[Cổ phiếu nổi bật tuần] BSR – Quả ngọt cho nhà đầu tư tham gia IPO

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đột biến trong 2 phiên có mặt trên sàn UpCoM, BSR đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức giá 31.300 đồng/cổ phiếu. So với giá trúng bình quân trong đợt IPO ngày 17/7 là 23.043 đồng thì nhà đầu tư đã thu lời hơn 35%.

bsr_lnrf.png

Diễn biến giao dịch của BSR trong thời gian gần đây

Hơn 241,4 triệu cổ phiếu của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chào sàn UPCoM vào ngày 1/3 vừa qua. Với biên độ trong phiên đầu tiên là 40%, BSR đã tăng kịch trần lên 31.300 đồng/cổ phiếu.

1_myzp.png

Khối lượng khớp lệnh phiên đầu tiên là hơn 14 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại cũng bán ròng gần 3,8 triệu cổ phiếu. Và sang đến phiên thứ 2, tưởng như đà chốt lời mạnh sẽ khiến thị giá thoái lui thì cổ phiếu này vẫn duy trì mức giá tích cực là 31.300, tăng 2,3% so với giá bình quân phiên 1/3.

Trước đó, đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của BSR vào tháng 1 đã diễn ra rất thành công. Toàn bộ hơn 241 triệu cổ phần của BSR được bán hết cho 623 nhà đầu tư trong đó có 62 nhà đầu tư tổ chức và 561 nhà đầu tư cá nhân. Giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cổ phiếu.

Cơ cấu cổ đông của BSR vẫn được cho là khá cô đặc. Theo kế hoạch, sau khi bán thành công 241,56 triệu cổ phần chiếm 7,79% vốn điều lệ trong đợt IPO tháng 1 vừa qua, BSR sẽ thực hiện bán 1.519,24 triệu cổ phiếu cho Cổ đông chiến lược tương đương 49,0% vốn điều lệ. Đồng thời bán ưu đãi 6,48 triệu cổ phần cho Cán bộ nhân viên (CBNV) tương đương 0,21% vốn điều lệ.

Cổ phiếu độc nhất trên thị trường

Hiện nay, BSR là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất thực hiện công đoạn lọc hóa dầu trong chuỗi giá trị ngành dầu khí Việt Nam. Với việc là doanh nghiệp thực hiện lọc hóa dầu đầu tiên trong nước sẽ là lợi thế cho BSR về phát triển khách hàng, vì khi các đối tác trong nước mua sản phẩm từ BSR sẽ được lợi thế về đoạn đường vận chuyển ngắn hơn so với sản phẩm nhập khẩu, như vậy chi phí về vận chuyển và bảo hiểm sẽ thấp hơn.

Phân tích về năng lực sản xuất, các nhà phân tích của chứng khoán FPTS viết “nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất chế biến lên đến 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Từ khi đưa nhà máy vào vận hành từ năm 2010 đến nay, nhà máy luôn hoạt động trên 100% công suất với tổng sản lượng sản xuất luỹ kế đạt khoảng trên 47 triệu tấn sản phẩm lọc hoá dầu mang về tổng doanh thu gần 40 tỷ USD cho BSR”.

3_osoz.jpg

Ngược dòng lịch sử hình thành, năm 2015, dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm được khởi công tại khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Năm 2011, nhà máy chính thức được khánh thành và kể từ khi BSR nhận bàn giao, nhà máy luôn vận hành trên 95% và sau khi bảo dưỡng lần 1 thành công thì nhà máy luôn vận hành 100% công suất.

Tính cả giai đoạn 2011-2016, BSR đã đạt 37 triệu tấn sản phẩm và doanh thu đạt 639 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2016, BSR đạt khoảng 6,83 triệu tấn sản phẩm với doanh thu thuần 73,60 nghìn tỷ đồng đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2010-2016 khoảng 3,9%/năm và lợi nhuận sau thuế chuyển biến vượt bậc từ -1.289 tỷ đồng vào năm 2012 đã đạt 4.492 tỷ đồng vào năm 2016.

Quy mô sản xuất lớn

Nhà máy lọc dầu của BSR hiện nay có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy chính của BSR gồm 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm.

Cụ thể hơn, các nhà phân tích FPTS cho biết, các phân xưởng chính của Nhà máy sử dụng bản quyền công nghệ của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới, cụ thể như phân xưởng NHT/CCR/IZOM (UOP, Mỹ), phân xưởng RFCC/LCO-HDT (AXENS, Pháp), phân xưởng KTU/LTU/NTU/CNU (Merichem, Mỹ). Nhà máy được thiết kế chi tiết và xây dựng, chạy thử bởi Tổ hợp Nhà thầu Technip Pháp, JGC-Nhật,…

Công nghệ nhà máy lọc dầu của BSR hiện nay có thể lọc được khoảng 57 loại dầu mỏ khác nhau với chất lượng dầu có độ API (độ nặng nhẹ của dầu so với nước) cao và hàm lượng lưu huỳnh thấp. Hiện tại, Nhà máy của BSR đang vận hành ổn định ở mức 103-105% công suất thiết kế, BSR đã thử nghiệm thành công 110% và đang có kế hoạch thử nghiệm mức 120% công suất.

