PVP dự tính đầu tư mới 9 dự án điện khí

Thảo luận trong 'Điện lực' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 19/5/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) Nguyễn Xuân Hoà chia sẻ về kế hoạch của PVP tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập.

    Ông Nguyễn Xuân Hòa cho hay, mục tiêu của PVP đến giữa thập niên tới là hoàn tất tiếp nhận vận hành 3 dự án điện than và đầu tư mới 9 dự án điện khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tổng công suất tăng thêm khoảng hơn 10.000 MW, tương đương với tổng sản lượng điện hàng năm sẽ tăng thêm khoảng 50 tỷ kWh.

    Tăng mạnh tỷ trọng điện khí

    9 dự án mà Tổng giám đốc PVP nhắc tới sẽ được đặt tại 4 trung tâm điện khí mới gồm Nhà máy Nhơn Trạch 3-4 sử dụng LNG nhập khẩu; Trung tâm khí điện ở Kiên Giang; Trung tâm Khí điện Sơn Mỹ 2 và Trung tâm Khí điện ở miền Trung sử dụng khí từ mỏ Cá voi Xanh.

    [​IMG]
    Cụ thể, Dự án Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 - 4 đã được bổ sung vào Quy hoạch điện Quốc gia (Tổng sơ đồ điện VII) với kế hoạch vận hành lần lượt trong các năm 2020 và 2021.

    Bên cạnh đó, Trung tâm Điện khí ở Kiên Giang, sử dụng khí Lô B - Ô Môn, theo Tổng sơ đồ điện 7 được Chính phủ phê duyệt, sẽ đi vào hoạt động từ khoảng năm 2021-2022 với tổng công suất lắp đặt là 1.500MW.

    Tại Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận, sử dụng LNG nhập khẩu mà PVN được giao đầu tư sẽ có 3 nhà máy Sơn Mỹ gồm 2.1, 2.2 và 2.3 với công suất mỗi nhà máy là 750 MW, sẽ vận hành lần lượt bắt đầu từ năm 2023.

    Ngoài ra, gần đây PVN đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh với Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ). Chính phủ đã giao cho PVN phát triển hai dự án gắn với ký kết này và PV Power cũng đã có biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Quảng Nam để chuẩn bị điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất cho hai dự án.

    Hiện PVP là đơn vị sản xuất điện lớn thứ hai, sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam với quy mô công suất lắp đặt các nhà máy điện đạt 4.208MW, chiếm trên 10% tổng công suất đặt cả nước.
    Ngoài nhiệt điện khí, PVP cũng dự tính đến năm 2020, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ đạt 3% trong tổng công suất và đến năm 2030 là 6%

    Đến nay, quy mô tổng tài sản của PVP đạt gần 70.000 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu đạt trên 27.300 tỷ đồng; tốc độ tăng doanh thu hàng năm đạt trên 12%/năm.

    Sau 10 năm hoạt động, PVP cũng đã xây dựng được đội ngũ hùng hậu có chuyên môn cao, với số lượng lao động hiện có là trên 2.300 người, trong đó, 5,8% có trình độ trên đại học, 73% có trình độ đại học, cao đẳng và trên 17% công nhân lành nghề.

    Cổ phần hoá trong năm 2017

    Ông Hoà cũng cho hay, theo kế hoạch, việc cổ phần hoá và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của PVP sẽ được thực hiện trong quý III/2017. PVP sẽ chào bán công khai cổ phiếu ra thị trường lần đầu, sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

    Để cổ phần hóa thành công, PVP đang ráo riết tìm cổ đông chiến lược. Hiện PVP đang có danh mục 50 nhà đầu tư tiềm năng đến từ nước ngoài và sẽ rút lại khoảng 10 nhà đầu tư để có lựa chọn chính xác cuối cùng.

    Hiện tổng giá trị tài sản của PVP đạt hơn 50.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 23.481 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Để hoạt động có hiệu quả sau cổ phần hoá, các phương án, chiến lược sản xuất kinh doanh đang được PVP xây dựng với mục tiêu trở thành tổng công ty công nghiệp điện - dịch vụ mạnh, năng động và có năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh điện, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan, trong đó lấy sản xuất điện là trọng tâm hàng đầu.

    Giai đoạn 5 năm đầu tiên sau cổ phần hóa, PVP đặt mục tiêu cung ứng cho hệ thống điện quốc gia trên 200 tỷ kWh điện, doanh thu bình quân đạt khoảng 40.000 tỷ đồng/năm.
    Thanh Hương - Báo Đầu Tư​
     

Chia sẻ trang này