Thế khó của OPEC khi duy trì thỏa thuận giảm sản lượng dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đối mặt với hàng loạt thách thức khi nỗ lực duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm tám tháng nữa, theo giới phân tích.

Nigeria khống chế sản lượng, Ả rập Saudi giảm xuất khẩu

Hôm 24-7, Ủy ban giám sát cấp bộ trưởng (JMMC) từ các nước OPEC và một số nước sản xuất dầu mỏ lớn ngoài OPEC đã họp tại thành phố St Petersburg (Nga) để thảo luận các giải pháp củng cố thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nhằm giải tỏa lượng dầu tồn kho đang rất lớn trên toàn cầu và cứu giá dầu đang ảm đạm.

c3398_the_kho_cua_opec_2.jpg

Trước đó, tại Vienna (Áo), 11 nước OPEC cùng với 11 nước sản xuất dầu mỏ lớn ngoài OPEC bao gồm Nga ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày (gần 2% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày) từ tháng 1-2017 đến cuối tháng 3-2018. Hai thành viên OPEC Libya và Nigeria được miễn tham gia thỏa thuận Vienna vì hai nước này cần khôi phục sản lượng vốn bị sụt giảm mạnh do trải qua nhiều năm nội chiến và biến động chính trị.

Theo hãng tin CNBC, tại cuộc họp của JMMC, Nigeria cam kết sẽ khống chế trần sản lượng dầu ở mức 1,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức mục tiêu 2,2 triệu thùng/ngày cho năm 2017 mà Nigeria đặt ra vào hồi đầu năm. Hiện nay, sản lượng khai thác dầu của Nigeria đang ổn định ở mức 1,7 triệu thùng/ngày. JMMC không yêu cầu Libya khống chế sản lượng dầu vì cho rằng công suất khai thác dầu của Libya không có khả năng đạt 1 triệu thùng/ngày trong tương lai gần so với công suất 1,4-1,6 triệu thùng/ngày trước khi nội chiến nổ ra ở nước này vào năm 2011.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Saudi Khalid al-Falih cho biết để giúp giảm nguồn cung dầu dư thừa trên toàn cầu, bắt đầu từ tháng tới, Ả rập Saudi sẽ xuất khẩu tối đa 6,6 triệu thùng dầu/ngày, giảm một triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái

Nhiệm vụ bất khả thi

Giới phân tích nhận định thỏa thuận Vienna dù đang được tuân thủ tốt, có thể sẽ đứng trước sức ép trong những tháng tới. “Nhiều nước sản xuất dầu mỏ sẽ nỗ lực tuân thủ thỏa thuận nhưng tôi cho rằng mức độ tuân thủ sẽ không còn như trong nửa đầu năm nay. Dường như OPEC đang thực sự đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi khi vừa nỗ lực siết chặt sản lượng dầu toàn cầu vừa tìm cách ổn định giá dầu”, Victor Shum, Phó chủ tịch phụ trách mảng năng lượng ở công ty tư vấn tài chính IHS Markit (Anh), nói.

Phát biểu tại cuộc họp của JMMC, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Saudi Khalid al-Falih cho biết mức tuân thủ yếu của một số thành viên OPEC tham gia thỏa thuận Vienna và xuất khẩu dầu của OPEC tăng mạnh đã khiến giá dầu giảm trong thời gian vừa qua.

Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Khalid al-Falih nói: “Một số nước tiếp tục tuân thủ kém thỏa thuận là mối lo ngại mà chúng ta phải giải quyết... Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc với những nước không thực hiện thỏa thuận Vienna tốt như các nước khác". Ông khẳng định OPEC sẽ thúc ép các nước tuân thủ đầy đủ cam kết vì đây là một nỗ lực tập thể.

Theo Reuters, Ả rập Saudi và Kuwait cắt giảm sản lượng dầu lớn hơn mức cam kết nhưng một số thành viên khác như Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Iraq tuân thủ rất yếu các cam kết của họ.

Ông Falih đang đứng trước áp lực giữ thỏa thuận Vienna khỏi đổ vỡ trong bối cảnh giá dầu giảm trong những tuần gần đây và tin xấu dồn dập bao gồm thông tin dự báo của hãng giám sát tàu chở dầu Petro-Logistics cho biết sản lượng dầu của OPEC sẽ vượt mức 33 triệu thùng/ngày trong tháng 7-2017, tăng 145.000 thùng/ngày so với tháng trước.

Nguy cơ “ăn gian”

Thỏa thuận Vienna ban đầu giúp giá dầu vượt lên mức 50 đô la Mỹ/thùng nhưng rồi sau đó giảm xuống dưới ngưỡng cản tâm lý này.

Sản lượng khai thác tăng vọt từ các mỏ dầu đá phiến của Mỹ cộng với đà hồi phục sản lượng dầu nhanh chóng ở Libya và Nigeria khiến OPEC gặp khó khăn hơn trong nỗ lực giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu.

Tuần trước, Ecuador, một thành viên OPEC, tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu để bù đắp thâm hút ngân sách. Bộ trưởng Dầu mỏ Ecuador Carlos Perez nói nước này sẽ không tuân thủ thỏa thuận Vienna nữa.

Sản lượng dầu của Ecuador tương đối nhỏ so với các nước OPEC khác nhưng ông Greg Priddy, Giám đốc tài nguyên thiên nhiên và năng lượng toàn cầu ở tổ chức tư vấn Eurasia Group (Mỹ) cho rằng sắp tới, nhiều nước khác có thể sẽ “ăn gian” thay vì tuân thủ thỏa thuận Vienna. Ông nhận định OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu thêm nữa vì động thái này, dù có thể giúp tăng giá dầu, sẽ dẫn đến việc khuyến khích các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đẩy mạnh khai thác.

“OPEC nhận thấy rằng nếu họ giảm tiếp sản lượng, họ sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ giá dầu tăng trong sáu tháng tới nhưng họ sẽ chứng kiến động lực tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ kéo dài đến sang năm, khiến thị phần bị mất thêm và cuối cùng giá dầu sẽ đi xuống để cân bằng cung cầu”, ông nói.

Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường ở công ty môi giới ngoại hối ThinkMarkets U.K (Anh) nói: “Có rất nhiều gian lận diễn ra dù thỏa thuận Vienna mới đi được nửa chẳng đường”.

Trong khi đó, rất khó để thuyết phục Libya và Nigeria tham gia thỏa thuận Vienna. “Nếu bạn trải qua những vấn đề an ninh và chính trị hỗn loạn giống như Libya và Nigeria, bạn sẽ không muốn cắt giảm sản lượng dầu mà chỉ muốn khai thác mọi thùng dầu có thể”, Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu ở công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets (Canada), nói.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top