Tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela 'nướng' công quỹ vào giàn khoan cũ rích

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Chính phủ Venezuela đang điều tra vụ Tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela 'nướng' công quỹ vào giàn khoan cũ rích trị giá 1,3 tỉ USD, theo báo The Wall Street Journal.

Chính phủ Venezuela đang điều tra nghi án Công ty dầu khí nhà nước ‘moi ruột’ công quỹ trong một hợp đồng thuê giàn khoan dầu trị giá 1,3 tỉ USD, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

tap_doan_dau_khi_nha_nuoc_venezuela_nuong_cong_quy_vao_gian_khoan_cu_rich_63069_ae1447f657ed6cf8536127937ad7bdf4_2_6_resize.jpg

Giàn khoan Sao Thổ bị bỏ mặc trên biển Venezuela - Ảnh: The Wall Street Journal

Ngày 6.3, cơ quan Tổng thanh tra nhà nước Venezuela yêu cầu Viện công tố nhân dân nước này điều tra và truy tố 5 cựu và đương kim lãnh đạo Tập đoàn dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela SA (PdVSA) “rút ruột” công quỹ, bằng cách “hét” giá thuê giàn khoan dầu cũ rích có tên Sao Thổ của công ty PetroSaudi International Ltd.

Tổng thanh tra Nhà nước Venezuela cũng yêu cầu truy tố quan chức thứ sáu, vì người này dùng ảnh hưởng để ép PdVSA ký hợp đồng thuê Sao Thổ của PetroSaudi.

Luật sư của PetroSaudi nói họ không có quan hệ gì với quan chức này, không nhờ ông ta tác động và công ty không biết ông ta có ảnh hưởng gì trong quyết định thuê Sao Thổ.

Cơ quan tổng thanh tra nhà nước giữ vai trò bảo đảm sử dụng tài sản quốc gia đúng mục đích và Viện công tố nhân dân (phụ trách truy tố) từ chối bình luận với WSJ.

Viện công tố nhân dân tập trung điều tra PdVSA, trong khi không có bất kỳ quan chức nào của PetroSaudi bị cáo buộc sai phạm.

Từ “nắm đấm lớn” để Venezuela trở thành “siêu cường” khí đốt…

Vụ thuê giàn khoan Sao Thổ để khai thác nguồn khí thiên nhiên, mà PdVSA nói sẽ giúp Venezuela trở thành “siêu cường” về khí đốt. Nhưng toàn bộ dự án khai thác xa bờ Mariscal Sucre chưa hề sản xuất được chút khí đốt nào.

Nhà phân tích Antero Alvarado ở công ty tư vấn GasEnergy Latin America nói: “Dự án Mariscal Sucre là tài sản vô dụng của PdVSA. Họ đổ vào đó hàng tỉ đôla mà chẳng thu được gì”.

Giàn khoan Sao Thổ chỉ khoan 3/16 giếng trong gần 7 năm, chậm hoạt động vì phải sửa chữa và thiếu sự hỗ trợ của PdVSA, theo các cựu công nhân.

Tony Paul, tổng giám đốc Hiệp hội chuyên gia năng lượng khu vực Caribbean, nói một giàn khoan hoạt động trong điều kiện và độ sâu tương đương có thể khoan xong một giếng chỉ trong hai tháng.

Tháng 9.2010, PdVSA đạt được một thỏa thuận thuê giàn khoan Sao Thổ với PetroSaudi (đóng năm 1983) với giá 485.000 USD/ngày trong 7 năm, theo bản sao hợp đồng mà tờ WSJ cho biết.

Hồi tháng 2.2017, Quốc hội Venezuela cũng mở cuộc điều tra riêng về hợp đồng thuê giàn khoan Sao Thổ.

Nghị sĩ đối lập Luis Parra nói báo cáo điều tra nêu lẽ ra PdVSA chỉ nên thuê Sao Thổ với giá 230.000 USD/ngày: “Chẳng có lý do nào bào chữa được sự chênh lệch giữa mức giá trung bình với cái giá quá đáng mà PetroSaudi tính với PdVSA”.

Luật sư của PetroSaudi nói mức giá trên là hợp lý, vì điều kiện lao động khó khăn ở Venezuela. Theo dữ liệu khai thác dầu RigLogix, giá trên cao hơn khoảng 20 % so với giá trung bình của một vụ thuê giàn khoan của Mexico trong năm 2010.

Hồi tháng 4.2011, sau khi một chiếc phà đâm vào giàn khoan Sao Thổ, phải sửa chữa suốt nhiều năm, theo báo cáo điều tra của PdVSA về vụ va chạm. Báo cáo này nói Sao Thổ đã “lỗi thời” và vụ tổn thất của giếng khoan - hậu quả của vụ đâm va là do thiết bị trên Sao Thổ bị hư hỏng nặng.

