Tranh cãi quanh việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trước lo lắng về những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo có thể loại doanh nghiệp nhỏ khỏi thị trường, nhiều nhà phân phối vẫn cho rằng giữ tiêu chuẩn cao là cần thiết với một ngành nghề cần làm ăn bài bản như kinh doanh gas.

Quy định trước đây về điều kiện kinh doanh khí đốt hoá lỏng (gas) là Nghị định 107/2009 yêu cầu thương nhân phân phối phải có tối thiểu 300.000 bình, kho chứa 800 m3. Nghị định 19/2015 đã giảm tiêu chí xuống lần lượt còn 100.000 vỏ và 300 m3. Đây cũng chính là điểm gây tranh cãi, khi nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn lo ngại phá sản trước những điều kiện đưa ra quá sức với họ, trong khi các ông lớn lại ủng hộ "để tránh rối loạn cho thị trường".

Ông Nguyễn Thế Nhân - Giám đốc Công ty Hoàng Ân (Tây Ninh) cho rằng, so với những tiêu chuẩn trước tại Nghị định 107 thì điều kiện để trở thành thương nhân phân phối gas tại Nghị định 19 đã hạ chuẩn khá nhiều và không nên hạ chuẩn thêm nữa. Theo vị này, hành lang pháp luật đưa ra không thể thỏa mãn cho tất cả doanh nghiệp. “Không lẽ quy định hiện tại đã hạ chuẩn so với trước, nay vì doanh nghiệp kêu khó thực hiện nên sẽ phải hạ chuẩn tiếp hay sao?”, ông Nhân đặt vấn đề và nhấn mạnh, đây là cơ hội buộc các doanh nghiệp phải làm ăn bài bản, chính quy hơn chứ không thể làm bậy, luộm thuộm như trước.

Vị Giám đốc cho hay đây là sự đúc kết từ kinh nghiệm của chính ông. Khi mới bắt đầu kinh doanh, doanh nghiệp của ông đã “bắt tay” sang chiết gas lậu để kiếm lời. “Sau một thời gian tôi nhận ra rằng, nếu cứ chỉ kinh doanh theo cách này, làm bậy mãi thì doanh nghiệp khó lòng tồn tại được. Đứng trước sự lựa chọn một là phải vươn lên, thay đổi để phát triển hoặc “sống mòn” mãi cùng sang chiết gas lậu, chúng tôi đã buộc phải làm mới để tồn tại”, vị Giám đốc chia sẻ. Ông cũng thẳng thắn, nếu xác định kinh doanh gas thì không thể làm ăn chộp giật.

Còn theo ông Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Gas Petrolimex, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư lớn, kinh doanh bài bản, có tính hệ thống. Do vậy, các quy định vỏ bình, kho chứa như tại Nghị định 19 là phù hợp, nên giữ vì đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, các nhà phân phối cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong kinh doanh.

Riêng với quy định trạm nạp phải thuộc sở hữu một thương nhân phân phối theo quy định tại Nghị định 19, ông Hoàng Anh cho là hợp lý khi có thể khống chế được tỷ lệ gas giả trên thị trường. Thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam cho thấy, sang chiết lậu hiện chiếm tới từ 18-25% tổng lượng gas tiêu thụ trên thị trường. Nếu năm 2015 tiêu thụ khoảng 1,3 triệu tấn thì một phần tư là gas lậu từ các trạm sang chiết, nạp gas lậu. Nhà nước thất thu, doanh nghiệp thiệt hại, nhưng nguy hiểm hơn là người dân phải trả tiền để dùng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

“Nghị định không gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, mà ở đây quy định rõ, chặt chẽ hơn. Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng được là thương nhân đầu mối thì có thể là tổng đại lý, đại lý… Thậm chí nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… quy định của chúng ta còn thông thoáng hơn”, ông Hoàng Anh bình luận.

Ông Nguyễn Thế Nhân cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng, quy định siết chặt hoạt động kinh doanh gas là “gạt bỏ doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường”. “Thực ra không ai cấm anh làm gas mà do năng lực. Không thể cứ doanh nghiệp kêu rồi cơ quan quản lý lại phải chạy theo hạ chuẩn và nếu nhân nhượng sẽ rối loạn thị trường”, ông nói.

Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị không hạ chuẩn về quy định đủ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối và phân phối, giữ nguyên như quy định tại Nghị định 107/2009. Việc giữ nguyên quy chuẩn sẽ xây dựng được các doanh nghiệp có đủ tiềm lực phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam. Ngoài ra, việc quy định quản lý bình gas giữa doanh nghiệp đầu mối và đại lý sẽ tạo ra cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm cũng như trách nhiệm liên quan đến cháy nổ bình gas.

gas-3846-1475428527.jpg

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh gas cũng cho rằng, một số quy định tại văn bản còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Anh, hiện Nghị định 19 quy định một đại lý chỉ được ký với một tổng đại lý hoặc 3 thương nhân đã phần nào hạn chế quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. “Nên tự do hóa thương mại chứ không nên khống chế đối tác quan hệ thương mại của doanh nghiệp”, ông nói.

Còn Giám đốc Công ty Hoàng Ân thì đề nghị quy định này cần mở rộng hơn với các doanh nghiệp đã được công nhận là thương nhân phân phối, sẽ được ký với 2-3 thương nhân khác để kinh doanh song song, đa dạng sản phẩm, người tiêu dùng cũng có quyền chọn các thương hiệu gas có uy tín để sử dụng.

Trước những ý kiến còn trái chiều về Nghị định 19, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, cách đây một tháng, Bộ trưởng đã ra chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở một chuỗi kinh doanh LPG chứ không phải là có ý định gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi ngành”, Thứ trưởng khẳng định.

Anh Minh - vnexpress.net​
 

Việc làm nổi bật

Top