Việt Nam sẽ có thêm quỹ bình ổn giá điện?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong dự thảo được Bộ Công thương công bố có đề cập tới việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện.

Rút ngắn khoảng cách giữa hai lần tăng giá điện

Bộ Công Thương công bố dự thảo lấy ý kiến về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó có nhiều điểm mới về thời gian tối thiểu điều chỉnh giá điện cũng như nguyên tắc điều chỉnh.

Theo dự thảo, trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...) so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

Khi các chi phí đầu vào tăng làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá hiện hành từ 3 - 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân tương ứng. EVN chỉ cần báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

Nếu cần tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân cần điều chỉnh vượt phạm vi khung giá, EVN phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện), quy định yêu cầu EVN giảm ngay giá bán điện ở mức tương ứng, bất kể mức giảm là bao nhiêu.

Như vậy, so với quy định hiện hành, cả mức điều chỉnh tăng và thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân đều được giảm xuống. Theo quyết định 69/2013/QĐ-TTg đang áp dụng, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng, giá điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Sẽ thành lập quỹ bình ổn giá điện?

Đáng lưu ý dự thảo lần này đề cập tới việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện.

Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.

EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

viet-nam-se-co-them-quy-binh-on-gia-dien_161020819.jpg

Như vậy, bên cạnh quỹ bình ổn giá xăng dầu, Việt Nam sẽ có thêm quỹ bình ổn giá điện. Trả lời Tuổi Trẻ về căn cứ lập quỹ bình ổn, căn cứ nào để quyết định xả quỹ bình ổn, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho rằng việc lập quỹ bình ổn giá điện đã được quy định trong Luật giá năm 2012, quy chế xả quỹ sẽ do Bộ Tài chính hướng dẫn.

GS.VS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng cho biết ý tưởng hình thành quỹ bình ổn giá điện đã có từ lâu, giờ chỉ chính thức hóa.

Tuy nhiên, theo ông Long, nếu thành lập quỹ mà tính vào giá thành thì không nên, bởi sẽ cộng thêm một khoản chi phí tính vào giá điện, yêu cầu dân trả. “Nếu trích quỹ thì nên lấy nguồn từ lợi nhuận của ngành điện sẽ hợp lý hơn” - ông Long nói.

Không phản đối việc giao quyền cho EVN điều chỉnh giá nếu đầu vào tăng 3 - 5%, nhưng ông Long cho rằng khoảng cách giữa hai lần tăng giá nên nghiên cứu kỹ, nếu có thể thì nâng lên 6 tháng…

Theo: báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top