Bộ Công Thương họp xem xét thu hồi 2 dự án tỷ USD

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Dự án Trung tâm điện lực (TTĐL) Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du đều do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư sẽ được Bộ Công Thương đưa ra bàn thảo tại cuộc họp tổ công tác giải quyết vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư đối với 2 dự án này.

Một nguồn tin riêng cho biết, hôm nay (20/3), Bộ Công Thương sẽ có cuộc họp tổ công tác để giải quyết vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư TTĐL Kiên Lương và Cảng Nam Du. Cuộc họp do ông Hoàng Quốc Vượng Thứ trưởng Bộ này chủ trì. Như đã biết, Do chậm tiến độ, Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du sẽ bị thu hồi chủ trương đầu tư.

Được Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư từ năm 2008, dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 là một trong những dự án trọng điểm của cả nước và tỉnh Kiên Giang.

1354_11.jpg

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 600 MW. Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương đã được Bộ Công thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha; trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm diện tích khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, do quá trình chuẩn bị đầu tư rất chậm do chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án. Chính phủ đã có những tháo gỡ cụ thể nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án như chuyển hình thức đầu tư dự án sang hình thức Hợp đồng BOT với các cam kết bảo lãnh của Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện Kiên Lương.

Được biết, ngày 08/4/2008, Hợp đồng lập DAĐT dự án NMĐ Kiên Lương 1 đã được ký kết giữa Tập Đoàn Tân Tạo và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện các Bộ ngành Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Kiên Lương là một trong năm TTĐL đốt than xem xét phát triển trong khu vực phía Nam, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (TSĐ 6) giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng trong khu vực cũng như của hệ thống điện toàn quốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước dự kiến với mức tăng trưởng cao và cho trường hợp tăng trưởng đột biến về điện.

Chính Phủ đã có văn bản cho phép Tập Đoàn Tân Tạo lập dự án đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy điện 4400MW và cảng biển nước sâu tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Để triển khai chủ trương trên, Tập đoàn Tân Tạo đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương và ký hợp đồng tư vấn với Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 và lập qui hoạch tổng thể Trung Tâm Điện Lực Kiên Lương với qui mô công suất khoảng 4400MW.

Theo tìm hiểu, thì đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công thương họp bàn về vấn đề này, trước đây Bộ này cũng đã có Văn bản số 8336/BCT-ĐL của Bộ Công thương về thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du; gửi kèm Văn bản số 395/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm điện lực Kiên Lương, Cảng nước sâu Nam Du, tỉnh Kiên Giang xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2394/BXD-HĐXD phúc đáp Bộ Công thương với nội dung như sau: Theo nội dung Văn bản số 395/TB-VPCP ngày 24/8/2017 thì Dự án nhà máy điện lực Kiên Lương 1 được Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư năm 2008, trong quá trình chuẩn bị dự án, nhà đầu tư (Cty CP Năng lượng Tân Tạo - Tập đoàn Tân Tạo) gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án.

Đối với nội dung về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức tại Luật Xây dựng năm 2014 bao gồm các quy định năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu khảo sát, thiết kế; nhà thầu thi công... và Ban Quản lý dự án, không bao gồm quy định về năng lực thực hiện dự án của nhà đầu tư.

Trong khi đó, Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du có vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với công suất 12 triệu T/năm (than) và 5 triệu tấn/năm (hàng tổng hợp), tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 80.000 DWT.Giai đoạn 2 là 50 triệu T/năm (than) và 12 triệu T/năm (hàng tổng hợp), tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 150.000-200.000 DWT.

Đây cũng là một trong 2 dự án do Tập đoàn Tân Tạo của Bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ đầu tư.

Theo Nhà đầu tư
 

Việc làm nổi bật

Top