Những huyền thoại và mốc son trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đối với thành công của ngành Dầu khí Việt Nam, nhìn lại sau hơn 40 năm, có rất nhiều điều chúng ta phấn khởi và tự hào.

Đất nước ta từ chỗ không có dầu đã trở thành một nước có dầu, đã phát hiện ra dầu, khai thác được dầu, xuất khẩu và chế biến được dầu.

Thứ hai là dầu khí đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước, trung bình từ 20%/năm, có những năm lên tới 30%/năm, giai đoạn hiện nay dù thấp hơn nhiều nhưng vẫn còn trên 10%. Các sản phẩm của dầu khí như dầu thô, xăng dầu, điện, đặc biệt là đạm, đều có đóng góp hết sức ý nghĩa cho nền kinh tế góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cả an ninh lương thực Quốc gia.

nhung-huyen-thoai-va-moc-son-trong-tim-kiem-tham-do-khai-thac-dau-khi.jpg

Mỏ Bạch Hổ

Thành công tiếp theo là cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Dầu khí đã được hình thành, tạo cơ sở vững chắc để phát triển ngành Dầu khí cả ở dưới biển, trên bờ, và thềm lục địa. Một điều đặc biệt quan trọng là đội ngũ cán bộ, nhân viên dầu khí sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, đã có thể gánh vác được trách nhiệm to lớn, không những hoạt động ở trong nước mà cả ở nước ngoài.

Một điều nữa, thành công đặc biệt lớn, là góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, ở đâu có giàn khoan thì ở đấy chủ quyền quốc gia được khẳng định và thế giới cũng thừa nhận điều đó.

Để tạo nên những thành công đó, ngành Dầu khí đã đặt những mốc son hết sức quan trọng, có những bước nhảy vọt lớn, tạo nên tên tuổi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở trong nước cũng như quốc tế. Những mốc son đó là:

Tháng 4-1981: Đưa được mỏ khí Tiền Hải vào khai thác và sử dụng khí phát điện phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây là mốc son quan trọng của ngành Dầu khí suốt từ năm 1959.

Ngày 26-6-1986: Đưa mỏ Bạch Hổ - mỏ lớn nhất Việt Nam - vào khai thác. Đây là bước phát triển nhảy vọt của ngành Dầu khí Việt Nam, là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, chuẩn bị, xây dựng, hợp tác quốc tế trong bao nhiêu năm qua. Việt Nam từ nước không có dầu trở thành nước có dầu, nước sản xuất dầu, tạo ra cả một hệ thống liên hoàn tiếp theo.

Ngày 6-9-1988: Khai thác dầu từ tầng đá móng của mỏ Bạch Hổ, bước nhảy vọt lớn thứ hai của ngành Dầu khí. Từ tầng móng này, đến nay, chúng ta đã khai thác được trên 200 triệu tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí, đưa Việt Nam trở thành nước khai thác và sản xuất dầu khí lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển tầng móng này tạo ra bước ngoặt làm thay đổi truyền thống là trước đây chỉ khai thác ở tầng trầm tích, làm thay đổi quan điểm về đối tượng tìm kiếm, thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam, đã tạo động lực cho nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam tìm dầu. Sự kiện đó cũng góp phần vào việc sáng tạo khoa học dầu khí thế giới. Cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.

nhung-huyen-thoai-va-moc-son-trong-tim-kiem-tham-do-khai-thac-dau-khi_1.jpg

Mỏ Đại Hùng

Năm 1995: Bước nhảy vọt lớn thứ ba là lần đầu tiên chúng ta đưa được khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ. Đến năm 2018, chúng ta đã thu gom, xử lý, cung cấp vào bờ hàng chục tỉ m3 khí đồng hành, toàn bộ khí này đang phục vụ cho việc phát điện, sản xuất đạm, sản xuất những sản phẩm hóa dầu và dân sinh.

Ngày 30-9-2010: Chúng ta khai thác được tấn dầu đầu tiên tại mỏ Cực Bắc của Nga; đưa vào khai thác hằng năm 3 triệu tấn, trong đó Việt Nam đều đặn là 1,5 triệu tấn. Hoạt động dầu khí ở nước ngoài đã mang lại những kết quả khả quan.

Nói đến dầu khí không chỉ có thành công, mà còn là ngành chứa đựng nhiều rủi ro, khó khăn, nguy hiểm.

Nói về rủi ro của ngành Dầu khí thì vô vàn, đơn giản như chúng ta tìm giữa biển khơi bao la như thế, trong số hàng trăm nghìn km2 chỉ tìm thấy dầu trong 5-7km2 ở độ sâu khoảng 100 đến vài trăm mét nước, ở chiều sâu dưới đáy biển khoảng 3.000-4.000m. Riêng việc đó đã thấy khó khăn như thế nào, chứ không đơn giản là đi ra thấy nước biển là lấy được dầu.