Báo cáo điều tra không đổ tội cho PetroSaudi trong vụ đâm va, nhưng nói công ty này “không thể trưng ra hầu hết các tài liệu bảo đảm an toàn bắt buộc”, và Sao Thổ thiếu nhiều phương tiện hoạt động cơ bản.

PdVSA nêu trong hợp đồng thuê Sao Thổ rằng giàn khoan này đã được kiểm tra, đạt điều kiện hoạt động hoàn hảo.

Luật sư của PetroSaudi nói Sao Thổ có các văn bản chứng nhận của quốc tế, hai giàn khoan đều hoạt động tốt và được PdVSA chấp nhận, và việc hoãn khoan dầu khí là do “PdVSA gặp khó khăn về dòng tiền và làm ăn thất bát”.

…Đến hai đống sắt vụn vì trúng quả lừa mua phải phế liệu

Giàn khoan Sao Thổ hiện nằm yên ở hải phận Venezuela, theo các công nhân của dự án Mariscal Sucre. Giàn khoan Người phát hiện Sao Hải Vương thì bị dỡ sắt bán phế liệu ở một bãi phế liệu của Ấn Độ.

Công nhân dầu khí Venezuela cho WSJ biết: hai giàn khoan Sao Thổ và Người phát hiện Sao Hải vương “hoàn toàn chẳng thể hoạt động”, chỉ đào được 10 giếng trong khoảng 70 giếng trong kế hoạch khoan giếng dầu-khí. Các cựu công nhân nói chiếc Người phát hiện Sao Hải Vương (đóng năm 1977) phải sửa chữa nhiều trong hầu hết thời gian thuê.

1.jpg

Tàu khoan dầu Người phát hiện Sao Hải vương trước khi bị dỡ bán sắt phế liệu

Trong khi cuộc điều tra của Venezuela không liên quan cuộc điều tra vụ 1MDB mất tiền, họ chú ý một quyết định của PdVSA thuê chiếc Người phát hiện Sao Hải vương mà PetroSaudi tài trợ bằng một phần tiền PetroSaudi nhận từ 1MDB.

1MDB tức Quỹ phát triển Malaysia do chính phủ đương kim Thủ tướng Malaysia lập và cũng đã bị “moi ruột” mất 1 tỉ USD. Theo những người biết chuyện, đặc vụ của Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra hình sự vụ gian lận ở 1MDB.

Hè 2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc 700 triệu USD mà 1MDB gởi tháng 9.2009 để liên doanh với PetroSaudi đã đến công ty Good Star ở quần đảo Seychelles, và công ty này “phân phối” tiền cho nhiều người thụ hưởng từ vụ “moi ruột” 1MDB.

300 triệu USD còn lại của vụ “moi ruột” được PetroSaudi tài trợ để mua lại chiếc Người phát hiện Sao Hải vương và đưa nó vào khoan dầu-khí ở Venezuela năm 2009, sau đó cho PdVSA thuê lại. Và đây là vụ thuê giàn khoan bị hố thứ hai của PdVSA.

PetroSaudi nhận quả thầu cho PdVSA thuê giàn khoan này với giá 490.000 USD/ngày cho đến năm 2012. PetroSaudi lúc đó không có kinh nghiệm điều hành giàn khoan, vẫn nhận quyền điều hành chiếc tàu.

Năm 2010, khi một giàn khoan khác của PdVSA bị chìm, công ty này giao ngay việc tìm giàn khoan khác cho PetroSaudi mà không qua thủ tục gọi thầu, theo hồ sơ yêu cầu điều tra của Tổng thanh tra Nhà nước Venezuela ngày 6.3.

Một quan chức nói việc không gọi thầu chẳng có gì bất thường, vì vụ tìm giàn khoan khác diễn ra một năm sau khi cố Tổng thống Hugo Chavez sung công quỹ hàng trăm tàu phà khoan dầu, và không công ty khai thác lớn nào của nước ngoài quan tâm đến vụ gọi thầu của PdVSA.

Vào lúc PetroSaudi thương lượng hợp đồng, công ty này không có giàn khoan để cho thuê. 10 ngày trước khi ký hợp đồng, họ đã trả 260 triệu USD để mua chiếc Sao Thổ, theo hợp đồng và hồ sơ của bên bán.

Theo WSJ, năm 2016, chính quyền Mỹ ra trát tòa, buộc Patrick Mahony, một quan chức cấp cao PetroSaudi ra tòa làm chứng về vụ gian lận ở 1MDB. Nhưng ông ta không ra làm chứng trước một đoàn đại bội thẩm.