Để duy trì khả năng vận hành cường độ cao, hoạt động bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc được BSR tiến hành thường xuyên, trong đó đáng kể nhất là hoạt động bảo dưỡng lớn với chu kì 3 năm/lần. BSR cũng đang thuê đơn vị thực hiện thiết kế FEED để nâng cấp, mở rộng Nhà máy nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm và tăng khả năng lọc lên 200 loại dầu thô khác nhau.

Xét về phương diện đầu vào, nguồn dầu thô chính của BSR là mỏ Bạch Hổ, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng dầu thô đưa vào chế biến. Hiện tại, mỏ Bạch Hổ và các mỏ dầu trong nước (chủ yếu là dầu ngọt, nhẹ) chiếm đến 90% cơ cấu dầu thô của BSR, còn lại là dầu nhập khẩu.

Hiện tại, BSR đang thực hiện đa dạng hóa nguồn dầu thô bằng các cải hoán nhỏ để tăng cường khả năng phối trộn. Nhà máy có thể hoạt động ổn định và đảm bảo an toàn ở mức 70:30 (70% là dầu Bạch Hổ và tương tự).

PVOil đang là đơn vị duy nhất đại diện cung cấp dầu thô cho BSR, trong đó bao gồm cả nhận ủy thác nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài. Giá dầu thô PVOil cung cấp cho BSR được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô Dated Brent của hãng tin Platts, các hợp đồng cung cấp đều có thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm với thời hạn thanh toán khoảng 30 ngày.

Về đầu ra, sản phẩm đầu ra của BSR chủ yếu là xăng RON92, RON95 và dầu diesel (DO), bên cạnh đó còn có các sản phẩm khác như nhiên liệu đốt lò FO (dầu mazut), nhiên liệu phản lực Jet A-1, LPG, hạt nhựa PP và các sản phẩm hóa dầu khác.

4_yfyy.jpg

Trong tổng số hơn 6,5 triệu tấn sản phẩm đầu ra bình quân năm giai đoạn 2013-2016, BSR duy trì cơ cấu khoảng 40% sản phẩm xăng (RON92, RON95) và 45% DO và 10-15% các sản phẩm khác trong đó đáng kể nhất là Jet A-1 (Kerosen) và hạt nhựa PP (sản phẩm hóa dầu có giá trị cao).

Trong 9 tháng đầu năm 2017, BSR đã sản xuất được khoảng 4,4 triệu tấn sản phẩm lọc hóa dầu, trong đó hơn 1,8 triệu tấn xăng nhiên liệu (gồm RON92, RON 95 và E5 RON92) và khoảng 1,8 triệu tấn nhiên liệu DO với tỷ lệ thu hồi sản phẩm lọc hóa dầu đả 95,3%.

Hiện nay, sản phẩm xăng dầu của BSR được phân phối bởi các đầu mối lớn trong nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm 41,0% cơ cấu tiêu thụ năm 2016, sau đó là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) chiếm 25,3%, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) chiếm 6,0%, Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ chiếm 4,0%, Công ty TNHH MTV Thương Mại Dầu khí Đồng Tháp (PETIMEX) chiếm 4,9% và còn lại là khách hàng khác.

2_tmkg.png

Nếu chỉ tính riêng hai khách hàng lớn nhất là Petrolimex và PVOil đã chiếm hơn 66% sản lượng sản phẩm xăng dầu của BSR.

Tuy nhiên theo dự kiến, tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa do PVN, Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPI), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Tập đoàn hóa chất Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) là chủ đầu tư. Nhà máy Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn/năm, nguyên liệu nhập khẩu từ Kuwait với tổng mức đầu tư 9,2 tỷ USD, sản phẩm của nhà máy gồm: khí hoá lỏng LPG, xăng dầu, dầu FO, benzenne, dầu hoả, Jet A-1, polypropylene... sẽ được đi vào hoạt động vào đầu năm 2018.

Dự kiến khi Nhà máy Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, điều này sẽ gia tăng sự cạnh tranh đối với BSR. Sau khi được đưa vào hoạt động chính thức, các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 80% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước. Qua đó, nâng cao khả năng tự chủ nguồn xăng dầu của Việt Nam.

MAI HƯƠNG
Bizlive.vn
 

Việc làm nổi bật

Top