Nói đến dầu khí là nói đến sự nguy hiểm, rủi ro về cháy nổ, sự cố. Môi trường dầu khí rất nguy hiểm, không chỉ ở nước ta mà ngay cả trên thế giới, những nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển tiên tiến cũng vậy. Ví dụ, tại Mexico đã từng xảy ra một sự cố cháy nổ lớn, phải bồi thường rất nhiều tiền về sự cố môi trường.

Ở Việt Nam, tôi nhớ mãi thời điểm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, một giàn khoan đang khoan nhưng gặp một luồng khí nông đã làm sập giàn. Những hình ảnh như thế đã làm cho những người dầu khí liên tục phải học hỏi, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết, kỹ thuật, nhằm ứng phó và vượt qua được những nguy hiểm, rủi ro.

Có những lúc chứng kiến anh em bị cháy đen, đưa đến bệnh viện cũng không vượt qua được, hay có những anh em trong quá trình hàn, lúc leo trèo khi khoan giàn khoan gần mép nước, gặp sóng to, gió lớn đã rơi xuống biển, phải 7, 8 ngày sau mới tìm thấy thi thể, khi đón về đã không còn nguyên dạng. Những hình ảnh như thế ám ảnh mãi trong tôi.

Tôi nói những điều đó để thấy rằng, ngành Dầu khí không đơn giản là chỉ có thành công, không đơn giản cứ ra biển là có thể múc được dầu, mà nó còn có cả những khó khăn, vất vả, rủi ro và nguy hiểm. Nhưng cũng từ việc thấy được những nguy hiểm đó mà người dầu khí phải nỗ lực, rèn luyện thường xuyên, bảo đảm an toàn tuyệt đối, bởi hậu quả sẽ vô cùng lớn nếu xảy ra sự cố cháy nổ.

Do đó, trong an toàn đã quy định phải có 3 cái “thức”:

Một là, phải nhận thức được rằng, mất an toàn cháy nổ là sự cố cực kỳ nguy hiểm, không những ảnh hưởng cho cá nhân con người mà ảnh hưởng cho cả doanh nghiệp và đất nước.

Hai là, phải có kiến thức. Không thể làm trong ngành Dầu khí mà làm cái gì cũng run, cũng sợ, mà phải có kiến thức để tránh việc cháy nổ xảy ra trong môi trường dầu khí.

Ba là, ý thức. Có nhận thức, có kiến thức rồi mà không có ý thức thì cũng không được.

Ba cái “thức” này phải được tuyệt đối tuân thủ để hạn chế tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra.

Trong suốt hơn 40 năm qua, rất may là không có sự cố lớn xảy ra. Đây là một cái may của ngành Dầu khí trên cơ sở sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên, những người lao động trong ngành. Cái may này duy trì được trên cơ sở chúng ta đã hiểu, đã chú ý, đã cố gắng, đã nỗ lực của cả ngành, của những người dầu khí.

Nói đến dầu khí cần phải nói đến những sự nguy hiểm khác nữa, như tình hình hiện nay, khi hoạt động ở nước ngoài bị khủng bố, hay hoạt động ở Việt Nam thì phải đối mặt với sự phá hoại trên biển như bị tàu Trung Quốc cắt cáp, cản phá tàu bè... Hoặc môi trường làm việc đe dọa những người làm dầu khí mỏ Cực Bắc nước Nga, luôn sống trong môi trường -40oC hết tháng này đến tháng khác. Hay như biển Việt Nam trong mùa gió chướng, gió cấp 6, 7 liên tục, anh em làm việc ngoài biển luôn luôn phải căng mình để chống gió bão, bởi không phải gió bão là dừng việc mà vừa làm việc, vừa chống gió bão, tất cả công việc vẫn phải vận hành bình thường...

Một điều không thể không nhắc đến khi nói về sự thành công, trong 10 dự án không phải tất cả đều thành công, trong đó cũng có 1-2 dự án chưa thành công, nhưng tổng thể vẫn là thành công vì vẫn hiệu quả, đó là điều bình thường đối với dầu khí. Làm cả nghìn việc thì có thể có một vài việc gặp sai sót này sai sót kia, không cố ý, không có động cơ xấu, đó là điều bình thường. Tại sao cả nghìn việc mà chỉ một vài việc thiếu sót thì cho rằng đó là những sai phạm lớn? Sự quy kết đó sẽ làm ảnh hưởng đến động lực của người dầu khí.