Luật sư của PetroSaudi nói không ai trong công ty bị buộc tội dính líu với vụ tai tiếng của 1MDB. Họ nói PetroSaudi chẳng làm gì sai phạm. 1MDB cũng phủ nhận mọi sai phạm và hứa hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào. Trong khi đó, chính quyền Thụy Sĩ tịch thu một số tài sản của PetroSaudi ở nước này. Bộ Tư pháp Mỹ không cáo buộc PetroSaudi hoặc 1MDB về bất kỳ sai phạm nào.

Tranh chấp ở tòa án Anh

Người phát ngôn PdVSA từ chối bình luận về hợp đồng với PetroSaudi, nói hai công ty đang có tranh chấp pháp lý.

Luật sư của PetroSaudi nói không biết khách hàng của họ ở Venezuela bị điều tra. Những “thầy cãi” này chính phủ Venezuela mở cuộc điều tra có động cơ chính trị, và nhằm bôi nhọ uy tín khách hàng trong vụ tranh chấp thương mại giữa PetroSaudi với PdVSA .

Theo luật sư của PetroSaudi, ngày 13.3, một cấp tòa ở Anh đã buộc PdVSA phải trả cho PetroSaudi 130 triệu USD về những khoản chi phí. PdVSA nói họ đã kháng án lên Tòa án tối cao Vương quốc Anh, nhưng ngày 15.3, công ty luật của PetroSaudi nói đơn kháng án của họ bị bác. Luật sư của PdVSA từ chối bình luận.

Trong khi đó, PdVSA kiện PetroSaudi ra Tòa án trọng tài quốc tế LHQ ở Paris (Pháp) về PetroSaudi không thực hiện các điều khoản trong hợp đồng thuê giàn khoan Sao Thổ.

Chiến dịch chống tham nhũng để trừng trị đối thủ

Những rắc rối của dự án Mariscal Sucre làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela. Các quan chức bảo vệ pháp luật Mỹ nói PdVSA lãng phí hàng ngàn USD khi bùng nổ cuộc khai thác dầu mỏ suốt 10 năm qua.

Khi cơn sốt này xẹp năm 2014, sản lượng khai thác giảm đã gây nên cuộc suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử Venezuela. Nước này đang cực kỳ thiếu thức ăn, tội phạm hình sự và tình trạng bất ổn bùng phát.

PdVSA không phản ứng về những cáo buộc lãng phí và tham nhũng. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố chống tham nhũng, vào lúc công quỹ cạn tiền và ông bị mất tín nhiệm cao. Ông nói: “Việc tái cơ cấu sẽ chữa trị nạn tham nhũng ở tất cả những phần đang rũa nát tại PdVSA”.

Bà Anabella Abadi, nhà phân tích chính sách công tổ chức ODH Grupo Consultor (ở Caracas) nói đối tượng bị ông Maduro “soi” chính là những người chống đối ông, chứ không phải để giải quyết nạn tham nhũng lưu cữu lâu nay ở Venezuela.

Bà nói: “Bạn không thể chống tham nhũng nếu không có sự minh bạch”.

+ PetroSaudi là một công ty khởi nghiệp đầu tư vào mảng năng lượng do Turki Bin Abdullah Al Saud, một ông hoàng của hoàng gia Ả rập Saudi, và Tarek Obaid người Saudi đồng sáng lập năm 2005.

+ Khi PetroSaudi làm ăn nên, họ đã mở văn phòng ở London (Anh) và Geneva (Thụy Sĩ), thuê nhiều cộng sự cấp cao, như chủ tịch Richard Haythornthwaite của tập đoàn MasterCard làm giám đốc chi nhánh London, giới thiệu Saudi Petro và thuê công ty của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair để tư vấn các cơ hội làm ăn.

+ Người phát ngôn của ông Blair xác nhận công ty ông có làm việc cho PetroSaudi “trong vài tháng hồi gần 7năm trước”.

+ Năm 2010, một trong những cựu quan chức PdVSA bị cáo buộc là Romer Valdez nói: PetroSaudi là công ty duy nhất có khả năng cung cấp đúng mẫu giàn khoan, theo biên bản cuộc họp của công ty ngày 21.8.2010 mà WSJ đọc được.

+ Sau đó, Valdez đã thôi việc ở PdVSA và rời khỏi Venezuela, theo các quan chức công ty. WSJ không thể gặp ông ta để mời bình luận.

Trong giai đoạn trên, có 5 giàn khoan giống nhau ở một số chi tiết, theo các tài liệu của PdVSA.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal) - Một Thế Giới​
 

Việc làm nổi bật

Top