Khi dầu và đồng đô la tăng giá, nhiều nền kinh tế bị tổn thương

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế vẫn ở mức cao so với năm ngoái dù đã giảm trong những tuần gần đây, cộng với áp lực đồng đô la Mỹ tăng giá, đang gây tổn thương cho nhiều nền kinh tế trên thế giới, theo The Wall Street Journal.

Trước thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cân nhắc tăng sản lượng trong cuộc họp sắp tới giữa OPEC và các đồng minh, giá dầu Brent ở London đang quay đầu giảm về mốc 72 đô la Mỹ/thùng sau khi lên mốc quanh 80 đô la/thùng, mức cao nhất trong 3 năm rưỡi. Mặc dù giảm nhưng giá Brent vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Giá dầu ở mức cao đang gây sức ép cho tăng trưởng toàn cầu trong nhiều tháng qua. Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho rằng nếu giá dầu Brent giữ giá quanh mốc 75 đô la/thùng, lạm phát toàn cầu sẽ tăng hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức 50 đô la/thùng vào năm ngoái.

16483_anh_1.jpg

Các xe tải phong tỏa một tuyến đường ở thủ đô Brasília của Brazil trong cuộc đình công phản đối giá dầu diesel tăng vào hồi tháng 5. Ảnh: AP
Đối với người tiêu dùng Mỹ, giá dầu tăng cao đang đe dọa đẩy mức giá xăng lên mức 3 đô la/gallon (3,78 lít) và làm tăng giá vé máy bay. Đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới, giá dầu cao càng gây tổn thương lớn hơn và đã châm ngòi các cuộc biểu tình, đình công, khiến nhà chức trách phải ban hành các chính sách trợ giá nhiên liệu khẩn cấp để dập tắt các bất ổn.

GDP của Brazil có thể bay mất 1% vì giá dầu

Các nền kinh tế có đồng nội tệ suy yếu mạnh so với đô la Mỹ sẽ chịu tổn thương nặng nề nhất khi nhiên liệu tăng giá.

Nhiều người tiêu dùng bên ngoài nước Mỹ đối mặt với hai khó khăn cùng một lúc: giá dầu tăng cùng lúc đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh. Dù dầu mỏ được sản xuất khắp nơi trên toàn cầu nhưng khi nó được bán cho các nhà máy hóa dầu và các khách hàng khác, mặt hàng này hầu như luôn luôn được định giá bằng đồng đô la Mỹ.

Nỗi khó khăn kép đó, theo lời của Bộ trưởng Tài chính Brazil Eduardo Guardia là “một viễn cảnh đầy thách thức từ bên ngoài”.

Sau khi quân đội Brazil được triển khai để dẹp cuộc đình công phản đối giá dầu diesel của giới tài xế xe tải vào tháng trước, ông Guardia gọi đợt tăng giá dầu trong mấy tháng qua “quá tàn nhẫn” đối với đất nước của ông.

Tại Brazil, giá xăng đã tăng 28% và giá dầu diesel cũng tăng hơn 27% trong năm qua, trong khi đó, đồng real giảm 11% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.

Cuộc đình công phản đối giá dầu diesel tăng cao của giới tài xế xe tải Brazil kéo dài hai tuần vào tháng trước đã khiến hàng hóa bị kẹt cứng trên toàn quốc. Trong một nỗ chấm dứt đình công, Tổng thống Brazil Michel Temer đã triển khai quân đội và sau đó, cam kết các gói trợ giá dầu diesel và giảm thuế trị giá 3 tỉ đô la Mỹ cho tài xế xe tải.

Chính phủ Brazil cũng nhất trí chỉ cho phép các nhà cung cấp nhiên liệu tăng giá một tháng một lần thay vì điều chỉnh giá hàng ngày như trước đây. Các nhà kinh tế, được Ngân hàng trung ương Brazil khảo sát, cảnh báo giá năng lượng tăng sẽ làm GDP của Brazil mất một điểm phần trăm trong năm nay.

Trung Quốc, châu Âu cũng bị ảnh hưởng

Giá dầu tăng cao giúp một số nền kinh tế được hưởng lợi nhưng cũng khiến nhiều nền kinh tế khác bị tổn thương. Nền kinh tế Mỹ, từng khốn đốn trong nhiều thập kỷ khi giá dầu tăng, giờ đây lại khá dễ thở. Trong những năm gần đây, Mỹ đã nâng cao sản lượng dầu lên các mức kỷ lục, giúp nước này giảm mạnh sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Theo ngân hàng UBS, với mức giá dầu như hiện nay, tăng trưởng kinh tế ở các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Mỹ và Canada có thể tăng thêm gần 0,3 điểm phần trăm.

Trong khi đó, kinh tế của các nước nhập khẩu dầu như Trung Quốc và các nước sử dụng đồng euro (euro) có thể sụt giảm 0,1 điểm phần trăm vì giá dầu tăng cao.