Dầu khí Việt Nam hiện nay có hai đặc trưng rất cơ bản. Thứ nhất là dầu tầng móng, đá móng, đây là một điểm rất đặc biệt của cấu trúc địa lý mỏ dầu Việt Nam. Thứ hai là dầu parafin. Hầu như tất cả các mỏ dầu hiện nay của chúng ta là dầu parafin.

nhung-huyen-thoai-va-moc-son-trong-tim-kiem-tham-do-khai-thac-dau-khi-tiep-theo-va-het.jpg

Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ​

Dầu ở mỏ Bạch Hổ lên tới 27% parafin, đây là tỷ lệ rất cao và độ đông đặc của nó là từ 32-36oC, trong khi nước biển của nước ta hiện nay chỉ khoảng 26oC, có nghĩa là khi vận chuyển dầu vào đường ống ở đáy biển được 1-2km là dầu đã đông cứng. Đặc điểm đó đã đặt ra vấn đề hết sức cấp bách trong năm 1986 khi chúng ta phải chuẩn bị khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ.

Thời điểm này, nước ta nhập khẩu thiết bị ở Liên Xô, mà dầu của Liên Xô lúc đó giống hệt dầu ở vùng biển Caspi, là dầu không parafin, do đó trong thiết kế sẽ không có những thiết bị bao gồm xử lý nhiệt, xử lý hóa chất, bọc ống, vùng phóng thoi…, nói cách khác là tất cả những điều khoản để xử lý dầu parafin đều không có, thêm nữa, khi đưa thiết bị về Việt Nam đúng giai đoạn nước ta bị Mỹ cấm vận nên đã không nhập được thiết bị bổ sung. Lúc bấy giờ đòi hỏi lực lượng cán bộ kỹ thuật của nước ta phải nghiên cứu để giải bài toán này, bởi không giải được thì xem như không khai thác được dầu. Đây là vấn đề rất lớn, việc giải được bài toán không đơn giản, công nghệ ra sao, trong bối cảnh bị cấm vận xử lý như thế nào? Cuối cùng, tập thể anh em khoa học chụm lại nghiên cứu và đã tìm ra được công nghệ mang đặc trưng của Việt Nam, giải quyết được vấn đề dầu parafin trong điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ. Và, chính những giá trị khoa học từ sáng tạo này đã được nâng lên thành phương pháp luận và khoa học, thành công nghệ xử lý dầu parafin của Việt Nam, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tôi kể lại một tình huống để có thể biết thêm về những khó khăn thời điểm đấy. Đó là khi đã chuẩn bị xong các phương tiện để làm thử nghiệm vận chuyển, đến phút cuối cùng để đưa dầu xuống biển vận chuyển thì phải làm một quy trình, quy chuẩn để vận chuyển. Khi bộ phận kỹ thuật đã nghiên cứu xong, trình để phê duyệt, lúc bấy giờ những người có trách nhiệm phê duyệt, kể cả ông Viện trưởng người Nga cũng rất e ngại, bởi đây là công trình mang tính chất nguy hiểm, vì nếu như đưa dầu xuống biển mà tắc thì xem như cả đường ống bị bỏ, rồi kể cả mỏ cũng sẽ bị đình lại, không khai thác nữa. Hồi đó có rất nhiều chuyên gia rất giỏi ở Liên Xô chuyên về xử lý dầu parafin mà chúng ta muốn mời sang Việt Nam nhưng đều không được do lịch trình công tác của họ. Cuối cùng, trước sức ép và mọi người cũng chứng minh được cơ sở nghiên cứu của chúng ta nên “phải dũng cảm phê duyệt thôi”, ông Viện trưởng người Nga đã hỏi đùa: “Ở Việt Nam khi đi tù thì người ta cho ăn gì?”. Anh em đùa lại: “Khi đi tù thì mỗi ngày người ta cho ăn 2 quả chuối”. Mọi người đùa bởi biết người Nga rất thích ăn chuối. Ông Viện trưởng người Nga đã đồng ý phê duyệt và đưa vào áp dụng. Thực tế, ngay từ lần đầu tiên đã không thành công, đường ống bị tắc. Thêm rủi ro nữa là anh Nguyễn Hữu Trung, Phó đốc công cùng với chuyên gia Liên Xô loay hoay mãi và đã quyết định nâng áp lực lên vượt quá quy định để đẩy dầu đi... Qua sự khó khăn, gian khổ những ngày đầu, chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học trong quá trình làm việc, quản lý.

Một vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đó là dầu khí phải gắn liền với hợp tác quốc tế. Đặc biệt, trong hợp tác quốc tế, sự hợp tác về dầu khí của Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay là thành công nhất. Tôi có thể khẳng định, nếu như không có sự hợp tác với Liên Xô trước đây thì chúng ta không có ngành Dầu khí như hiện nay. Tại sao như vậy?

