“Đứa con được nuông chiều” PVX

Thảo luận trong 'Chứng khoán' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 29/9/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam kế toán trưởng tập đoàn Dầu khí ông Lê Đình Mậu vì liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVX).

    Ba người khác cũng bị khởi tố gồm Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình II, Trần Văn Nguyên nguyên Kế toán trưởng ban trên và Nguyễn Ngọc Ký, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVX.

    [​IMG]
    PVX hiện nay vẫn “lay lắt” trên sàn, trở thành cổ phiếu đầu cơ hạng nhất với thanh khoản hàng triệu đơn vị khớp lệnh mỗi phiên. Ảnh TL
    PVX niêm yết trên sàn Hà Nội từ tháng 8-2009 chỉ hai năm sau khi ra đời. Là một thành viên của PetroVietnam, PVX là tổng thầu hàng loạt công trình, dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng mà bất cứ một doanh nghiệp xây lắp nào cũng thèm muốn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án nhiên liệu sinh học ethanol Quảng Ngãi, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II... Hầu như tất cả các dự án của PetroVietnam, phần xây lắp như một “quy luật tất yếu” thuộc về PVX. Nhờ độc quyền thăm dò, khai thác và xuất khẩu dầu thô, PetroVietnam thời giá dầu quốc tế cao ngất ngưởng, thực sự “lắm tiền nhiều của”. PVX là “đứa con được nuông chiều quá mức” của “ông bố giàu có” PetroVietnam.

    Một năm sau khi lên sàn, năm 2010, PVX báo lãi sau thuế 587 tỉ đồng trên vốn điều lệ lúc đó (chưa tăng vốn) 1.500 tỉ đồng. Thị giá cổ phiếu ở mức 30.000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi tăng vốn lên 4.000 tỉ đồng). Nhưng chỉ được một năm đó. Rất nhanh từ năm 2011 trở đi PVX liên tục làm “thủng túi” cổ đông và nhà đầu tư khi lỗ liên tiếp tổng cộng 2.961 tỉ đồng năm 2012-2013. Thực ra năm 2011 tình trạng của PVX đã rất bê bết, dù lợi nhuận ròng vẫn còn dương 590 triệu đồng. Đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, PVX bắt đầu thoái vốn ở các công ty con để tránh trích lập dự phòng rủi ro. Nhờ thế kể từ năm 2014 tổng công ty lãi khoảng vài chục tỉ đồng/năm. Sáu tháng đầu năm 2017, theo báo cáo tài chính bán niên đã được kiểm toán soát xét, lợi nhuận sau thuế của PVX chỉ có 5,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu còn 2.934 tỉ đồng. Công ty Kiểm toán Deloitte, đơn vị kiểm toán PVX, đưa ra hàng loạt kết luận ngoại trừ cũng như các vấn đề cần nhấn mạnh về lỗ luỹ kế 2.989 tỉ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn, các khoản cho vay, bảo lãnh công ty con phải thu hồi; kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số dự án mà PVX tổng thầu...

    Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên cho thấy đến ngày cuối cùng của tháng 6-2017, PVX đang có nợ ngắn hạn và dài hạn 2.350 tỉ đồng. Chỉ cần PetroVietnam ngừng giao việc gián tiếp và trực tiếp dưới nhiều hình thức khác nhau là PVX “ngắc ngoải”. Trên sàn thị giá của PVX một thời gian dài “chìm đắm” ở 2.000 đồng/cổ phiếu và hiện tiếp tục “hôn mê” sâu quanh 2.800 đồng (giá đóng cửa ngày 26-9-2017). HNX đã đưa cổ phiếu PVX vào diện bị cảnh báo.

    PVX là kết cục của một tổng công ty được thành lập ở thời điểm bùng nổ của chứng khoán năm 2007. Khi ấy các cổ phiếu dầu khí cũng như ngân hàng tăng giá từng ngày, cứ có cổ phiếu dầu khí bán là có lời. Ai mua được cổ phiếu bằng mệnh giá (tức giá gốc), thì mức độ lời có thể tính bằng lần. Gần như ngay sau khi thành lập PVX, PetroVietnam điều ông Trịnh Xuân Thanh về làm phó tổng giám đốc và hai năm sau, Trịnh Xuân Thanh ngồi vào chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty.

    PVX hiện nay vẫn “lay lắt” trên sàn, trở thành cổ phiếu đầu cơ hạng nhất với thanh khoản hàng triệu đơn vị khớp lệnh mỗi phiên (có phiên khớp trên 10 triệu đơn vị) của những nhà đầu tư “liều mình như chẳng có”. Nói “liều mình” vì họ biết mười mươi PVX là cổ phiếu “bèo bọt”. Sau kiểm toán, hết kỳ này đến kỳ khác, lợi nhuận của tổng công ty bị điều chỉnh giảm so với báo cáo tài chính tự lập. Mức giảm thôi thì đủ cỡ, từ vài chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên những người mua vào nắm giữ hay lướt sóng PVX đều có tâm lý PVX dường như không thể “chết”. Một doanh nghiệp to như thế, giải thể hoặc phá sản khó lắm! Sau khởi tố, bắt giam, xét xử những người có sai phạm tại đây, biết đâu PVX lại có thể hồi sinh? Tâm lý mong manh có thể có “ánh sáng cuối đường hầm” để vực dậy tổng công ty vẫn đang tồn tại.

    Có một phương cách có thể cứu vãn PVX là giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại đây và mang ra bán đấu giá. Doanh nghiệp là thứ hàng hóa mà thị trường luôn chấp nhận giao dịch, quan trọng là Nhà nước bán ở giá nào. Ngoài ra lựa chọn thời điểm để Nhà nước thoái vốn cũng là điều cần nghiên cứu kỹ.

    Trước mắt không khó để dự báo biến động của thị giá PVX sẽ gắn chặt với sự cập nhật thông tin liên quan đến quá trình điều tra sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và những người được nêu tên ở đầu bài viết này.

    Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
     

Chia sẻ trang này