Mức suy giảm đó có thể không ảnh hưởng quá lớn đến bức tranh tổng thể của nền kinh tế nhưng giá nhiên liệu đắt đỏ có thể gây tổn thương nặng nề cho một số lĩnh vực cụ thể của bất kỳ nền kinh tế nào. Tại Trung Quốc, từ ngày 8-6 đến nay, hàng ngàn tài xế ở các tỉnh thành như Thượng Hải, Trùng Khánh, Sơn Đông, Tứ Xuyên, An Huy, Quý Châu, Giang Tây, Hồ Bắc, Hà Nam, Chiết Giang đã tổ chức đình công hoặc phong tỏa các tuyến đường để phản đối giá nhiên liệu tăng cao.

Một thông điệp lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi 30 triệu tài xế xe tải Trung Quốc đình công vì cước phí vận tải quá thấp trong khi giá nhiên liên tăng liên tục trong những năm gần đây.

Đồng đô la tăng giá càng khoét sâu thêm tổn thương ở nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu. Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) so với rổ 16 ngoại tệ mạnh, đã tăng 6% kể từ tháng 2-2018.

Đối với người tiêu dùng châu Âu, ảnh hưởng của cú tăng sốc của giá dầu thường được làm dịu nhẹ nhờ các mức giảm mạnh thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, mức tăng giá dầu trong năm nay quá mạnh khiến nhiều tài xế ở châu Âu méo mặt. Giá xăng ở Anh trong tháng 5-2018 tăng nhanh hơn bất kỳ tháng nào trong lịch sử, theo tổ chức vận động hành lang của giới tài xế RAC. Người phát ngôn của RAC nói rằng đồng bảng giảm giá so với đồng đô la Mỹ và giá dầu tăng là “một sự kết hợp tai hại”.

Giá dầu Brent vẫn nằm xa dưới ngưỡng 100 đô la/thùng và vẫn chưa đủ cao để khiến các nền kinh tế ở châu Âu “trật bánh” khỏi quỹ đạo tăng trưởng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dầu và đô la Mỹ cùng lúc tăng giá sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ đe dọa đến triển vọng tiêu dùng và cuối cùng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Giá dầu tăng cũng có thể đẩy tăng lạm phát, gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương ở châu Âu phải tăng lãi suất. Lạm phát ở Tây Ban Nha đã nhảy lên mức 2,2% vào năm ngoái từ mức âm 0,2% vào năm 2016 chủ yếu do giá nhiên liệu tăng.

Đông Nam Á, châu Phi chịu sức ép

Nhiều nền kinh tế ở Đông Nam Á cũng đang chịu sức ép vì dầu và đồng đô la Mỹ song hành tăng giá. Tại Indonesia, nơi đồng rupiah rơi xuống mức yếu nhất so với đồng đô la Mỹ trong hơn hai năm qua, giá nhiên liệu là một vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cam kết không tăng giá nhiên liệu, vốn đang được trợ giá, cho đến năm 2019 khi ông dự kiến sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Hồi tháng 4-2018, ông yêu cầu các tập đoàn dầu khí nước ngoài bao gồm Shell và Total phải xin phép chính phủ trước khi tăng giá bán ở các trạm xăng của họ.

30443_anh_2.jpg

Các công nhân Indonesia tuần hành đến dinh tổng thống Indonesia ở thủ đô Jakarta hôm 1-5 để yêu cầu giảm giá nhiên liệu và hàng hóa tiêu dùng cơ bản. Ảnh: Zuma Press
Chính quyền thủ đô Jakarta cho biết sẽ tăng mức trợ giá dầu dầu diesel. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia cũng đã quyết định trợ giá nhiên liệu. Hồi đầu tháng 6, Bộ Tài chính Malaysia thông báo chính phủ sẽ phân bổ 3 tỉ ringgit (760 triệu đô la) để trợ giá xăng dầu cho đến hết năm 2018.

Dù châu Phi là một khu vực sản xuất dầu lớn của thế giới, phần lớn châu lục này vẫn còn thiếu năng lượng và phụ thuộc vào các sản phẩm nhiên liệu tinh lọc. Tại Nigeria, nước xuất khẩu dầu đứng đầu châu Phi, chính phủ đã đặt ra mức giá trần đối với xăng dầu bán lẻ, khiến nguồn cung thiếu hụt vì các công ty bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí nhập khẩu xăng dầu.

Tại Sudan, nền kinh tế lớn thứ 9 châu Phi, giá nhiên liệu đã tăng gấp năm lần trong những tháng gần đây, khiến người dân phải xếp hàng dài qua đêm ở nhiều trạm xăng khắp thủ đô Khartoum và các thành phố khác do nguồn cung thiếu hụt. Nhiều cuộc biểu tình cũng nổ ra trên các đường phố ở nước này để phản đối giá bánh mì tăng vọt, do chi phí vận chuyển và nhập khẩu bột mì tăng cao khi giá nhiên liệu tăng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

Việc làm nổi bật

Top