Tổng thầu trên biển

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hơn một thập kỷ qua, PVN đã thực hiện thành công hơn 50 dự án tổng thầu EPCI.

Hơn một thập kỷ qua, các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã thực hiện thành công hơn 50 dự án tổng thầu EPCI, góp phần đưa nền công nghiệp Việt Nam lên bản đồ thế giới mà Biển Đông 1 và Tam Đảo 05 là minh chứng sinh động nhất.

Từ Biển Đông 1

Phải lên tận tầng thượng tòa nhà điều hành sản xuất hình mũi tàu của Công ty CP Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC M&C mới có đủ không gian để tôi chụp được mấy tấm ảnh đẹp về khu tổ hợp thiết bị, chế tạo và đóng mới khối thượng tầng giàn PQP Topside (hạng mục quan trọng và phức tạp nhất về công nghệ của Dự án Biển Đông 1), dự án dầu khí lớn nhất do chính bàn tay và khối óc của kỹ sư và công nhân ngành dầu khí Việt Nam đảm nhận. Đây là thành quả lao động sáng tạo và quyết liệt của đội ngũ cán bộ, công nhân PTSC, đánh dấu bước trưởng thành ngoạn mục của ngành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí, mở ra triển vọng mới cho ngành cơ khí Việt Nam.

tong-thau-tren-bien_181656800.jpg

Hơn 30 năm làm báo, đến các công trường xây dựng, tôi đã nhiều lần nhìn thấy những thiết bị siêu trường, siêu trọng, tua bin, máy phát ở các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, lọc dầu…,vậy mà đến đây, phóng cặp mắt nhìn đại công trường rộng lớn cùng những giàn khoan khổng lồ, những blog nhà ở hiện đại, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng và thán phục những người thợ cơ khí của PTSC.

Dự án Biển Đông 1 (còn được coi là con khủng long biển) được coi là dự án phức tạp nhất lúc ấy của ngành dầu khí về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế và cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác lên đến 20.500 tấn cùng hệ thống đường ống và cáp ngầm. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ được người Việt Nam thực hiện. Chỉ riêng việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2 để đặt lên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1.720 tấn/m (dài) đã là việc đầy cam go, phức tạp. Bằng trí tuệ và các giải pháp thi công tối ưu chưa được sử dụng ở Việt Nam, những kỹ sư và công nhân PTSC M&C đã tạo ra mặt có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam -53 tấn/m2. Các cần cẩu siêu trọng tay với dài có sức nâng 1.200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới thực hiện được. Với những kết quả ấn tượng, PTSC đã khẳng định vị thế là một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực. Đây là một trong hơn 40 dự án cơ khí trên biển mà PTSC đã thực hiện trong nhiều năm qua….

Đến Tam Đảo 05

Nếu như Biển Đông 1 là niềm tự hào, là trí tuệ của PTSC –MC thì giàn khoan tự nâng 120m nước Tam Đảo 05 lại là niềm tự hào và trí tuệ của Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), một doanh nghiệp rất non trẻ của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Trước đó, PV Shipyard cũng đã đảm nhận vai trò tổng thầu Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03. Đây là công trình cơ khí trọng điểm đầu tiên do Việt Nam chế tạo, chất lượng tương đương với giàn khoan do Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo. Hơn thế, Tam Đảo 05 còn là một bước nhảy vọt về chất, minh chứng cho thấy người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan.

tong-thau-tren-bien_181655740.JPG

Hôm chúng tôi đến cảng Vũng Tàu, giàn Tam Đảo 05 đang cân chỉnh và hoàn thiện để bàn giao cho chủ đầu tư. Một tay giữ mũ bảo hộ lao động, tay kia bám chặt vào tay vịn, tôi cố leo lên chiếc thang sắt lên tầng cao nhất và cũng là phòng điều khiển trung tâm của giàn. Chiếc mũi khoan to đùng thò ra, rồi thụt xuống theo sự điều khiển của các kỹ sư và công nhân. Một lần nữa, tôi lại choáng ngợp, sững sờ bởi khối sắt thép khổng lồ cùng rất nhiều thiết bị, máy móc với đủ loại âm thanh.

Kỹ sư Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Thiết kế PV Shipyard cho biết: Giàn Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của Hoa Kỳ, khả năng chuyên chở 2.995 tấn, tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120m và khả năng khoan tới mỏ dầu, khí ở độ sâu 9 km. Đây cũng là công trình kết cấu thép lớn nhất từ trước đến nay, nặng 13.699 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện… và nặng gấp 1,5 lần Tam Đảo 03. Toàn bộ công trình có giá trị 230 triệu USD và đã được PV Shipyard sử dụng phương pháp Skidding (kéo trượt trên đường), phương pháp vận chuyển hiện đại lần đầu tiên được áp dụng trong nước.

