Khó hiểu giá bán điện bình quân: EVN có đang “đánh đố” người dùng?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức công bố bán điện bình quân toàn Tập đoàn năm 2015 ước đạt 1629,8 đồng/kWh. Đáng chú ý là mức giá này cao hơn so với giá bán điện bình quân mà Chính phủ phê duyệt tại thời điểm tăng giá điện vào tháng 3/2015 là 1.622 đồng/kWh.

Theo EVN, mức giá bán điện bình quân này cao hơn so với kế hoạch là 12,58 đ/kWh, mang lại hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm cho Tập đoàn là 1.800 tỷ đồng.

EVN cũng cho biết năm 2016, đã xây dựng kế hoạch giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn là 1651,2 đồng/kWh. Trong đó giá bán điện bình quân của các tổng công ty điện lực là 1651 đồng/kWh. Như vậy, so với giá bán điện bình quân năm 2015 mà EVN ước tính, thì mức giá năm 2016 tăng cao hơn 21,4 đồng/kWh.

Đến chuyên gia cũng không hiểu…

Giải thích về hai khái niệm giá bán điện bình quân của EVN và giá bán điện bình quân mà Chính phủ quy định, GS.VS - Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam), cho rằng thông thường đơn vị sản xuất điện mà trực tiếp là EVN sẽ trình phương án giá bán điện bình quân để Chính phủ phê duyệt.

“Giá thành sản xuất sẽ gồm 4 thành phần giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá cho các dịch vụ phụ trợ. Trên cơ sở tính giá thành cho 1 kWh điện là bao nhiêu, cộng thêm lãi cho phép sẽ tính ra giá bán điện bình quân. Tức là có phần đảm bảo EVN có lãi để tái sản xuất và cơ cấu” – ông Long nói.

gia-dien-1452490675317.jpg

Vị chuyên gia lâu năm trong ngành điện, từng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam còn khẳng định rằng: “Chính phủ phê duyệt giá bán điện bình quân là bao nhiêu thì EVN phải bán với mức giá bấy nhiêu. Có thể giá EVN bán ra cao hơn so với giá thành, nhưng không được cao hơn giá so với Chính phủ phê duyệt”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về mức giá bán điện bình quân ước tính năm 2015 của toàn EVN là 1629,8 đồng/kWh, cao hơn 7,8 đồng/kWh so với mức giá Chính phủ phê duyệt là 1622 đồng/kWh, GS.VS – Trần Đình Long cho rằng về thuật ngữ giá này cần hỏi lại EVN cho chính xác.

Vị này cũng thông tin thêm rằng, giá điện sinh hoạt thường là giá trung bình của các hộ sử dụng điện khác và thông thường sẽ cao hơn. Cũng bởi, quy định này nhằm khuyến khích cạnh tranh cho hàng Việt Nam nên khu vực công nghiệp và sản xuất sẽ trả tiền điện ít hơn khu vực sinh hoạt.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điện là ngành độc quyền nên Nhà nước quy định mức giá bán có tính pháp lệnh. Tức là đưa ra giá bán bình quân, trên cơ sở đó đơn vị sản xuất, kinh doanh điện sẽ phân bổ giá cho từng đối tượng tiêu dùng khác nhau, song về tổng thể không vượt quá mức giá mà Chính phủ quy định.

“Nếu giá bán bình quân của EVN mà vượt lên giá bán bình quân của Chính phủ là vi phạm. EVN phải đảm bảo làm sao trong biểu giá bậc thang từ 1 đến 6 bậc, tính toán để không vượt quá 1622 đồng/kWh. Trường hợp nếu bán cao hơn giá quy định thì sẽ vi phạm pháp lệnh về giá” – chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.

Người tiêu dùng cần được giải thích?

Trong một thông cáo được phát đi ngay sau cuộc họp Tổng kết hoạt động của EVN vào ngày 6/1, không giải thích rõ về giá bán điện bình quân toàn EVN, nhưng Tập đoàn này lại đưa ra căn cứ để điều chỉnh giá bán điện bình quân năm 2016 với kế hoạch tăng thêm 21,4 đồng/kWh.

Cụ thể, căn cứ trên sản lượng điện thương phẩm tăng; Cơ cấu phụ tải thay đổi có mức giá cao như thương mại dịch vụ, quản lý và tiêu dùng dân cư dự kiến tăng trưởng mạnh; Các Tổng Công ty Điện lực có nhiều giải pháp quyết liệt trong điều hành kinh doanh, đảm bảo thay đổi thỏa thuận giá điện kịp thời khi khách hàng thay đổi mục đích sử dụng điện cũng như các định mức sử dụng điện...

Tại sao lại có sự chênh lệch giữ giá bán điện bình quân mà Chính phủ quy định với giá bán điện bình quân của EVN? Thế nào là giá bán điện bình quân mà EVN đưa ra? Và giá bán điện bình quân này được tính toán trên các yếu tố nào?... là những vấn đề mà EVN cần làm rõ với người tiêu dùng.

Còn nhớ trong cuộc họp tổng kết của EVN, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có nhấn mạnh đến vấn đề là EVN cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và truyền thông. Việc ”bưng bít thông tin” là điều cấm kỵ với EVN nếu muốn tạo được sự đồng thuận với người tiêu dùng về chuyện giá điện.

Và rõ ràng, đến thời điểm này người tiêu dùng vẫn cần sự giải thích rõ ràng hơn của EVN về sự ”chênh lệch” giá bán điện bình quân của EVN so với mức giá mà Chính phủ quy định này?

Theo Trí thức trẻ​
 

Việc làm nổi bật

Top