Tàu chở dầu lớn nhất thế giới Batillus

Thảo luận trong 'Quốc tế' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 22/2/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Mỗi ngày, trên các đại dương của thế giới có hàng nghìn con tàu kích thước khác nhau chuyên chở dầu mỏ từ nơi này đến nơi khác. Trong số đó, những tàu khổng lồ, siêu trọng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Xin giới thiệu với bạn đọc con tàu chở dầu lớn nhất thế giới – tàu Batillus.

    Khái niệm cơ bản về tài chở dầu siêu trọng

    Trong các ngôn ngữ châu Âu, tàu chở dầu được gọi là tanker, xuất phát từ chữ “tank” trong tiếng Anh có nghĩa là “bình đựng đậy kín” (tên gọi “xe tăng” cũng có nguồn gốc từ chữ này). Tàu chở dầu là tên gọi chung cho loại tàu được thiết kế để vận chuyển hàng hóa lỏng (dầu mỏ, acid, dầu thực vật, lưu huỳnh nóng chảy, vv) trong bể chứa của tàu, trong đó tàu chuyên dụng để chở dầu mỏ chiếm số lượng áp đảo. Tàu chở dầu mỏ có kích thước khác nhau, nhưng trong đó có một loại đặc biệt - tàu chở dầu siêu trọng. Đây là những tàu cực lớn, có thể vận chuyển một lượng dầu nhiều gấp rưỡi tàu chở dầu bình thường nhưng các chi phí cho vận hành, thuyền viên, bảo hiểm… chỉ cao hơn có khoảng 15%, cho phép các công ty vận tải dầu mỏ tăng lợi nhuận nhờ tiết kiệm được chi phí. Vì thế, nhu cầu sử dụng tàu chở dầu siêu trọng luôn cao.

    [​IMG]
    Tàu chở dầu siêu trọng là một sản phẩm của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thời đại chúng ta. Tàu chở dầu siêu trọng cần phải có độ bền cơ học rất cao trên suốt chiều dọc của thân tàu, buồng động cơ và tất cả các phần phục vụ sinh hoạt phải được chuyển hết ra phía sau. Và điều quan trọng nhất là toàn bộ thân tàu cũng như các khoang chứa dầu đều được làm bằng kim loại và tất cả các mối ghép nối đều phải được thực hiện bắng phương pháp hàn điện nóng chảy.

    Tàu Batillus

    Batillus là con tàu chở dầu siêu trọng được đóng theo đơn đặt hàng của công ty Royal Dutch Shell vào năm 1976 tại nhà máy đóng tàu Chantiers de l'Atlantique ở Saint-Nazaire, tây bắc nước Pháp. Tên của con tàu này cũng được vinh dự đặt cho lớp tàu siêu trọng đầu tiên, bao gồm tàu Prairial, Pierre Guillaumat và Bellamya – tất cả đều thuộc lớp Batillus. Xét về kích thước, Batillus là tàu chở dầu lớn nhất thế giới, cạnh tranh với nó về mọi mặt chỉ có thể là tàu Knock Nevis. Knock Nevis có tải trọng thiết kế ban đầu nhỏ hơn Batillus, nhưng về sau được nâng cấp lên ngang bằng.

    Là một con tàu danh tiếng lẫy lừng nhưng tàu Batillus lại có số phận gian nan và ngắn ngủi.

    Ngày 6/4/1971 Hãng Royal Dutch Shell đã ra một quyết định quan trọng có tính lịch sử: phải xây dựng một đội tàu chở dầu siêu trọng. Vào tháng 1/1975, các tấm kim loại đầu tiên dành cho việc đóng lớp tàu siêu trọng Batillus đã ra lò. Theo kế hoạch, công việc đóng các tàu lớp này được bắt đầu vào tháng 10/1973. Nhưng chẳng may, đúng lúc đó lại xảy ra thời kỳ khủng hoảng dầu mỏ do cuộc Chiến tranh Yom Kippur (từ ngày 6-26/10/1973 giữa Liên minh Arập và Israel) đã khiến giá dầu tăng vọt và giảm nguồn cung cấp dầu đến các nước phát triển.

