dự án sản xuất Polyester Đình Vũ (PV Tex), nơi tập đoàn này có 74% cổ phần, đang bị thua lỗ nặng.

Đây không phải là lần đầu tiên PVN gửi kiến nghị kiểu này lên Chính phủ và Bộ Công Thương. Riêng ở dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, nơi đang tạm dừng vận hành từ tháng 9-2015 đến nay vì thua lỗ, PVN đã liên tục kiến nghị bao tiêu sản phẩm và đánh thuế cao với sản phẩm nhập ngoại cùng loại kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2014 đến nay.

Sau sáu năm đầu tư, PV Tex có tổng vốn đầu tư 325 triệu đô la (tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng) đã đi vào hoạt động. Mục tiêu ban đầu đặt ra là tận dụng nguồn nguyên liệu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để đáp ứng 40% nhu cầu sản phẩm xơ và 12% sản phẩm sợi cho ngành dệt may trong nước.

Đây là khoản đầu tư của PVN (74% vốn) và Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) với khoàng 26% vốn góp. Tuy nhiên, ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động kể từ 2014, PV Tex đã lỗ hơn 1.000 tỉ đồng và các năm sau càng lỗ nhiều hơn.

Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay là do Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hoàn toàn khác xa với thực tế. Các dữ liệu về tính hiệu quả của nhà máy thấp hơn thực tế nhiều lần. Ví dụ chi phí hóa chất, phụ liệu theo tính toán đầu tư chỉ 500.000 đô la Mỹ song thực tế tới 11 triệu đô.

Hơn nữa trong nước không chỉ riêng PV Tex mà còn có bốn doanh nghiệp khác cùng sản xuất các mặt hàng này, năng lực sản xuất toàn ngành khoảng 500.000 tấn/năm. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể nhập khẩu khoảng 250.000 tấn/năm từ nước ngoài.

Giá thành sản xuất từ PV Tex cao hơn, giá bán ra cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành và sản phẩm nhập khẩu nhưng chất lượng sản phẩm lại không ổn định khiến các doanh nghiệp dệt may không thiết tha với việc mua nguyên liệu từ PV Tex. Bản thân Tập đoàn dệt may từng là một cổ đông ban đầu của dự án này sau cũng rút vốn.

Các sản phẩm của PV Tex sản xuất ra bị tồn kho đáng kể nên nhà máy không vận hành hết công suất, nhiều lần đóng cửa để giảm thua lỗ. Thời gian dự kiến thu hồi vốn theo kế hoạch là hơn 8 năm, nay tính toán lại là gần 24 năm.

Theo Báo cáo tài chính của Đạm Phú Mỹ mới công bố thì khoản đầu tư tại đây coi như mất trắng. Con số 25,99% vốn góp của Đạm Phú Mỹ được định giá 562 tỉ hồi cuối năm 2014, giảm xuống 198 tỉ hồi cuối năm 2015 và nay đã được trích lập rủi ro toàn bộ do PV Tex đã âm vốn chủ sở hữu.

ad389_pv_tex.jpg

Vấn đề các cổ đông góp vốn kinh doanh thất bại phải chấp nhận rủi ro là bình thường. Song điều bất bình thường là từ khi đi vào hoạt động đến nay, PVN liên tục gửi đơn kiến nghị đến Chính phủ và Bộ Công Thương đề nghị can thiệp vào cơ chế tiêu thụ sản phẩm cho PV Tex theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải sử dụng các sản phẩm của PV Tex, mua sản phẩm của PV Tex theo giá thị trường.

PVN còn kiến nghị miễn giảm các chi phí điện nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý... trong vòng hai năm hay miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm sơ xợi của công ty, đồng thời đề nghị đánh thuế cao và dựng hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm cùng loại được nhập từ nước ngoài để bảo hộ cho sản phẩm của PV Tex.

Các kiến nghị này của PVN đã bị Bộ Tài chính từ chối nhiều lần vì không đúng các cam kết WTO.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top