Chàng kỹ sư dầu khí với nỗi niềm “Nông Nghiệp Lười”

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
29 tuổi, sở hữu bằng Master chuyên nghành kỹ thuật Dầu khí, với 6 năm làm việc tại công ty đa quốc gia hàng đầu Việt Nam về khai thác dầu khí, nhưng với nỗi niềm day dứt về một nông nghiệp sạch, Lê Nam Trà đã và đang từng bước xây dựng cho mình một thương hiệu riêng về thực phẩm tự nhiên. Mà theo cách gọi của anh, đó là “ Nông Nghiệp Lười”.

Nỗi niềm trăn trở của người con chưa kịp báo hiếu

Gặp anh vào một buổi hội thảo các doanh nghiệp tại khách sạn Sheraton, Hà nội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị về “Nông Nghiệp Lười” mà anh đang xây dựng. Tôi có thắc mắc, với vị trí là kỹ sư trưởng phòng điều khiển trung tâm của một công ty dầu khí đa quốc gia, với mức lương gần 100 triệu mỗi tháng, vậy lý do nào đưa anh đến với con đường Nông nghiệp?

Anh cho biết, sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ anh đã theo mẹ ra đồng trồng lúa, trồng ngô, cũng có lúc cùng chị em bắt châu chấu mỡ về ăn, bị đỉa bám đầy chân. Tuổi thơ cơ cực nhưng bây giờ nhìn lại anh mới thấy “Ngày đó nền nông nghiệp Việt Nam còn rất lạc hậu nhưng chất lượng thực phẩm thì vô cùng đảm bảo”, môi trường trong sạch và không ô nhiễm như bây giờ.
Rồi một ngày mẹ anh đổ bệnh, căn bệnh ung thư khiến bà yếu dần, sức khỏe vốn đã không tốt vì nghề nông cực khổ nay càng thêm suy giảm. Nhưng điều khiến anh buồn hơn là “chất lượng thực phẩm ngày nay rất kém”, tạo điều kiện cho bệnh ung thư phát triển gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Anh tâm sự “Năm 2014, sau 1 năm nằm viện, mẹ tôi qua đời vì căn bệnh ung thư, đó là cú sốc quá lớn với tôi. Tôi suy sụp và mất phương hướng hoàn toàn”.

Quãng thời gian đó thực sự khó khăn với Lê Nam Trà, nhưng may mắn khi bên anh có một người luôn đồng hành và giúp đỡ anh vượt qua nỗi đau mất mẹ, đó là anh Nguyễn Tất Hoàn, phó giám đốc một công ty khai thác dầu khí thuộc Tổng công ty PVEP Việt Nam. Nhớ lại chính anh cũng phải cảm thán chia sẻ: “Thời điểm tôi khó khăn nhất, anh đã ở bên giúp đỡ tôi rất nhiều. Hai anh em chúng tôi đều có một nỗi đau mất mẹ khi chưa kịp báo hiếu. Mẹ anh cũng qua đời vì căn bệnh quái ác đó”. Và cũng chính sự đồng điệu này đã khiến họ nảy ra một ý tưởng tiền thân cho “Nông Nghiệp Lười”

Anh nói: “Chúng tôi tự nhủ sẽ làm sao để bảo vệ những người thân của mình và những người Việt Nam trống lại căn bệnh này. Vậy là hai anh em chúng tôi lên rừng xuống biển đi tìm những giống gien thuốc quý của Việt Nam, gặp gỡ nhiều vị thầy thuốc Đông y trên Sapa, Điện Biên, Hòa Bình. Chúng tôi mua lại 9 ha đồi núi tại tỉnh Hòa Bình để trồng thuốc. Ban đầu khu đó chỉ là rừng rậm, vô cùng khó khăn, chúng tôi phải thuê máy xúc, xe lu để san lấp, cải tạo dòng dã trong 6 tháng. Bây giờ chúng tôi đã có 10,000 gốc xạ đen, tam thất. Đấy là bước đầu cho con đường xây dựng nên chuỗi Nông Nghiệp Lười BÁC BA PHI của tôi”

Nỗ lực mang thực phẩm tự nhiên đến với xã hội

Năm 2014, Lê Nam Trà khởi đầu quyết tâm của mình bằng việc xây dụng trang trại nuôi heo rừng với diện tích 1.5 ha, tại Thôn Cời, thị trấn Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Anh thuê lại 1 số mảnh ruộng của bà con dân tộc Mường, trồng rau khoai để tạo thức ăn cho đàn heo. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên heo phát triển không tốt. Tôi hỏi tại sao anh không cho heo ăn cám công nghiệp để tang năng suất. Anh cho biết: “ Với tư duy Nông Nghiệp Lười, nghĩa là hãy để vạn vật sinh sôi phát triển một cách tự nhiên như chính nó, không nên tác động vào quá trình tiến hóa của chúng bằng bất kì phương pháp nào. Heo ăn rau, củ, quả, tắm bùn, thì hãy để nó phát triển như vậy. Khi bắt đầu làm, tôi không đặt lợi nhuận lên hàng 4 hàng 5 chứ đừng nói là hàng đầu, nên tôi chỉ cho heo ăn rau khoai, chuối, thả rông, tắm bùn “.

