Thế là không sòng phẳng!

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Từ hôm qua 1-10, giá gas bán lẻ của hàng loạt thương hiệu đồng loạt tăng 15.000 đồng/bình 12kg với nguyên nhân được đưa ra là do giá hợp đồng giao tháng 10 (giá CP) tăng 47,5 đô la Mỹ/tấn so với giá chốt tháng 9. Vậy nhưng, chính người trong ngành gas cũng thừa nhận, nếu tính đúng, giá gas có thể chỉ tăng khoảng phân nửa mức tăng đã công bố.

Người làm trong ngành gas chia sẻ, đúng là giá CP chốt tháng 10 tăng 47,5 đô la Mỹ/tấn nhưng cũng từ đầu tháng 10, có một yếu tố khác đã biến động mạnh theo hướng giảm, đó là premium (khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm…). Mỗi công ty đầu mối nhận mức giảm khác nhau vì còn tùy quy mô, giá trị đơn hàng… Có công ty trên dưới 20 đô la Mỹ/tấn nhưng lại có đơn vị được đến 30 đô la Mỹ/tấn.

11b.jpg

Vì vậy, nếu tính yếu tố này vào thì giá gas bán lẻ tháng 10 chỉ tăng trong khoảng 6.000-8.000 đồng/bình 12kg, tức thấp hơn phân nửa so với mức 15.000 đồng/bình 12kg mà các doanh nghiệp kinh doanh gas đã đồng loạt thông báo hôm 30-9.

Việc tăng giá theo mức tăng của giá CP, thay vì có tính toán đến premium, có thể chấp nhận được ở góc độ nào đó vì người kinh doanh thì ai cũng muốn đạt lợi nhuận tốt nhất khi có thể.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại cách hành xử của các doanh nghiệp gas khi ở tình hình ngược lại thì sẽ thấy mức tăng 15.000 đồng vừa qua là không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Có rất nhiều thời điểm, giá CP giảm nhưng vì premium được các nhà cung cấp điều chỉnh tăng 20-30 đô la Mỹ/tấn nên giá bán lẻ được các công ty gas đầu mối điều chỉnh giảm thấp hơn mức giảm của giá CP.

Cũng có không ít thời điểm, giá CP và giá premium đều tăng và ngay lập tức, công ty gas đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ tăng có tính đầy đủ hai yếu tố trên.

Vì vậy, lần này, khi giá CP tăng nhưng premium lại điều chỉnh giảm khá mà các công ty kinh doanh gas chỉ tính đến CP, “quên” yếu tố còn lại là một sự không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Chưa hết, chính những người trong ngành cũng thừa nhận, đáng ra mỗi công ty tùy vào mức giảm của premium có thể đưa ra mức tăng giá tốt cho người tiêu dùng nhưng vì phải nhìn qua, nhìn lại các doanh nghiệp khác, nhất là các “anh cả”, chiếm thị phần lớn, có tiếng nói trên thị trường nên cuối cùng tăng giá theo nhau.

Mức tăng 15.000 đồng/bình 12kg đã được “bàn bạc”, “thống nhất”. Tất nhiên, các trao đổi chỉ bằng miệng, không lưu ở bất kỳ bút tích nào.

Nói như vậy thì rõ ràng, các doanh nghiệp gas đã có sự liên kết, thậm chí “thông đồng” về giá, một hành vi bị cấm theo Luật Cạnh tranh nhưng lại không thể xử lý.

Một vấn đề cũng cần nhắc nữa, đó là gas là mặt hàng chịu sự quản lý về giá. Theo quy định hiện hành, mỗi lần điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, các doanh nghiệp phải đăng ký giá, trong đó phân tích các yếu tố trong cơ cấu giá với cơ quan chức năng, là ban vật giá của sở tài chính tỉnh, thành phố hoặc Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính (tùy cấp quản lý).

Vậy nhưng, lần này, dường như các yếu tố đã được báo cáo không đầy đủ hoặc không được xem xét cẩn thận!

Các doanh nghiệp gas và cơ quan quản lý mặt hàng này luôn khẳng định, giá gas đã tuân theo quy luật thị trường, tức bám sát giá thế giới. Tuy nhiên, xem ra, điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhất là lúc tăng giá.

Giá gas tại Việt Nam hiện nay được cung cấp từ 2 nguồn: sản xuất trong nước (Nhà máy Dinh Cố, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Nhà máy Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi) và nguồn nhập khẩu.

Giá được xác định theo công thức:

P = ((CP + Pre)*(1+ thuế suất thuế nhập khẩu))* Tỷ giá bán đô la Mỹ - đồng Việt Nam của ngân hàng.

Trong đó, CP là giá CP được công bố bởi Saudi Aramco. Hàng nhập khẩu và hàng trong nước đều tính theo giá CP này.

Pre (Premium) là toàn bộ các chi phí vận chuyển, bảo hiểm ngoài nước (đối với hàng nhập khẩu) và là mức phụ phí thị trường, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, quản lý, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp (hàng mua từ các nhà máy trong nước).

Premium được thực hiện theo hình thức đấu giá (các doanh nghiệp kinh doanh gas tham gia đấu giá mức Premium khoảng 6 tháng một lần với nhà cung cấp trong nước để xác định mức giá hàng giao hàng tháng)

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top