    [​IMG]
    Trước tình hình bất lợi như vậy, ban lãnh đạo Hãng Shell đã tính đến chuyện hủy bỏ các hợp đồng đóng tàu. Tuy nhiên, xét thấy rằng việc hủy bỏ hợp đồng sẽ kéo theo những hệ lụy xã hội và tài chính nghiêm trọng cho nhà máy, mà công việc đóng tàu thì lại đang được tiến hành trôi chảy, vì thế Shell đã quyết định tiếp tục thực hiện việc đóng lớp tàu siêu trọng.

    Năm 1976, việc đóng tàu chở dầu siêu trọng Batillus được hoàn tất gần như cùng lúc với cảng dầu mới tại Antifer ở gần thành phố Le Havre, tây bắc nước Pháp, là một trong số rất ít cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu lớp Batillus. Người ta phải cần đến 70.000 tấn thép để đóng con tàu này. Vỏ tàu làm bằng thép cường lực, có chiều dày 27,5 mm. Chi phí đóng con tàu này là 130 triệu USD thời đó. Tổng cộng, con tàu đã thực hiện 25 chuyến vận chuyển dầu, gồm 1 chuyến giữa Bắc Âu và đảo Curacao và 24 chuyến giữa Vịnh Ba Tư và Bắc Âu.

    Trong giai đoạn từ năm 1977-1980, Batillus thực hiện trung bình 5 chuyến vận chuyển mỗi năm, và đó được coi là một chế độ vận hành bình thường. Nhưng trong năm 1982 nó chỉ được “ra trận” 2 lần và năm 1983 là 3 lần. Từ đầu tháng 11/1982 đến tháng 6/1983, Batillus nằm không chờ hàng ở vịnh Ba Tư. Từ ngày 22/8/1983 đến ngày 8/11/1985 Batillus chỉ neo đậu nhàn rỗi trong cảng Vestnes ở Na Uy. Ngày 17/10/1985, ban lãnh đạo của Royal Dutch Shell đã quyết định bán con tàu lừng lẫy một thời này theo giá phế liệu, chỉ 8.000.000 USD. Ngày 28/11/1985, tàu Batillus thực hiện chuyến đi cuối cùng của mình từ cảng Vestnes, Na Uy đến cảng Cao Hùng, Đài Loan, nơi nó được cắt rời thành từng mảnh để lấy sắt.

    Thông số kỹ thuật của tàu Batillus

    Tàu Batillus có chiều dài 414,22 m, chỗ rộng nhất - 63,01 m, chiều sâu mớn nước - 28,5 mét, trọng tải - 553.662 tấn, lượng rẽ nước - 275.276 tấn. Tàu chạy bằng 4 tuabin hơi lớp Stal Laval, truyền động cho 2 chân vịt 5 lưỡi có đường kính 8,5 mét. Vận tốc tối đa của tàu là 16 hải lý/giờ, với mức tiêu thụ nhiên liệu hàng ngày là 335,5 tấn, có thể chạy liên tục 42 ngày không cần tiếp liệu.

    [​IMG]
    Hàng hóa (dầu mỏ) được vận chuyển trong 40 khoang kín có tổng dung tích 677.300 m3, gồm các khoang trung tâm và các khoang độc lập dọc theo phía trong hai bên hông. Cấu hình này cho phép vận chuyển nhiều loại dầu cùng lúc, cũng như giảm nguy cơ ô nhiễm trong trường hợp xảy ra tai nạn. Tàu được trang bị 4 máy bơm để hút dầu với tổng công suất 24.000 m³/giờ.

    Bá Thủy - Petrotimes.vn​
     

Chia sẻ trang này