Hầu tòa vụ PVN mất 800 tỉ, ông Đinh La Thăng có 5 luật sư

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Vừa nhận bản án 13 năm tù, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị cáo buộc cùng 6 đồng phạm cố ý làm trái trong việc góp vốn vào OceanBank khiến PVN mất trắng 800 tỉ đồng.

Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ cố ý làm trái trong việc góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỉ đồng sẽ khai mạc sáng mai 19-3.

dinh-la-thang-2-1519816754343554681178-1519869665857497587333.png

Ông Đinh La Thăng tiếp tục hầu tòa ngày mai 19-3 trong vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỉ cho PVN
Trong phiên tòa này, ngoài 3 luật sư được mời từ trước đó là luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng thì ông Đinh La Thăng còn mời thêm 2 luật sư khác tham gia bào chữa cho mình.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên phó tổng giám đốc PVN cũng mời 4 luật sư bào chữa gồm Nguyễn Đình Ngọc, Phạm Công Hùng, Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Thị Minh Châu.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh - nguyên kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN mời 2 luật sư Đỗ Ngọc Quang và Đỗ Ngọc Anh bảo vệ cho mình.

Hội đồng xét xử gồm 5 người, trong đó thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa.

Tòa cũng cũng triệu tập bị án Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank tới tham dự với tư cách người làm chứng. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 19-3 đến hết ngày 29-3-2018.

Trước ngày xét xử, luật sư của ông Đinh La Thăng cũng đề nghị tòa triệu tập đại diện Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương và đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư tham gia tố tụng.

Trước đó ông Đinh La Thăng bị bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án 13 năm tù trong vụ cố ý làm trái tại PVN, gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỉ đồng.

Biết rõ OceanBank yếu kém nhưng vẫn góp vốn!

Hồ sơ vụ án nêu, vào năm 2006, theo đề án hình thành tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN được thành lập mới mới một ngân hàng Cổ phần dầu khí (đặt tên là Ngân hàng Hồng Việt), trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ.

PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động.

Tuy nhiên, năm 2008, Thủ tướng không cho phép thành lập ngân hàng nên PVN chuyển sang góp vốn mua cổ phần của ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Hà Văn Thắm được Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN đưa đến gặp ông Đinh La Thăng và Nguyễn Ngọc Sự - phó Tổng giám đốc PVN để bàn về việc PVN sẽ góp vốn vào OceanBank.

Sau khi làm việc, ngày 18-9-2008 Nguyễn Ngọc Sự đã có văn bản báo cáo về chỉ tiêu tài chính của OceanBank, trong đó nêu rõ: ".. Trong bối cảnh kinh tế hiện tại OeanBank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn và lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng. Ngân hàng Đại Dương thuộc nhóm tổ chức tín dụng xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần..."

Cùng ngày, ông Sự ký văn bản này thì ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm để PVN tham gia góp vốn vào OceanBank theo nội dung 2 bên thống nhất. Ký với Thắm xong ông Thăng mới có bút phê vào văn bản của Nguyễn Ngọc Sự để xin ý kiến các thành viên HĐQT.

11 ngày sau, ông Nguyễn Ngọc Sự tiếp tục có văn bản gửi HĐQT đánh giá về năng lực của OceanBank trong đó nêu rõ: "tính thanh khoản của ngân hàng hiện nay rất kém và rất nhạy cảm với bất kể biến động nào của thị trường. Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của OceanBank giảm từ 30,6% năm 2006 xuống còn 18,6% cho những tháng đầu của năm 2008".

Từ đó, PVN kết luận tình hình hoạt động của OceanBank: "đang đứng trước bài toán nặng nề nhất về khả năng đứng vững và phát triển", "khả năng thanh khoản kém, vốn và tiềm lực tài chính thấp, chất lượng tài sản thấp".

Đến ngày 30-9, trong một cuộc họp của HĐQT của PVN do ông Đinh La Thăng chủ trì thì Nguyễn Xuân Sơn mới báo cáo về việc PVN sẽ góp vốn vào OceanBank với các thành viên HĐQT, trong đó PVN góp vốn 20%, cán bộ nhân viên góp 10%, đến lúc này các thành viên HĐQT mới biết được chủ trương góp vốn của PVN vào OceanBank.

Trong khi đó, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm từ ngày 18-9-2008.

ha-van-tham-1506246944655-1521365833617854781216.png

Ông Hà Văn Thắm đã bị kết án tù chung thân trong đại án OceanBank - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ký thỏa thuận không thông qua HĐQT

Không những thế, lời khai của ông Hà Văn Thắm tại cơ quan điều tra còn cho thấy, trước khi ký thỏa thuận với ông Thăng, thì PVN chưa hề tiếp xúc với OceanBank để khảo sát và thẩm định tình hình hoạt động của OceanBank.

Cáo trạng cũng thể hiện, lời khai của ông Đinh La Thăng cũng khẳng định trước khi ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm ông Đinh La Thăng không hề thông qua HĐQT và cũng không họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.

Giấy xác nhận có chữ ký của các thành viên HĐQT như ông Trần Ngọc Cảnh, ông Hoàng Xuân Hùng và Phan Thị Hòa (thành viên HĐQT) được cung cấp trước đó là không đúng sự thật.

Việc làm của ông Đinh La Thăng bị cáo trạng quy kết là trái khoản 4 điều 16 của Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN được ban hành theo quyết định số 36/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Chính thỏa thuận góp vốn này là tiền đề để PVN thiệt hại 800 tỉ đồng.

Các bị cáo đồng phạm cùng ông Đinh La Thăng trong vụ án bị cáo buộc đã đồng ý về chủ trương góp vốn trong 3 lần, riêng lần thứ 3 vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng, trực tiếp gây thất thoát 800 tỉ đồng cho PVN.

Tiếp tục điều tra sai phạm những người liên quan

Trong vụ án này, ngoài 7 bị cáo bị truy tố và xét xử, thì còn có nhiều người giữ chức vụ trong PVN có sai phạm liên quan vụ án đã được VKS Tối cao yêu cầu cơ quan điều tra tách riêng để tiếp tục điều tra.

Cụ thể, gồm các ông: Nguyễn Ngọc Sự (phó tổng giám đốc PVN), Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa, Phùng Đình Thực (đều là thành viên của HĐQT PVN).

HOÀNG ĐIỆP
Báo Tuổi Trẻ
 

Việc làm nổi bật

Top