Quy định mới về điều kiện kinh doanh khí: siết hay mở?

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Điều kiện về kinh doanh khí sẽ dễ dàng hay khó khăn hơn khi Nghị định 19 (2016) về kinh doanh khí - thay thế cho Nghị định 107 (2009) - có hiệu lực vào ngày 15-5 tới?

Xuất nhập khẩu: chặt hơn!

Điểm mới của Nghị định 19 (2016) so với Nghị định 107 (2009) là không chỉ quy định chặt về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mà còn quy định cả với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG).

Pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp xuất nhập khẩu khí phải có cầu cảng thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu, hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu một năm trong khi quy định mới bắt buộc doanh nghiệp phải “có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu năm năm”; đồng thời phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 LPG, 60.000 m3 LNG, 200.000 m3 CNG.

de5aa_1.jpg

Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu LPG còn phải có số lượng chai LPG các loại đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu với tổng dung tích chứa tối thiểu 3,93 triệu lít; có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu hoặc có hợp đồng thuê nạp LPG vào chai - nhưng sau hai năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn phải có hệ thống phân phối LPG. Cụ thể, đó là phải có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh LPG đáp ứng đủ điều kiện quy định và hệ thống cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải hoặc khách hàng công nghiệp.

Riêng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu LNG, CNG thì phải thêm có cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hệ thống phân phối LNG, CNG bao gồm sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê xe bồn LNG, CNG hoặc đường ống vận chuyển LNG, CNG tối thiểu một năm; sở hữu trạm cấp LNG, CNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Quy định mới cũng buộc các doanh nghiệp sản xuất, chế biến khí phải đầu tư hoặc thuê phòng thử nghiệm chất lượng tối thiểu một năm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng khí. Với doanh nghiệp sản xuất, chế biến LNG còn phải đầu tư hệ thống bơm, nạp LNG để vận chuyển hoặc có hệ thống phục vụ hoạt động hóa khí để cung cấp cho khách hàng.

Riêng doanh nghiệp sản xuất, chế biến CNG phải có bồn chứa CNG với tổng dung tích tối thiểu 200.000 m3 và được xây dựng theo quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có trạm nén khí CNG có công suất tối thiểu 3.000 m3/giờ.

Phân phối: mở ra cơ hội

Theo một thương nhân đang phân phối khí tại khu vực phía Nam thì quy định mới (Nghị định 19) “siết” khâu xuất nhập khẩu và sản xuất khí nhưng lại “mở” ở khâu phân phối. Điều này, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ít vốn có thể tham gia vào thị trường khí vốn dành cho các công ty lớn.

Nghị định 19 quy định doanh nghiệp phân phối khí cấp 1 chỉ cần có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 đối với LPG chai (bình); 100 m3 đối với LPG qua đường ống; 3.000 m3 đối với LNG; 10.000 m3 đối với CNG thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu một năm của thương nhân kinh doanh khí.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phân phối LPG chai (bình) thì chỉ cần có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu với dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít (khoảng 218.000 bình 12 lít, trong khi quy định hiện hành buộc doanh nghiệp phân phối phải có tối thiểu 300.000 bình. Chỉ tính bình tối thiểu bình 12 lít, không tính bình 45 lít, thì doanh nghiệp phải có dung tích số bình tối thiểu đã là 3,6 triệu lít).

Chỉ riêng ở điều kiện này (không kể các điều kiện khác như trạm nạp LPG vào chai, hệ thống phân phối LPG, điều kiện pha chế LPG…), theo thương nhân nói trên, đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ít vốn tham gia vào thị trường phân phối khi. Bởi vì, để có 300.000 vỏ bình (quy định hiện hành), doanh nghiệp phải có số tiền tối thiểu 120 tỉ đồng; trong khi quy định mới doanh nghiệp chỉ cần 218.000 vỏ bình (hơn 80 tỉ đồng).

Thực tế, theo thương nhân này, điều kiện "khó khăn nhất" hiện nay đối vối các doanh nghiệp phân phối khí cấp 1 là sở hữu số lượng bình gas đạt yêu cầu. (Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, cả nước hiện chỉ có khoảng 20 triệu chai LPG). Vì các điều kiện khác như trạm nạp khí, hệ thống phân phối... doanh nghiệp có thể liên kết, hợp đồng thuê mượn...

Cũng trong khâu phân phối, đối với doanh nghiệp kinh doanh LNG thì điều kiện là cần phải có cơ sở vật chất phục vụ hệ thống phân phối LNG trực thuộc, bao gồm: sở hữu trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải; còn với doanh nghiệp kinh doanh CNG thì phải có hệ thống phân phối CNG trực thuộc như xe bồn CNG, đường ống vận chuyển CNG, trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải, theo Nghị định 19.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top