chang-ky-su-dau-khi-voi-noi-niem-nong-nghiep-luoi-1.jpg

Sau 2 năm, hiện đàn heo của anh có hơn 100 con trong đó có 10 heo nái, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 5-7 con, với chất lượng heo con khỏe mạnh. Chuồng trại cho heo Nái được anh xây dựng cách xa khu heo trưởng thành và vô cùng khoa học. Heo sau khi sinh, anh cho cây thuốc, rau rừng, cám ngô, uống nước giếng để giữ vệ sinh cho chất lượng sữa được tốt nhất. Đầu năm 2016, anh đã thành lập công ty cổ phần dịch vụ BBP, với thương hiệu sản phẩm mang tên BÁC BA PHI (Tên một nông dân người Cà Mau sống vào thế kỷ 19). Kênh bán hàng thông qua website www.thucphambacbaphi.com.

Bên cạnh đó, những ngày tháng làm việc trên giàn khoan tại biển Đông và ngược xuôi khắp đất nước, anh nhận thấy nguồn hải sản của vùng biển VIệt Nam khá chất lượng, nhưng sản phẩm đến với người dân thì chất lượng đã không còn được đảm bảo do một số cơ sở dùng hóa chất để bảo quản. Bằng mắt thường sẽ khó có thể nhận biết được. Đầu năm 2016, anh đã kết hợp cùng một người bạn tại huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định, khai thác 3 con tàu đánh cá xa bờ, với công suất 30 tấn mỗi tàu. Quy trình bảo quản được anh tìm hiểu thông qua internet và tài liệu tại trường đại học thủy sản Nha Trang để viết lên.

“Chúng tôi tuyệt đối không xử dụng chất bảo quản trong quá trình giữ lạnh hải sản, từng loại hải sản được quy định giữ trong kho lạnh một thời gian cụ thể để bảo đảm chất lượng tốt nhất. Nếu sản phẩm quá hạn sẽ được mang đi làm phân bón vi sinh cho rau xanh”, anh cho biết.

Sắp tới, anh cùng một số người nông dân tại Gia Lâm, bãi giữa sông Hồng sẽ làm dự án “rau xanh lười”. Hiện tại anh đã ký hợp đồng với 10 hộ dân tại bãi song Hồng trồng rau xanh theo mùa, quy trình chăm sóc rau xanh do anh soạn thảo dựa trên tài liệu của một số kỹ sư Nông nghiệp Nhật Bản. Hệ thống tưới nước tự động đã được xây dựng. Anh chọn khu vực bãi giữa song Hồng với lý do: chất lượng đất trồng tại đây rất tốt, nhiều phù sa, chất lượng nước thì quá tuyệt vời, không khí sạch, trong lành. Điều đó rất có lợi cho sự phát triển của thực vật. Anh cho biết, tất cả sản phẩm của anh đều sẽ là “sản phẩm Lười”. Người nông dân tuyệt đối không được phun thuốc, sử dụng chất kích thích để phòng sâu bệnh, dế, côn trùng phá hoại. Chỉ được dùng phân bò sữa ủ cùng tro đốt lò trong thời gian 2 tháng. Sau đó dùng tro ấy để bón cho cây. Trong suốt quá trình từ lúc trồng đến khi thu hoạch, người nông dân chỉ có nhiệm vụ trông coi nông trại, bật bơm tưới tiêu, canh phòng trộm cắp và đi ngủ. Anh hài hước cho biết. Bằng việc này, anh đã tạo đầu ra ổn định cũng như liệc làm cho hơn 20 nhân công.

Một công ty non trẻ với trách nhiệm tuyệt vời

Tiềm lực tài chính không quá mạnh, nhưng Lê Nam Trà không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Mong ước của anh đó là được mang đến cho mọi gia đình Việt một sức khỏe vững bền. Để không ai còn mắc phải căn bệnh quái ác như người mẹ mà anh hằng yêu quý.

Cuối cùng tôi cũng hiểu Nông Nghiệp Lười của anh là như thế nào. Vâng, hãy để vạn vật phát triển theo lẽ tự nhiên như tạo hóa đã tạo nên. Mong rằng sẽ có nhiều người như Lê Nam Trà hơn nữa, để người dân Việt Nam không còn phải lo lắng cho bữa ăn của gia đình. Chúc anh, chúc thương hiệu BÁC BA PHI của anh sẽ thành công như ước nguyện của mình.

Bizweb.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top