Dung Quất: Liệu có còn hấp dẫn nhà đầu tư?

Admin

Administrator
Thành viên BQT
Tính đến tháng 11.2015, giá các cổ phiếu ngành phân phối xăng dầu khí đốt sụt giảm lớn nhất trên thị trường chứng khoán, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.

Dung Quất, nhà máy Lọc dầu lớn nhất và duy nhất của Việt Nam, có thể sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới. Hiện tại, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý và vận hành Dung Quất, đang tiến hành định giá doanh nghiệp đến hết ngày 31.12.2015 để tiến đến cổ phần hóa.

Sức hấp dẫn từ cổ phần hóa là khá lớn vì Bình Sơn hiện có vốn điều lệ lên đến 35.000 tỉ đồng và nằm trong tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Từ lúc bắt đầu hoạt động (năm 2009) đến tháng 11.2015, công ty sản xuất hơn 36 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt doanh thu thuần hơn 710.000 tỉ đồng và nộp ngân sách nhà nước 120.000 tỉ đồng.

Sản phẩm Dung Quất cung cấp gồm có xăng RON 92 và 95, xăng hàng không JET A1, khí hóa lỏng, propylene, polypropylene, dầu diesel. Các sản phẩm hiện tại của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn khá đơn giản khiến lợi nhuận mang lại chưa cao. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: “Với nhà máy lọc hóa dầu, phần lợi nhuận chính không đến từ sản phẩm lọc dầu, mà 60-70% lợi nhuận có thể đến từ các sản phẩm hóa dầu, như nhựa đường, hạt polime, sợi tổng hợp... Nhà máy Dung Quất của Việt Nam mới chỉ có lọc dầu nên lợi nhuận chưa lớn”.

Sản phẩm chưa đa dạng nhưng đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của thị trường. Tuy nhiên, năng lực của Dung Quất chỉ mới đáp ứng 1/3 lượng cầu trong nước. Vì thế, Nhà máy đang trên đà mở rộng quy mô, tăng năng suất để gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Trước đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng lên kế hoạch gia tăng năng suất lọc dầu từ 140.000 thùng/ngày lên 200.000 thùng/ngày vào năm 2017, cũng như cải thiện cơ sở vật chất để tăng khả năng tiếp nhận các sản phẩm dầu thô chua giá rẻ hơn từ Nga, Trung Đông và Venezuela.

Giá dầu thô trên thế giới rớt gần 50% so với năm trước đã tác động tiêu cực đến ngành kinh doanh lọc dầu và khiến một số dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam kéo dài tiến độ. Cụ thể, siêu dự án 22 tỉ USD của Tập đoàn PTT (Thái Lan) nhiều khả năng không kịp công bố kết quả thẩm định dự án đầu tiên vào cuối năm nay như dự kiến. Mới đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết, sản phẩm hiện nay đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm nhập khẩu. Lượng hàng tồn kho tăng mạnh, thậm chí có nguy cơ vượt quá sức chứa tối đa của nhà máy.

Bối cảnh khó khăn cũng khiến Bình Sơn gặp thách thức trong tìm nguồn vốn mới để mở rộng sản xuất. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ không còn lớn như trước vì nợ công đã ở mức tương đối cao. Chính vì lẽ đó, cổ phần hóa Bình Sơn được xem là bước đi phù hợp để huy động các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt tài chính và công nghệ, phục vụ mục tiêu mở rộng Dung Quất.

Liệu cổ phần của các công ty ngành dầu khí có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư? Tính đến tháng 11.2015, theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Vietinbank, giá các cổ phiếu ngành phân phối xăng dầu khí đốt sụt giảm lớn nhất trên thị trường chứng khoán, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, đối với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và khung thời gian đầu tư dài hạn, cổ phiếu ngành dầu khí vẫn đáng giá để sở hữu nhờ ngành này có cầu ổn định và sản phẩm thiết yếu đối với nền kinh tế. Sở hữu các tài sản này sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài cải thiện đáng kể mức độ thâm nhập thị trường Việt Nam, vốn không ngừng tăng lên.

Tháng 4 vừa qua, tập đoàn năng lượng của Nga là Gazprom đã ký thỏa thuận với PVN để mua 49% cổ phần của Bình Sơn. Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) cho biết, nhiều tập đoàn năng lượng nước ngoài đang quan tâm đến việc thoái vốn nhà nước tại Bình Sơn, trong đó có Nippon Oil & Energy Corporation, Petróleos de Venezuela và một tập đoàn năng lượng đến từ Hàn Quốc.

Ngoài Dung Quất, Chính phủ Việt Nam còn dự kiến thoái vốn ở các công ty lớn, đầu ngành; cụ thể, thoái 49% vốn trong Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), giảm tỉ lệ sở hữu tại Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) từ 51% xuống còn thấp hơn 20%, giảm sở hữu trong Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) từ 96,7% xuống dưới 75%, thoái vốn trong Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xuống còn 75%. Trong khi đó, PVN dự kiến sẽ giữ nguyên mô hình sở hữu hiện tại ít nhất đến 2030.

1_dung_quat_IZCC.jpg

Ngoại trừ PVcomBank, các doanh nghiệp khác đều là những tài sản có giá trị lớn nhờ vị thế gần như độc quyền ở thị trường trong nước. Vì thế, quá trình cổ phần hóa sẽ có nhiều đối tác tham gia nếu mức giá được định hợp lý. Theo công ty nghiên cứu thị trường BDG Việt Nam, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành năng lượng sẽ mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, Việt Nam chắc chắn sẽ chứng kiến làn sóng đầu tư vào các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện cũng như các lĩnh vực năng lượng khác.

Tháng 12.2014, Petrolimex đã ký hợp đồng ghi nhớ cổ đông chiến lược với Nippon Oil & Energy của Nhật. Trước đó, một trong những dự án dầu khí lớn nhất đã được mở cửa cho nhà đầu tư bên ngoài là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhà máy này có công suất lọc 200.000 thùng dầu/ngày và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2017. Các cổ đông hiện tại của Nghi Sơn là Kuwait Petroleum International (35,1%), Idemitsu Kosan (35,1%), PVN (25,1%) và Mistui Chemicals (4,7%).

Theo: Nhịp Cầu Đầu Tư​
 

Việc làm nổi bật

Top