Điều đáng nói là việc thiết kế chi tiết (từ mua sắm, bản vẽ chế tạo, phương án thi công và quy trình chạy thử (theo hình thức tổng thầu EPCI) đều do kỹ sư Việt Nam thực hiện với 805 bộ bản vẽ chi tiết. Mặc dù chỉ chiếm 6% của dự án, nhưng thiết kế chi tiết lại đóng vai trò rất quan trọng vì chỉ một sai sót sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng dự án. Đây cũng là dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao 46% và có quy mô lớn về khối lượng và kích thước. Vì vậy, một trong những thách thức lớn khi chế tạo là phải chống và sửa biến dạng trong quá trình lắp đặt. Điều này đòi hỏi cực kỳ chính xác từ khâu thiết kế khối chân đế cho đến phần thân giàn.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí VN Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Việc đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05 có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược SXKD của Vietsovpetro, tiết giảm ngoại tệ, tăng cường năng lực và tạo thế chủ động cho Vietsovpetro trong công tác khoan thăm dò, khoan khai thác ở các vùng nước sâu hơn, độ nghiêng lớn và khó hơn. Với Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05, PV Shipyard đã rút ngắn khoảng cách bằng chính sức trẻ, tạo dấu ấn và bước đột phá ngoạn mục cho ngành cơ khí hàng hải nước nhà.

Tổng thầu EPCI

Hơn 10 năm trước, tôi đã theo những người thợ Lilama đi làm tổng thầu EPC ở dự án nhiệt điện Uông Bí, Cà Mau, Nhơn Trạch…Vì vậy, với tôi, khái niệm tổng thầu EPC không có gì là xa lạ. Trong một lần làm việc với tôi, TGĐ PTSC Phan Thanh Tùng bảo rằng: doanh nghiệp của anh đã thực hiện tổng thầu EPCI nhiều dự án làm tôi không khỏi ngạc nhiên và hỏi lại, sao anh lại thêm chữ I vào đó?. Như gãi đúng chỗ ngứa, Tùng giải thích: I tiếng Anh nghĩa là lắp đặt trên biển. Nếu làm tổng thầu EPC đã khó khăn, phức tạp, rủi ro thì làm tổng thầu EPCI còn khó khăn, phức tạp, rủi ro hơn nhiều. Các dự án tổng thầu EPC hoàn toàn thực hiện trên đất liền, còn các dự án tổng thầu EPCI sau khi đã hoàn thành nhà máy hay dự án còn phải vận chuyển khối sắt thép khổng lồ ấy, những “con khủng long” ấy ra biển và lắp đặt nó ở độ sâu từ 70 m đến 150 m tùy vào quy mô dự án hay địa lý, địa chất của biển.

Việc vận chuyển các cấu kiện lớn, to nặng mấy chục ngàn tấn trên biển là hết sức khó khăn, phức tạp. Điều này đòi hỏi nhà thầu phải tính toán, phân tích độ rủi ro rất chi tiết và tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn lao động. Thế mới biết, những kỹ sư và công nhân của PTSC đã phải làm việc trong điều kiện cam go và thử thách biết nhường nào.

Bùi Hoàng Điệp, GĐ Dự án Biển Đông 1 là một trong các gương mặt trẻ tiêu biểu ấy cho biết: Điều khó khăn, phức tạp nhất khi triển khai các hợp đồng EPCI là, người ta hoàn toàn chủ động xây dựng, lắp đặt nhà máy hay dự án trên bờ, còn trên biển việc vận chuyển và lắp đặt chỉ có thể thực hiện từ tháng 3 - 9 hàng năm, là những tháng được coi là sóng yên biển lặng. Vì thế, tiến độ thi công, chế tạo thiết bị trên bờ phải tính toán sao cho khớp với việc thi công trên biển bởi nếu chậm là mất luôn cả năm. Khi đưa những công trình, những dự án khổng lồ ra biển phải chuẩn bị rất kỹ, chỉ cần thiếu một chiếc ốc, vít nhỏ hoặc sai sót một chi tiết thì việc khắc phục sẽ rất khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, việc thuê các đội tàu rất đắt, thường là 300 - 400 ngàn đô la một ngày. Một đội tàu làm việc trên biển có giá lên đến 400 đến 500 triệu đô la và không phải lúc nào cũng thuê được.

Việc lắp các giàn khoan, các khối thượng tầng cũng có nhiều cách, nhiều kiểu. Các dự án có tổng trọng lượng từ 4.000 tấn trở xuống thường lắp bằng cần cẩu, còn các dự án có khối lượng từ 4.000 tấn trở lên phải làm theo phương pháp đánh chìm sà lan hoặc trượt. Sau khi lắp xong, các thiết bị điều khiển hiện đại cùng các thợ lặn (như con robot) phải lặn xuống độ sâu 133m để kiểm tra, cân chỉnh lại. Do việc vận chuyển và lắp đặt trên biển khó khăn, phức tạp như vậy nên tỷ trọng của phần I chiếm tới 30% giá trị dự án EPCI.

Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top