Chúng ta phải biết được rằng, từ năm 1959, Bác Hồ sang làm việc và đã đề nghị Chính phủ Liên Xô giúp Việt Nam. Đến năm 1961, nước bạn tiếp tục lần lượt gửi cán bộ sang nước ta, nhưng lúc bấy giờ chỉ tìm dầu khí ở miền Bắc, đến năm 1975, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì mới tìm được mỏ nho nhỏ ở Tiền Hải - Thái Bình. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta thành lập Tổng cục Dầu khí. Tiếp theo, những năm 1977, 1978, 1979, các nước tư bản vào nước ta tìm kiếm dầu rất nhiều, nhưng sau đó đến năm 1979, 1980, tình hình Campuchia phức tạp nên nước ta bị cấm vận và các nước tư bản đã rút hết. Trong bối cảnh đó, Liên Xô vẫn đưa phương tiện, thiết bị, con người để khai thác dầu cho chúng ta. Sự hợp tác với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay có hai sự khác biệt rất quan trọng, đó là:

Các nước tư bản vào Việt Nam tìm kiếm trước hết là vì lợi nhuận, có lợi nhuận thì họ làm, không có lợi nhuận thì họ đi, khi có những vấn đề không phù hợp với lợi nhuận của họ thì họ sẵn sàng bỏ.

Nhưng hợp tác với Liên Xô lại hoàn toàn khác. Liên Xô sẵn sàng đáp ứng 4 mục tiêu khi hợp tác với Việt Nam là: Sớm đưa Việt Nam trở thành nước có dầu; sự hợp tác sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước lúc bấy giờ; xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ để phát triển ngành Dầu khí, chứ không phải làm gì cũng phải đi thuê; cuối cùng là xây dựng được đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Dầu khí có thể đáp ứng được yêu cầu và thực hiện được nhiệm vụ về dầu khí ở Việt Nam. Việc hợp tác với Liên Xô đã đạt được 4 mục tiêu này. Trong đó, việc xây dựng cơ sở vật chất và con người là điều cực kỳ quan trọng đối với ngành Dầu khí, bởi muốn tự chủ, muốn phát triển thì phải có cơ sở vật chất. Bởi ngay cả các nước ở Trung Đông có dầu nhiều như vậy nhưng do không có cơ sở vật chất nên đã bị phụ thuộc vào nước ngoài. Việt Nam nếu không có cơ sở vật chất, căn cứ, bến bãi, kho tàng, cơ sở chế tạo... thì cuối cùng phải đi thuê. Trước đây, khi làm dầu khí, mọi thứ của nước ta đều phải đi thuê hết, nhưng bây giờ nhìn cơ sở vật chất, Việt Nam đã đủ sức để phát triển ngành Dầu khí, những gì thật cần thiết mới phải đi thuê, đi mua, còn lại đa phần là chế tạo, sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây là thành công lớn của chúng ta khi hợp tác với Liên Xô trước đây.

Tiếp nữa là công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ con người. Năm 1985, 1986, nước ta chưa có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chỉ có một số anh em đi học ở Liên Xô về lý thuyết mà chưa có kinh nghiệm thực tế, nhưng khi làm việc thì trưởng thành cùng với các chuyên gia Liên Xô. Sau 40 năm, phải nói rằng ngành Dầu khí đã có một đội ngũ cán bộ mạnh về chuyên môn và kỹ thuật, cũng như dầy dạn kinh nghiệm. Đây là thành công lớn khi hợp tác với Liên Xô, từ đào tạo ở các trường bên Liên Xô cho đến đào tạo trên thực tế tại Việt Nam. Nếu như trong những ngày đầu tiên có tới trên 90% là người nước ngoài tại các công trình dầu khí của nước ta, thì hiện nay, chúng ta đã làm chủ được tất cả các công nghệ tiên tiến nhất trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Đội ngũ này đã và đang làm chủ được ngành Dầu khí, đây là đội ngũ chuyên gia vững mạnh, là nguồn tài nguyên chất xám, phải gìn giữ, phát huy, không được phung phí, bởi phải mất hàng chục năm trời mới tích lũy được kinh nghiệm, đây là của quý, là tài nguyên quốc gia phải bảo vệ.

Tôi cho rằng, đất nước ta hiện nay vẫn rất cần những con người như thế, bởi dù điều kiện địa chất phức tạp hơn, phải ra xa hơn, nước sâu hơn, nhưng nguồn dầu khí chúng ta vẫn còn, đội ngũ này có vai trò quan trọng tiếp tục xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

 

Việc làm nổi bật

Top